Theo các chuyên gia về môi trường, một số chất thải nguy hại như chất phóng xạ, dầu nhờn, phốt pho, thuốc trừ sâu hay cả chất thải y tế… nếu đem chôn lấp sẽ rất nguy hiểm cho con người. Chẳng hạn thuốc trừ sâu nếu đem chôn xuống đất sẽ lan trong đất, ngấm vào mạch nước ngầm. Người sử dụng nguồn nước này sẽ bị ung thư. Chất thải y tế, nhất là những bệnh phẩm có tính chất lây truyền, nếu đem chôn nó cũng sẽ gây tình trạng tương tự.

Chính vì thế mà đã có không ít ý kiến băn khoăn về các doanh nghiệp xử lý chất thải vốn mang danh nghĩa là chuyên thu gom, xử lý chất thải nguy hại, phải chăng lại là thủ phạm phát tán ô nhiễm?

Đó là chưa kể vẫn tồn tại tình trạng lén lút đổ chất thải nguy hại ra môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã cấu kết với các doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại để ký hợp đồng khống. Thực chất họ thuê các chủ xe ba gác hoặc xe ben chở đổ ra môi trường. Hoặc có những đơn vị nhận chuyển giao với giá thấp sau đó đổ vào những khu đất trống rồi đốt hoặc đơn giản là chất đống để đó. Thậm chí, dùng xe ép rác để đổ vào các bô rác, trạm trung chuyển nhà nước lại phải bỏ tiền ngân sách ra xử lý số chất thải này.

Lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Trong khi đó, vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu, triệt để nhằm hạn chế những nguy cơ này. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lại chưa căn cơ, mới chỉ xử lý những vụ việc đã xảy ra, chưa có biện pháp ngăn ngừa vi phạm, quá trình quản lý lại buông lỏng, thiếu chặt chẽ và đầy đủ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nguồn thải, chủ vận chuyển và chủ xử lý có thể bắt tay nhau phù phép cho chất thải nguy hại được chuyển thành phế liệu…

Thống kê cho thấy hiện TP HCM có khoảng 15 doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải nguy hại. Ngoài ra, còn có 49 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại nhưng chỉ có 19 đơn vị có khả năng xử lý với năng lực xử lý đạt khoảng 10% lượng chất thải nguy hại, 30 đơn vị còn lại (đa phần là doanh nghiệp nhỏ) chỉ thu gom, vận chuyển và phát tán chất thải nguy hại khắp nơi. Hiện nay, nhiều chất thải nguy hại được thu gom chung với rác thải công nghiệp. Một lượng lớn chất thải nguy hại đi vào các bãi chôn lấp rác. Nguy hiểm là, khi vào bãi rác, chất thải nguy hại phá hủy quá trình phân hủy rác hữu cơ, gây ô nhiễm nước ngầm.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường trong vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Doanh nghiệp vận chuyển thường xuyên bị phát hiện vận chuyển chất thải nguy hại không an toàn, đổ không đúng nơi quy định. Còn doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại thường bị phát hiện đăng ký xử lý chất thải một đường nhưng xử lý một nẻo, trở thành thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng nêu trên, từ tháng 11/2013, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan cần đề xuất các dự án triển khai mới về xử lý chất thải (chất thải sinh hoạt, bùn thải, chất thải nguy hại) trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu cần đánh giá được khả năng xử lý của từng nhà máy trong các dự án xử lý chất thải nguy hại, đồng thời cần nêu rõ về quy hoạch, công nghệ, tiến độ và phương thức đầu tư đối với từng dự án xử lý chất thải.

Theo các chuyên gia về môi trường, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng xử lý chất thải nguy hại thì TP HCM cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa đầu tư lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại. Thành phố cần ưu tiên cho các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến là đốt hoàn toàn, chỉ chôn lấp tro hoặc các chất thải không thể đốt được. Việc chôn lấp chất thải cần giao cho Công ty Môi trường đô thị thành phố trực tiếp phụ trách chứ không giao cho đơn vị khác xử lý nhằm tránh phát sinh tiêu cực. Hơn nữa, các nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải nguy hại cũng phải xây thêm hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.