Thứ bảy, 20/04/2024 10:54 (GMT+7)

Ấn Độ sắp xây khu công nghiệp dược phẩm 500 triệu USD tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ bảy, 31/07/2021 17:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu công nghiệp “Công viên dược phẩm” kỳ vọng sẽ là ‘đòn bẩy chiến lược’ để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Khu công nghiệp “Công viên dược phẩm” có quy mô khoảng 500 ha. Ảnh minh họa.


Ý tưởng xây dựng khu công nghiệp “Công viên dược phẩm” tại Việt Nam được đưa ra tại các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm do cơ quan Thương vụ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức tại thành phố Hyderabad - trung tâm dược phẩm của Ấn Độ vào cuối tháng 7.

Được biết, khu công nghiệp này có quy mô khoảng 500ha với vốn đầu tư ban đầu 500 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 5 tỷ USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp.

Đồng thời, việc xây dựng các công viên dược phẩm sẽ hình thành các trung tâm đón các “đại bàng” dược lớn đến đầu tư, sản xuất lâu dài, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết.

Từ đó, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào các nguồn cung dược phẩm truyền thống, đồng thời đa dạng hóa các chuỗi sản xuất, kéo các tập đoàn dược phẩm lớn tới đầu tư và sản xuất ở trong nước.

“Có thể nói, vận hội lớn đang mở ra cho ngành dược phẩm của Việt Nam khi hàng loạt các chính sách đúng đắn trên cơ sở tầm nhìn dài hạn đang được thiết lập. Qua thời gian điều này sẽ mở cánh cửa để các tập đoàn dược phẩm lớn đầu tư vào Việt Nam, từ đó thu hút các doanh nghiệp phụ trợ, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất mới”, Đại sứ Phạm Sanh Châu kỳ vọng.

Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS (đơn vị muốn hợp tác phát triển dự án này) cho rằng, Công viên dược phẩm nếu thành công, sẽ là ‘đòn bẩy chiến lược’ để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.

Các khu công nghiệp chuyên biệt này sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm.

Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Do đó, sự kiện xúc tiến lần này cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương, đại diện các khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam. Lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên... đã trực tiếp tham dự trình bày, trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư Ấn Độ về các yêu cầu diện tích đất, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, cơ chế ưu đãi đầu tư...

Để có thể thực hiện thành công dự án tại Việt Nam, nhà đầu tư Ấn Độ cũng đã đặt ra 8 nhóm yêu cầu đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng, gồm đất đai; cơ sở hạ tầng thiết yếu; kết nối giao thông; nguồn nước, năng lượng; nguồn nhân lực; các cơ sở xử lý nước thải và rác thải rắn; các hỗ trợ từ chính phủ.

Theo đó, với một khu công nghiệp chuyên biệt về dược phẩm, các nhà đầu tư Ấn Độ cho biết cần một diện tích đất sạch ít nhất 500ha với vị trí xa các khu vực dân cư nhưng gần các cảng biển và các hệ thống công nghiệp phụ trợ, kết nối bởi hệ thống giao thông thuận tiện.

Bên cạnh đó, các công viên dược phẩm cũng cần nguồn cung năng lượng liên tục và nguồn nước sạch dồi dào. Vấn đề xử lý nước thải và rác thải rắn cũng là một thách thức lớn nếu không có giải pháp căn cơ và lâu dài ngay từ đầu.

Trước đó, với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành trung tâm dược phẩm hàng đầu thế giới, ngay từ những năm 1990 của thế kỷ 20, nước này đã nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp, công viên dược phẩm để quy tụ các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ và thế giới tập trung sản xuất tại các khu chuyên biệt.

Trung tâm dược phẩm đầu tiên được thành lập bang Andhra Pradesh, phía Nam Ấn Độ năm 1999, đến nay đã thu hút được hơn 200 doanh nghiệp lớn tham gia thành lập trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, vắc xin như Alembic Pharma, Bharat Biotech, Biological E, Laxai Avanti, Aurobindo Pharma, Laurus Labs, Sun Pharma…

Với thế mạnh cơ bản về nguồn nhân lực khoa học công nghệ lớn và năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D) đã giúp ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đóng góp lớn vào hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu.

Phát triển khu công nghiệp dược phẩm chuyên biệt là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất thuốc lớn thứ 3 thế giới. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ ngày nay là một trong những công ty cạnh tranh nhất trong lĩnh vực thuốc gốc và vắc xin trên thế giới, ngay cả tại các quốc gia phát triển.

Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vắc xin khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của nước này.

Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022. Hiện ngành này có 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất, với số lượng các nhà máy đạt tiêu chuẩn của US-FDA nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ lớn nhất.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng số vốn Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam tính cả qua nước thứ 3 hiện đạt 1,9 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2020, nước này có 294 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 898 triệu USD, đứng thứ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ấn Độ là nhà cung cấp dược phẩm lớn thứ ba cho Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 257 triệu USD trong năm 2020. Pháp vẫn giữ ở vị trí số 1 về cung cấp thuốc cho Việt Nam với kim ngạch 503 triệu USD năm qua, tiếp đến là Đức với 386 triệu USD, rồi đến Ấn Độ, theo sát là Italia 184 triệu USD, Bỉ 145 triệu USD...

Cũng tại các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư lần này, Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm dược phẩm và vắc xin ClinSync Clinical (Ấn Độ) cho biết sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19.

Việc hợp tác gồm thử nghiệm 3 giai đoạn hoặc tập trung vào giai đoạn 3 với số lượng mẫu lớn nếu đối tác chia sẻ kết quả của 2 giai đoạn thử nghiệm trước và được Chính phủ Ấn Độ đồng ý.

ClinSync là cơ sở tư nhân nghiên cứu và phát triển thuốc, vắc xin được thành lập tháng 3/2011, chủ yếu nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thuốc. Từ năm 2017, trung tâm này mở rộng nghiên cứu, phát triển vắc xin.

ClinSync đã hợp tác nghiên cứu và trao đổi với 45 công ty dược phẩm trên thế giới tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và phối hợp với một số công ty triển khai thử nghiệm cả 3 giai đoạn cho vắc xin Covid 19.

Theo Hoài Anh/ theleader.vn

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ sắp xây khu công nghiệp dược phẩm 500 triệu USD tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