Thứ bảy, 20/04/2024 21:53 (GMT+7)

Hà Nam: Để tồn tại núi rác suốt 13 năm, trách nhiệm thuộc về ai?

Lam Vy- Mạnh Hoàng -  Thứ tư, 30/10/2019 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Núi rác này tồn tại từ khi Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Phủ Lý vận hành. Để xảy ra tình trạng núi rác tồn đọng trong nhiều năm qua, UBND tỉnh là đơn vị cần có trách nhiệm trong việc này”.

Núi rác “ khổng lồ” tồn tại từ năm 2006

Nếu ai đã từng đặt chân tới thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam sẽ phải lắc đầu, ngán ngẩm bởi không khí ở nơi đây. Tiếng ồn ào từ các công ty khai đá, nhà máy xi măng hoạt động ngày đêm, xe tải chạy nườm nượp bất kể nắng mưa. Không khí ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi từ công ty khai thác đá, công ty xi măng, đặc biệt là mùi hôi thối từ núi rác lộ thiên với khoảng hàng chục nghìn tấn rác không được xử lý chất thành núi bên cạnh nhà máy xử lý rác Thanh Thủy.

Theo phản ánh của người dân thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối, không được xử lý, nguồn nước của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nước rỉ rác ngấm xuống mạch nước ngầm gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như cuộc sống của người dân trong thôn. Người dân trong thôn rất bức xúc bởi núi rác lộ thiên đã tồn tại rất nhiều năm nay nhưng chính quyền chưa có phương hướng xử lý dứt điểm tình trạng này.

Bà T.T.S – người dân sống tại thôn Đồng Ao chia sẻ với PV, bà cho biết:“ Cuộc sống của chúng tôi khổ cực vô cùng, không khí lúc nào cũng ô nhiễm. Nhiều hôm không dám mở cửa bởi bụi và mùi hôi thối từ bên ngoài thổi vào, có những hôm nước sông Đáy ô nhiễm, trạm bơm nước sạch bị ô nhiễm nên dân chúng tôi cũng không có nước sạch để sử dụng. Vì không có tiền nên phải ở lại nơi đây, chứ sống ở đây sớm muộn cũng bệnh tật đầy người, chỉ khổ đời con cháu chúng tôi”.

Công ty Môi trường Thanh Thủy tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Theo quan sát của PV, núi rác lộ thiên nằm sát chân núi bên cạnh nhà máy xử lý rác Thanh Thủy, theo thời gian núi rác cũng đã dần lún xuống, vào những ngày trời mưa gió, nước ngấm xuống đã khiến cho núi rác bốc mùi hôi thối, nước rỉ rác chảy xuống các rãnh đen ngòm chảy xuống chân dốc. Bên ngoài nhà máy xử lý rác còn có những hố chôn lấp được lót bạt, đổ khối lượng lớn xỉ than từ quá trình đốt rác.

Để tìm hiểu rõ hơn về lý do tồn tại của núi rác “khổng lồ” xuất hiện đã nhiều năm và những hoạt động của nhà máy xử lý rác thải Thanh Thủy, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Trưởng- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy.

Ông Trưởng cho biết: “Nhà máy xử lý rác Thanh Thủy có tiền thân từ Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Hà Nam sau đó công ty này đã bàn giao lại cho Công ty Cổ phần Môi trường Ba An còn núi rác khổng lồ cạnh nhà máy xuất hiện từ năm 2006 tới nay.

Trước đây chủ đầu tư của nhà máy là UBND tỉnh Hà Nam, bãi rác tập kết để lộ thiên từ lúc đó. Phân vi sinh ủ lên men để bán nhưng không xuất bán được, công ty cũng đã lấy bạt để che phủ. Thời điểm đó rác nhập về để ngoài sân và mưa to, nước tràn xuống gây ô nhiễm”.

Nước rỉ rác từ núi rác lộ thiên ngấm xuống lòng đất làm ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Được biết tới năm 2016, Công ty Hợp Tiến mua lại nhà máy rác và đổi tên thành Công ty Môi trường Thanh Thủy. Trước khi công ty Hợp Tiến mua lại nhà máy rác đã từng xảy ra những vụ chặn xe rác, người dân thôn Đồng Ao không cho xe rác vào bãi xử lý. Vì thời điểm đó, lò đốt rác gây ô nhiễm, bãi rác lộ thiên không được xử lý triệt để khiến người dân vô cùng bức xúc.

