Thứ năm, 18/04/2024 16:35 (GMT+7)

“Bảo vệ môi trường là vấn đề của toàn xã hội”

Hoàng Việt (thực hiện) -  Thứ năm, 31/08/2017 23:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Môi trường và Đô Thị Việt Nam điện tử sẽ là kênh thông tin góp phần tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận thức rõ, bảo vệ môi trường là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai"

Đó là ý kiến của ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong cuộc trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Thực trạng báo động

Trước hết xin được hỏi, ông nhìn nhận và có đánh giá thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp hiện nay?

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nhìn thấy ngay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp đang ở mức nghiêm trọng. Hầu như tại các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất liên tục, thải ra môi trường rất nhiều chất thải. Nếu lơ là trong xử lý, thậm chí là cố tình bỏ qua các khâu xử lý chuẩn, chất thải còn độc hại ra môi trường sẽ khiến ô nhiễm môi trường trở nên nặng hơn.

Khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và cấp phép hoạt động, các nhà máy đều phải có cam kết chặt chẽ về những khu xử lý chất thải. Xử lý chất thải với mỗi nhà máy lại có sự khác nhau đảm bảo việc chất thải ra môi trường được xử lý nghiêm túc.

Quy định là như vậy, tuy nhiên qua tổ chức giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, còn nhiều trường hợp chưa xử lý triệt để những chất ô nhiễm độc hại. Các đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như người dân đều đã từng phát hiện nhiều vụ việc các nhà máy, xí nghiệp cố tình thải ra môi trường những chất vô cùng độc hại.

Nhưng có một thực trạng đáng buồn, khi cơ quan chức năng lập đoàn kiểm tra, các đơn vị sản xuất này sẽ chấp hành rất nghiêm túc, nhưng khi đoàn kiểm tra vừa đi qua, họ đã sẵn sàng đổ thải ra môi trường những chất thải không qua xử lý.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tôi thấy đây là vấn đề hết sức đáng lên án. Bởi thậm chí, nhiều nhà máy còn thải chui vào ban đêm để qua mặt cơ quan chức năng và tránh sự dòm ngó của người dân, như vậy cũng rất khó trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Thêm vào nữa, việc xử lý các chất thải độc hại không hề đơn giản, rất tốn kém. Ngay cả việc đầu tư mua hóa chất xử lý, xây dựng các hệ thống xử lý thông minh cũng là một vấn đề.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng rút gọn những chi phí cho công tác này, với tư tưởng gian lận được lúc nào, hay lúc ấy, lợi nhuận sẽ không bị chia sẻ làm nhiều phần và tiền bỏ túi sẽ nhiều hơn.

Có những nhà máy xây dựng hệ thống xử lý chất thải cũng chỉ làm “bù nhìn” để che mắt cơ quan chức năng. Tức là xây dựng rất hoành tráng, đầy đủ nhưng quá trình vận hành thì cắt xén, bỏ bớt những khâu tốn kém, thậm chí là quan trọng với quá trình xử lý chất thải.

 Như vậy, dù có hệ thống xử lý xả thải nhưng người dân vẫn phản ánh việc nhà máy A, nhà máy B. ở khu công nghiệp C, khu công nghiệp D thải chất độc hại ra môi trường.

Nước thải của công ty Sông Đà – Việt Đức phủ trắng mương nước

Có hay không việc cố tình “xi nhan” cho DN làm trái quy định?

Thưa ông, thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử phạt rất nhiều trường hợp. Thế nhưng, công ty không đảm bảo về xử lý chất thải trước khi ra môi trường vẫn không ngừng tăng lên về số lượng. Sự qua mặt cơ quan chức năng hay có sự móc nối nào với đơn vị quản lý?

Rõ ràng, câu chuyện ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp là rất nhức nhối trong xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần khẳng định việc chúng ta không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế trước mắt.

Không chỉ khu công nghiệp mà tôi nghĩ, ở các địa phương đều có tình trạng này. Ngay ở khu dân cư, vấn đề xử lý bãi rác thải cũng khiến môi trường bị áp lực rất lớn.

 Do vậy, tôi đề nghị làm rõ có hay không việc cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cố tình “xi nhan” cho đơn vị làm chuyện bất thường, trái quy định của pháp luật.

Trước vấn đề nhức nhối của dư luận, ông có thể gợi ý về những giải pháp cho vấn đề này trên quan điểm của ông?

Tôi nghĩ rằng, đầu tiên cần tiếp tục có tính toán việc di dời các nhà máy, khu công nghiệp ra khỏi khu dân cư.

Nhiều địa phương như TP.HCM đều đã có quy hoạch di dời này trong những năm tới. Những nhà máy ở trong nội đô cần phải di dời, tránh gây ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận. Thậm chí, nếu không chấp hành di dời thì có thể không cấp giấy phép hoạt động.

Nếu không siết chặt việc này, chất thải từ khu công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân sinh sống tại khu vực. Nhiều người dân họ đã sinh sống lâu năm ở trên mảnh đất quê hương, họ rất khó có tư tưởng di dời.

Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các khu công nghiệp đang có nguy cơ ô nhiễm lớn, trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải thường xuyên kiểm tra về vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Cần tuyên truyền sâu rộng về ảnh hưởng của chất thải nguy hại đến môi trường và người dân nghiêm trọng đến mức nào. Còn nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, ở mức độ nặng nhất.

Ô nhiễm môi trường có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng chất độc hại ngấm sâu vào lòng đất, thải ra môi trường có nguy hại cho sức khỏe con người trong tương lai.

Thực tế, đã có không ít những ngôi làng, vùng dân cư bị hậu quả nặng nề của khu công nghiệp. Nhiều nơi, nghi vấn làng ung thư cũng từ những ảnh hưởng do khu công nghiệp, nhà máy thải ra chất độc hại. Đó là những ảnh hưởng lâu dài, nghiêm trọng.

Chính quyền địa phương, các cấp từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh là rất quan trọng và đặc biệt là chủ doanh nghiệp phải có nhận thức sâu sắc vấn đề ô nhiễm môi trường. Tăng chế tài, xử phạt nặng về vi phạm môi trường cũng là một trong những giải pháp tối ưu.

Vi phạm liên tục 2-3 lần, có thể rút giấy phép sản xuất kinh doanh, không cho doanh nghiệp hoạt động. Đã có những vụ việc ô nhiễm môi trường nặng nề đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ tháng 9/2017, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ chính thức ra mắt độc giả với một giao diện mới trẻ trung, hiện đại. Đồng thời cũng thêm một kênh thông tin chính thống để độc giả lựa chọn, tìm hiểu về những vấn đề môi trường mà người dân bức xúc hiện nay, ông có những kỳ vọng như thế nào?

Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Người dân có nhu cầu thông tin kịp thời, chính xác để biết và cảnh giác cũng như gửi gắm niềm tin khi phản ánh một sự việc ô nhiễm môi trường gây bức xúc, làm tổn hại môi trường tự nhiên hiện nay.

Tôi cũng hy vọng, Môi trường và Đô Thị Việt Nam điện tử sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận thức rõ, bảo vệ môi trường là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai. Đặc biệt trong bối cảnh, môi trường ở các đô thị hiện nay là điều được dư luận đặc biệt quan tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ai bao che cho trạm trộn bê tông Sông Đà- Việt Đức gây ô nhiễm?

Đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt xong, trạm trộn bê tông này vẫn ngang  nhiên xả thải.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các Cụm Công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP. Hà Nội đang ở mức báo động. Tại CCN Lai Xá (Hoài Đức), một số công ty vẫn ngang nhiên xả thải độc hại ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn.

Nằm trong CCN Lai Xá, từ cuối năm 2015, trạm trộn bê tông Sông Đà - Việt Đức (thuộc Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức) bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, kể từ khi hoạt động, công ty này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường số 577/QĐ-UBND đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn, phía công ty đã chấp hành việc nộp phạt đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt xong, trạm trộn bê tông này vẫn ngang  nhiên xả thải.

Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày có đến hàng chục đoàn xe tải của trạm trộn bê tông Sông Đà – Việt Đức ra vào tấp nập. Những xe siêu tải trọng này luôn chất đầy vật liệu cát sỏi, bê tông thành phẩm khiến nhiều tuyến đường hư hỏng. Không những vậy, trạm trộn bê tông này hoạt động sản xuất suốt ngày đêm, gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Nghiêm trọng hơn, trạm trộn bê tông này còn ngang nhiên xả thải ra hệ thống mương thoát nước của CCN, cạnh nghĩa trang phường Tây Tựu. Bột bê tông lẫn cát sỏi tràn xuống phủ kín mương nước một màu trắng đục, tràn sang cả khu vực trồng hoa của người dân Tây Tựu gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến hoa màu.

Triệu Nhất – Trần Thắng

MINH VÂN(ghi)

Bạn đang đọc bài viết “Bảo vệ môi trường là vấn đề của toàn xã hội”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.