Thứ sáu, 29/03/2024 16:20 (GMT+7)

Đất nông nghiệp biến thành khu công nghiệp 'chui' ngày đêm hoạt động

Khánh An -  Thứ năm, 08/11/2018 08:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu đất nông nghiệp hơn 10ha nằm cạnh đê sông Hồng, thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba (phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, HN) biến tướng trở thành một điểm công nghiệp “chui” hoạt động từ nhiều năm nay.

Đi dọc con đê Hữu Hồng, địa phận thuộc phường Thượng Cát nhìn về phía sông Hồng, có thể dễ dàng nhìn thấy bạt ngàn các nhà xưởng được xây dựng tạm bợ, lôm côm đang ngày đêm hoạt động. Đa số các nhà xưởng ở đây chỉ quây lại và lợp bằng tôn, có một số ít công trình xây tường gạch, mái lợp tôn và proximang. Một số ngôi nhà đã xây dựng 2-3 tầng kiên cố.

Các nhà xưởng ở đây chỉ quây lại và lợp bằng tôn, có một số ít công trình xây tường gạch, mái lợp tôn và proximang.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, diện tích nhà xưởng này là đất nông nghiệp, thuộc sự quản lý của hợp tác xã Đông Ba, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Từ đê Thượng Cát đi dọc con đường Đại Đoàn Kết ra phía sông Hồng, nhà xưởng mọc lên san sát nhau, các “lán” này chỉ được quây, lợp tạm bợ bằng tôn xanh.

Bên trong các nhà xưởng ấy là chồng chất những gỗ, ván ép, vật liệu xây dựng…tiếng máy cưa, máy xẻ kêu đinh tai nhức óc, bụi từ mùn cưa, mùn gỗ bay tán loạn.

Bên trong các nhà xưởng ấy là chồng chất những gỗ, ván ép, vật liệu xây dựng…tiếng máy cưa, máy xẻ kêu đinh tai nhức óc, bụi từ mùn cưa, mùn gỗ bay tán loạn, bụi từ xe tải chở cát, chở gỗ mù mịt. Mục sở thị trực tiếp ở đây có thể dễ dàng nhận thấy khu “công nghiệp chui” tạm bợ này không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn cháy nổ và hệ thống xử lý nước thải.

Các công ty thuê lại đất để làm xưởng sản xuất và chế biến gỗ, vật liệu xây dựng.

Bà Nguyễn Thị H. – là người dân thuê đất ở đây cho biết: “Nơi đây là bãi bồi của sông Hồng. Diện tích trong này được hợp tác xã Đông Ba quản lý và cho chúng tôi thuê để sản xuất nông nghiệp, còn diện tích sát sông Hồng được sử dụng để tập kết cát. Trước đây chúng tôi dùng đất này để trồng ngô, khoai, tuy nhiên từ 5-7 năm lại đây, nhận thấy sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả, hơn nữa gần đây có Khu chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng Dày Kẻ nên chúng tôi mới theo đó chuyển sang sản xuất chế biến gỗ và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình xây dựng nhà xưởng để cho các công ty khác thuê lại. Hằng năm chúng tôi vẫn đóng thuế cho hợp tác xã Đông Ba”.

Trời mưa thì đường lầy lội, trời nắng thì bụi mù từ các mạt cưa của gỗ và các xe tải chở gỗ, chở cát luân phiên, chen chúc nhau chạy qua con đường Đại Đoàn Kết để lên đê.

Bà Vân - người dân thuộc tổ dân phố Đông Ba vô cùng bức xúc cho biết, mỗi ngày tiếng đục đẽo, khoan cắt gỗ, mùi sơn dầu nồng nặc, trời mưa thì đường lầy lội, trời nắng thì bụi mù từ các mạt cưa của gỗ và các xe tải chở gỗ, chở cát luân phiên, chen chúc nhau chạy qua con đường Đại Đoàn Kết để lên đê. Hầu hết các nhà xưởng ở đây đều không có giấy phép hoạt động, nhưng không hiểu vì lý do gì mà càng ngày thì quy mô của nó càng được mở rộng.

Ở đây có đủ các loại xưởng như sản xuất gỗ, sản xuất ván ép, kinh doanh vật liệu xây dựng (giàn giáo, cốt pha sắt,..); sản xuất kinh doanh đồ nội thất gỗ, xưởng cơ khí,.…thế nên hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo dễ gây ra cháy nổ nghiêm trọng, nhưng cũng không thấy lực lượng chức năng xử lý triệt để.

Hầu hết các nhà xưởng ở đây đều không có giấy phép hoạt động.

Theo báo cáo của UBND phường Thượng Cát, khu đất mà các hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà xưởng cạnh đê sông Hồng thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3 là đất nông nghiệp sản xuất không hiệu quả. Đến nay, có 120 trường hợp lấn chiếm đất, xây nhà xưởng không phép.

Hầu hết các tổ chức, cá nhân vi phạm đều không có đăng ký kinh doanh, hoạt động không thông báo với chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp tự ý mua bán nhà xưởng trên đất công, thuê và cho thuê lại... Các nhà xưởng hoạt động xả khói đen kịt gây ô nhiễm không khí và xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường.

Hầu hết các tổ chức, cá nhân vi phạm đều không có đăng ký kinh doanh, hoạt động không thông báo với chính quyền địa phương. 

Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch UBND phường Thượng Cát cho biết: “Khu kinh doanh, sản xuất ven đê sông Hồng thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3 đã hình thành như một làng nghề từ năm 1988. Hiện nay, công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường, an toàn cháy nổ chưa được cơ quan nào kiểm soát... Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm và phường Thượng Cát đã nhiều lần họp bàn giải pháp, đề xuất báo cáo UBND TP Hà Nội để đưa khu sản xuất này vào quản lý, tránh thất thoát tài sản nhà nước và bảo đảm an ninh, trật tự địa phương. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cấp có thẩm quyền cho hướng chỉ đạo giải quyết”.

Một diện tích lớn đất nông nghiệp bị biến dạng, chuyển đổi, xây dựng sai mục đích sử dụng thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ cho “điểm công nghiệp chui” này ngày đêm hoạt động rầm rộ. Hơn thế nữa, các đơn vị chức năng trực tiếp quản lý trong thời gian dài cũng không có giải pháp để xử lý, giải quyết vấn đề này.

Video: 

Bạn đang đọc bài viết Đất nông nghiệp biến thành khu công nghiệp 'chui' ngày đêm hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.