Lúc đó chính quyền  địa phương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã hứa hẹn và khi công ty Môi trường Thanh Thủy tiếp quản lại nhà máy đã hứa khắc phục, xây dựng lại lò đốt mang tính hiện đại hơn để không xảy ra ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Hà Nam cần có trách nhiệm với núi rác

Trao đổi với PV về công nghệ mà Công ty Môi trường Thanh Thủy đang xử lý rác, ông Trưởng cho biết : “Công suất thiết kế là 120 tấn/ngày đêm, nhưng thực tế chỉ đốt 50 tấn/ngày đêm. Toàn bộ rác thu gom về để trong nhà, dây chuyền sàng lọc lấy phân vi sinh không thực hiện nữa. Rác nhập về có nước rỉ rác được bơm ra bể chứa để xử lý. Xử lý đạt tiêu chuẩn thì mới xả ra mương, vừa rồi công ty đầu tư cũng đã cơ bản, dây chuyền khép kín.

Sau khi hoàn thành, bàn giao và hoàn thiện khâu xử lý nước thải, nước rỉ rác, mấy năm gần đây, công ty đã cải tạo thêm nhà máy rác thứ hai, hệ thống sấy khô đốt hiệu quả hơn. Lò đốt trước kia không qua sấy cho nên đốt không hiệu quả. Đốt không ra thành than, xỉ tro nhiều, khi chôn xuống gặp nước mưa nên có mùi hôi thối.  Đến nay lò đốt thứ hai đốt triệt để hơn, đá gạch sàng lọc không đốt được khoảng 10%, đem chôn.”

Bên ngoài nhà máy xử lý rác còn có những hố chôn lấp được lót bạt, đổ khối lượng lớn xỉ than từ quá trình đốt rác.

Theo vị Phó Chủ tịch xã, từ ngày Công ty Môi trường Thanh Thủy tiếp quản và xử lý, vận hành nhà máy, người dân ít phàn nàn hơn nhưng quan điểm của người dân là không cho nhà máy tồn tại ở đây. Về khoảng cách từ nhà máy tới các hộ  dân trên 500m, người dân ý kiến và UBND xã đã tiến hành khảo sát, kiểm tra để dân chứng kiến.

Để tồn tại núi rác lộ thiên tồn tại đã 13 năm qua, chính quyền địa phương không có phương án xử lý triệt để gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, trách nhiệm thuộc về ai, giải đáp thắc mắc của PV về vấn đề này, ông Trưởng cho biết: “Núi rác này tồn tại từ khi Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Phủ Lý vận hành, mới đầu là bãi chôn nhưng mất vệ sinh nên đã chuyển qua đốt. Để xảy ra tình trạng núi rác tồn đọng trong nhiều năm qua, UBND tỉnh là đơn vị cần có trách nhiệm trong việc này”.

 Núi rác khổng lồ chưa qua xử lý, tồn đọng trong suốt 13 năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

UBND xã Thanh Thủy biết thực trạng việc núi rác trên cao, lộ thiên, khi mưa xuống gây ô nhiễm môi trường, ngấm xuống mạch nước ngầm. Trạm bơm nước ở dưới thì chúng tôi cũng ý kiến yêu cầu chuyển ống đi lấy nước ở sông khác. Không lấy trực tiếp qua rìa nhà máy đốt rác đó. Vì khi lấy nước ở sông Đáy cũng rất ô nhiễm, có nhiều hôm cá chết, nước đen... nên gây ô nhiễm nặng nề”, ông Trưởng chia sẻ.

Khi hỏi về kế hoạch trong thời gian tới để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Đồng Ao và hướng xử lý của địa phương đối với núi rác lộ thiên, ông Trưởng cũng rất trăn trở, ông chia sẻ: “Các công ty trên địa bàn thôn Đồng Ao đều có cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên thực hiện lại không triệt để, ý thức bảo vệ môi trường kém, cho nên gây ô nhiễm nhiều. Các cấp chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp giảm thiểu khắc phục ô nhiễm như là thành lập các tổ phun nước rửa bụi, dọn đường, đôn đốc các công ty dọn dẹp bảo vệ môi trường.

Người dân đề nghị chuyển nhà máy rác, nhà máy xi măng, công ty khai thác đá nếu không phải chuyển các hộ dân ra nơi ở khác nhưng đó không phải là chuyện đơn giản, UBND tỉnh Hà Nam đang bàn và đưa ra giải pháp để xử lý. Còn việc để tồn đọng núi rác thì hiện tại UBND Tỉnh đang nghiên cứu, vì công nghệ và kinh phí để di chuyển núi rác rất lớn”.

Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan như Tài nguyên & Môi Trường, UBND các cấp, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ làm việc với các đơn vị có liên quan. 

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Bạn đang đọc bài viết Hà Nam: Để tồn tại núi rác suốt 13 năm, trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất