Thứ sáu, 29/03/2024 02:34 (GMT+7)

Bắc Giang xác định rõ lộ trình, sớm đưa các KCN mới vào hoạt động

MTĐT -  Thứ năm, 04/03/2021 16:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung mới 3 KCN và mở rộng 3 KCN, nâng tổng diện tích đất KCN của tỉnh lên 2.477 ha.

Trước thực trạng các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang cơ bản đã lấp đầy, để kịp thời mở rộng quỹ đất nhằm thu hút đầu tư, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh về công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng các KCN.

Xin ông cho biết, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN của tỉnh lần này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh?

Ông Đào Xuân Cường: Hiện nay, diện tích các KCN của tỉnh là 1.322 ha. Với 5 KCN đã đi vào hoạt động, đất công nghiệp ở đây cơ bản đã được các nhà đầu tư thứ cấp thuê để đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Trong đó, KCN Đình Trám, Vân Trung đã lấp đầy; KCN Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng lấp đầy khoảng 90% diện tích; KCN Hoà Phú khoảng 60%, phần diện tích còn lại đang được giải phóng mặt bằng (GPMB).

Công ty cổ phần KCN Sài Gòn- Bắc Giang-chủ đầu tư hạ tầng KCN Quang Châu tập trung nhân lực san nền, hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: Trịnh Lan

Để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngày 23/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 226/TTg-CN đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bắc Giang được bổ sung 3 KCN, mở rộng 3 KCN tại các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa với tổng diện tích 1.155 ha. 

Quyết định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào địa bàn. Qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Bởi hiện nay, diện tích đất KCN của tỉnh còn rất ít trong khi nhu cầu phát triển công nghiệp ngày càng lớn. Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam, trong đó có Bắc Giang. Đây là cơ hội lớn để tỉnh đón các dự án FDI.

Sau khi được điều chỉnh, bổ sung đất KCN, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu chuẩn bị các bước tiếp theo thế nào thưa ông?

Ông Đào Xuân Cường: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, ngày 24/2/2021, UBND tỉnh đã có Công văn giao cho Ban chủ trì, phối hợp với các Sở: KH&ĐT, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công Thương, Xây dựng; các huyện có mặt bằng KCN cùng đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung mới 3 KCN và mở rộng 3 KCN, nâng tổng diện tích đất KCN của tỉnh lên 2.477 ha. Cụ thể, bổ sung mới KCN Yên Lư (Yên Dũng) 377 ha, Yên Sơn - Bắc Lũng (Lục Nam) 300 ha, Tân Hưng (Lạng Giang) 105,3 ha. Mở rộng 3 KCN: Quang Châu (Việt Yên) 90 ha, Hòa Phú (Hiệp Hòa) 85 ha, Việt Hàn (Việt Yên) 148 ha.

Theo đó, các đơn vị tham mưu cho tỉnh về quy trình, trình tự thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư KCN. Trước tiên, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tương ứng với diện tích đất KCN. Đồng thời thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển KCN với các công trình nhà ở xã hội, văn hóa - thể thao cho người lao động; có phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất. Cùng đó, tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng KCN theo từng giai đoạn, phù hợp khả năng thu hút đầu tư, có lộ trình.

Dự kiến từ nay đến giữa tháng 5, các đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tỷ lệ 1/2000. Từ tháng 4 đến tháng 6 trình Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tiếp đó, tháng 5 đến tháng 7 sẽ thực hiện các nội dung để được quyết định chủ trương đầu tư, sau đó cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập các KCN. Bước tiếp theo, các huyện tiến hành bồi thường GPMB, giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư hạ tầng triển khai thuận lợi, sớm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Để các KCN sớm đi vào hoạt động thì phải tháo được “nút thắt” GPMB. Vậy Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị liên quan sẽ có những giải pháp nào mới trong vấn đề này?

Ông Đào Xuân Cường: Đúng là GPMB rất quan trọng và quyết định lớn đến thu hút đầu tư. Vì vậy, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung đất KCN, tỉnh đã chỉ đạo Ban phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện chuẩn bị công việc cần thực hiện ngay, trong đó có GPMB. Các KCN thành lập mới ở huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang đều có diện tích khá lớn, 3 KCN mở rộng ở huyện Hiệp Hòa và Việt Yên diện tích từ 85 ha đến 148 ha.

Khu công nghiệp Hòa Phú (Hiệp Hòa) sẽ được mở rộng

Để làm tốt GPMB, tỉnh sẽ xây dựng lộ trình cụ thể đối với các KCN gắn với kiểm điểm tiến độ, quy trách nhiệm cho từng huyện. Tỉnh yêu cầu các địa phương phát huy vai trò của người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, giải thích trực tiếp cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc thành lập KCN. Qua đó đồng thuận để các dự án triển khai đúng tiến độ đề ra.

Diện tích đất công nghiệp có hạn. Ban có biện pháp gì để nhà đầu tư sử dụng đất tiết kiệm, nâng cao hiệu suất đầu tư?

Ông Đào Xuân Cường: Nước ta đang hội nhập sâu rộng, làn sóng đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, trong đó Bắc Giang luôn nằm trong top 10 địa phương có thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Theo đó, nhu cầu về đất công nghiệp

là rất lớn trong khi diện tích hiện lại có hạn. 

Vì thế các dự án khi đề xuất thực hiện, Ban cùng các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thận trọng về nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả KT-XH, thu hút dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển theo hướng cụm liên kết ngành, tránh để lãng phí, sử dụng đất công nghiệp không hiệu quả. Cụ thể, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha trở lên, dự án sử dụng ít lao động, khoảng 300-400 lao động/ha.

Để hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, Ban đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc phát triển các KCN; đẩy nhanh và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, dịch vụ ngoài hàng rào KCN như: Giao thông, nhà ở xã hội, trường học, trạm y tế… phục vụ người lao động trong các KCN.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Linh/Báo Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang xác định rõ lộ trình, sớm đưa các KCN mới vào hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.