Thứ ba, 16/04/2024 15:23 (GMT+7)

Kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai bằng năng lượng mặt trời

MTĐT -  Thứ năm, 25/03/2021 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời.

Sáng nay 24/3/2021, tại hội thảo ở Hà Nội, đã công bố kết quả nghiên cứu “Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời”. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của điện mặt trời tại Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá hiện trạng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, đề xuất các biện pháp phát triển một cách công bằng và hiệu quả, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo bền vững.

Ông Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, phát biểu về nghiên cứu được khảo sát tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Bạc Liêu. Đây là những tỉnh có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời và trên thực tế cũng đã có sự phát triển sản xuất năng lượng mặt trời mạnh mẽ.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: congthuong.vn

Lê Hoàng Anh, Viện Năng lượng công bố kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng điện mặt trời. Theo kết quả thu được, năm 2020 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời. Tính riêng năm ngoái, cơ cấu ngành điện năng lượng mặt trời đã tăng lên nhanh chóng (chiếm 24% công suất của toàn hệ thống điện). Đây là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng một cách bền vững hơn và tiến đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu này chỉ ra, các nhà máy điện mặt trời tại các tỉnh được khảo sát đã mang lại nhiều lợi ích xã hội. Trung bình, một nhà máy điện với công suất 50 MW tạo ra 20 việc làm mới, trong đó, có khoảng 2 - 3 nhân viên là nữ, 2 - 5 lao động là người dân tộc thiểu số. Các chủ đầu tư dự án điện mặt trời cũng ưu tiên tuyển dụng các lao động bị ảnh hưởng do xây dựng nhà máy điện. Theo tính toán, năm 2030, sẽ có 7.500 người làm việc tại các nhà máy điện mặt trời. Năm 2045, con số này có thể lên tới 22.000 người.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo. Nguồn: nangluongsachvietnam

Theo đó, 3 nội dung chính của nghiên cứu là: nghiên cứu về chính sách phát triển điện mặt trời từ trước đến nay ở Việt Nam; quá trình phát triển điện mặt trời trong giai đoạn vừa qua; một số kiến nghị trong phát triển điện mặt trời trong tương lai.

Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm thực hiện nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất, khi lập kế hoạch phát triển điện mặt trời, cần phải tích hợp với các kế hoạch phát triển khác, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất, giảm thiểu tối đa diện tích đất chiếm dụng của nhà máy điện, giảm thiếu các thay đổi sinh kế của người dân xung quanh.

Thứ hai, cần công bố thông tin về sử dụng đất. Nhóm nghiên cứu của Viện Năng lượng khuyến nghị không được sử dụng đất trồng rừng và giảm thiểu tối đa chiếm dụng đất nông nghiệp; quá trình đấu thầu phải thực hiện công khai, minh bạch; thực hiện các tham vấn và công bố thông tin đầy đủ.

Thứ ba, các chủ đầu tư cần phải hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế và thích nghi với cuộc sống mới.

Thứ tư, nhà sản xuất cũng cần có trách nhiệm xử lý chất thải cuối vòng đời dự án và đồng bộ quản lý chất thải từ trung ương tới địa phương.

Thứ năm, để huy động được 128 tỷ USD phát triển năng lượng, trong đó có 23,8 tỷ USD dành cho năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Quy hoạch điện VIII, cần phải khuyến khích khối kinh tế tư nhân và nguồn vốn của nước ngoài. Nguồn vốn của nhà nước nên đầu tư vào quản lý, lưới truyền tải,...

Thứ 6, đối với giá điện, cần có một cơ chế đấu thầu cạnh tranh, được đánh giá lại thường niên và có thể có chênh lệch theo từng vùng.

Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Chính sách và Tài nguyên môi trường đã trình bày những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 tác động tới dự án năng lượng tái tạo. Bà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Đây cũng là lần đầu tiên Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kết quả nghiên cứu Xây dựng tương lai bằng năng lượng mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới