Thứ năm, 28/03/2024 18:56 (GMT+7)

Gian nan cuộc chiến với rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ tư, 12/06/2019 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt được phát sinh ra môi trường, trong đó có tới 1.800 tấn rác thải nhựa.

Để bảo vệ môi trường, phong trào “Chống rác thải nhựa” vừa được TP.HCM triển khai vào đầu tháng 6. Qua đó, sẽ trở thành việc làm thường xuyên thông qua việc ký kết giữa Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Công thương cùng với các sở ngành, UBND 24 quận, huyện và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ TP.HCM, đoàn thể các cấp tổ chức.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, mỗi ngày TP HCM thu gom khoảng 1.800 tấn rác thải nhựa (túi ni-lông, chai, ly, muỗng, ống hút nhựa, hộp xốp…) nhưng chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi tái chế (chiếm khoảng 11% ), số còn lại đổ ra môi trường như kênh rạch, cống thoát nước…

Chị Thanh - tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) chia sẻ với vov: "Dù biết túi ni-lông không tốt cho môi trường nhưng chúng tôi chưa biết thay thế bằng loại gì vì túi ni-lông tiện lợi, giá thành rẻ".

Sử dụng túi nhựa đang là thói quen khó từ bỏ của nhiều người. Ảnh minh họa.

Còn chị Hoa (quận Tân Phú) đem theo giỏ nhựa đi chợ nhưng bên trong vẫn có 3 túi ni-lông đựng cá, thịt và rau. "Trừ củ quả tôi yêu cầu người bán không cần bỏ vào túi ni-lông, còn thịt, cá, trứng buộc lòng phải dùng để hạn chế hư hỏng" - chị Hoa bộc bạch.

Không chỉ chợ mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, dù nhiều thông tin trên báo đài khuyến khích người dân mang theo túi vải hoặc giỏ đi chợ nhưng số người thực hiện đếm trên đầu ngón tay, túi ni-lông vẫn được sử dụng như thói quen không thể bỏ. Mua một nhúm hành, khách cũng bỏ vào túi ni-lông, mua một ít rau lại thêm 1 túi, rồi cá, thịt…, cứ vậy mỗi người đi chợ mỗi ngày sẽ phải bỏ ít nhất 5 túi ni-lông vào sọt rác.

Đáng nói, chỉ có 20% trong tổng lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế nhưng bằng công nghệ thô sơ, lạc hậu. Các cơ sở này không được đầu tư đồng bộ, nhất là khâu xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, tái chế nên đang gây ô nhiễm cho môi trường. Còn với rác thải sinh hoạt, lại không được người dân, hộ gia đình thực hiện phân loại trước khi chuyển giao. Hơn nữa, rất khó phân loại tách bạch rác thải nhựa ra khỏi rác thải sinh hoạt bởi hiện tại người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng bao ni lông đựng rác.

Trong sự kiện phát động toàn quốc chống rác thải nhựa ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa, trôi nổi trên các đại dương.

Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đồng thời Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Gian nan cuộc chiến với rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.