Thứ sáu, 29/03/2024 16:36 (GMT+7)

Khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ bảy, 07/04/2018 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng nghề có đa dạng các loại hình hoạt động nên nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề cũng rất nhiều thể loại.

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã thu hút gần 1 triệu lao động trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên. Song đi cùng với hoạt động của hình thức làng nghề là hậu quả về môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Làng nghề có đa dạng các loại hình hoạt động nên nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề cũng rất nhiều thể loại. Thứ nhất là nước thải. Hoạt động chế biến thực phẩm, mây tre, dệt, in, gia công, kim loại, tẩy và nhuộm,...tạo ra những dòng nước thải độc hại. Nước thải từ các làng nghề thường bị nhiễm màu nặng, làm đổi màu với các dòng mương, sông nhận nước thải và thường có mùi rất khó chịu. Qua kiểm tra, nghiên cứu những loại nước thải này đều vượt quá tiêu chuẩn đối với các hàm lượng BOD, COD, SS và Coliform, các kim loại nặng...

Hoạt động của các làng nghề cũng làm không khí bị ô nhiễm nặng. Quá trình sử dụng than và củi trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất gốm sứ gây ra bụi, mùi, tiếng ồn và cả nóng. Không khí bị ô nhiễm nặng tại nơi trực tiếp sản xuất, nhất là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép và ô nhiễm do sử dụng than củi.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Việc tái chế nguyên liệu, chế biến thực phẩm tại các làng nghề thải ra rất nhiều các chất thải rắn khác nhau. Loại rác thải này được đổ ra các dòng nước và khu đất trống, làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm trầm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy một phầnlà do các làng nghề thường có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc đầu tư cho xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường như giảm thiểu chất thải từ các quá trình sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định. Các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư. Một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động. Tại nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh chung hoặc ra sông.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do cơ chế chính sách về môi trường làng nghề cũng chưa thực sự phù hợp. Mặc dù đã có các văn bản pháp luật quy định việc quản lý và đánh giá ô nhiễm môi trường nhưng còn mang tính chung chung chứ chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất tại các làng nghề. Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường địa phương và nguồn lực dành cho việc triển khai thực hiện còn hạn chế. Công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng và thực hiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề hầu như chưa được triển khai.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm phần lớn là do ý thức của người dân về bảo vệ môi trường còn quá thấp. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền. Công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến pháp luật về môi trường làng nghề cũng được UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thường xuyên dưới các hình thức mở lớp tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trườngtrong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói chung và hoạt động sản xuất tại các làng nghề nói riêng; tổ chức đội tự quản về bảo vệ môi trường và cộng đồng dân cư tại các xã có làng nghề; tổ chức các hội nghị thảo luận đưa ra các mô hình hoạt động khuyến khích các cơ sở áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường, thu gom và tái chế chất thải.....Dù vậy nhưng ý thức tự giác của người dân tại các làng nghề vẫn còn thấp, thường xuyên xả thải ra môi trường một cách vô tội vạ nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Để chủ động phòng ngừa, ngặn chặn và giảm thiểu hơn nữa ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, các sở, ngành cũng đã đề xuất với thành phố khảo sát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để triển khai thành công các dự án cấp bách trong việc đầu tư - xây dựng - vận hành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng, khí thải tại các làng nghề. Nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường đồng thời triển khai phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiêu chí đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, 8 loại hình sản xuất và phân loại cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện trên cơ sở thông số ô nhiễm đặc thù theo thành phần môi trường như: Nước mặt, đất, không khí; phân loại mức độ ô nhiễm theo hệ số ô nhiễm (không ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường hoặc có nhiễm môi trường nghiêm trọng).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động phục vụ kiểm soát ô nhiễm tại 80 làng nghề trên địa bàn thành phố. Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội, đặc trưng cho các loại hình sản xuất khác nhau được xử lý theo mô hình đầu tư dự án cấp bách được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí. Nghiên cứu, hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp và tổ chức để tiến hành phân loại, tái chế chất thải; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Phấn đấu bảo đảm 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận tuân thủ đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; từ đó khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

(T/H từ thông tin của Sở TNMT TP. Hà Nội)

Hồng Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.