Thứ sáu, 19/04/2024 19:48 (GMT+7)

'Đau đầu' với chất thải rắn

MTĐT -  Thứ tư, 07/12/2011 14:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày, một người dân ở đô thị sẽ phải hứng chịu 1,45kg chất thải rắn, 0,4kg với người dân ở nông thôn. Mỗi năm, khối lượng chất thải rắn lại phát sinh khoảng 44 triệu tấn.

Đô thị hóa nhanh, chất thải rắn càng nhiều

Theo Công trình khảo sát chất thải toàn cầu (Tổ chức Hàng hải quốc tế), một đất nước cứ tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1 tỷ USD sẽ làm phát sinh khoảng 4.500 tấn chất thải công nghiệp trong đó 20% là chất thải nguy hại. Tốc độ đô thị hóa đã đẩy nhanh quá trình phát sinh chất thải rắn (CTR) đặc biệt là CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp và chất thải nguy hại, CTR y tế...Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, tốc độ đô thị hóa càng cao thì lượng CTR phát sinh càng nhiều.

Tại TP. Hồ Chí Minh, CTR sinh hoạt phát sinh hằng năm đang tăng rất nhanh. Với dân số gần 8 triệu người (khách vãng lai khoảng 2 triệu) mỗi ngày thành phố này thải ra hớn 7000 tấn CTR, trong đó thu gom được 6000 tấn, tái chế tái sinh khoảng 1200 tấn. Tuy nhiên tại một số đô thị nhỏ như Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định...CTR lại tăng không nhiều do tốc độ đô thị hóa chậm.

Trong khi đó, CTR công nghiệp và chất thải nguy hại lại chủ yếu tập trung ở hai vùng kinh tế trọng điểm và phía Nam. Theo Trung tâm nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường đô thị- nông thôn, mỗi ngày có khoảng 2800 tấn chất thải nguy hại phát sinh từ các làng nghề được thải ra, trong đó các làng nghề tại miền Bắc phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất, đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng...

Bên cạnh đó, những phi vụ nhập khẩu trái phép các mặt hàng như pin, ắc quy, bản mạch...cũ hoặc hỏng từ nước ngoài vào nước ta cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý môi trường. Bài toán môi trường còn phải đối mặt với một lượng CTR y tế khổng lồ khoảng 500 tấn/ ngày, trong đó 60-70 tấn là CTR y tế nguy hại phải xử lý. Hàng ngày, một núi CTR khổng lồ và nguy hại như thế vẫn được thải ra, công việc xử lý rác thải càng trở nên khó khăn bởi "vướng mắc" từ nhiều phía.

Công nghệ xử lý rác chưa thể đạt yêu cầu

Mặc dù, công tác thu gom vận chuyển CTR ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng dường như vẫn không thể đáp ứng được với yêu cầu bởi những vướng mắc rất thực tế. Đó là năng lực thu gom vận chuyển vừa thiếu vừa yếu, tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn diễn ra rất phổ biến.

Trong khi đó, hầu hết rác thải lại không được phân loại tại nguồn. Công việc thu nhặt và phân loại các phế thải có khả năng tái chế hoàn toàn do người nghèo sống bằng nghề ...bới rác thực hiện! Tại các cơ sử sản xuất vừa và nhỏ, việc thu gom và lưu chứa CTR công nghiệp, chất thải nguy hại cũng hầu như không được quan tâm. Chất thải y tế tại nhiều địa phương thì được xử lý tại các lò thiêu đốt thủ công, hoặc chôn xuống đất.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, công nghệ xử lý CTR hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc khi việc lựa chọn các bãi chôn lấp, khu trung chuyển, công nghệ xử lý chưa đảm bảm kỹ thuật nên chưa thu được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương. Trung bình một đô thị có 1 bãi chôn lấp (riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có từ 4-5 bãi chôn lấp). Còn lại có tới 85 % đô thị đều sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh.

Chính phủ đã ra Nghị định 59 về việc quản lý CTR, trong đó khuyến khích áp dụng côngnghệ tiên tiến để xử lý CTR tuy nhiên công tác xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTR cũng đang gặp khó như việc vay vốn và trả nợ. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp đăng ký tham gia như Công ty Kiều Thi, Công ty Tâm Sinh Nghĩa với dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Hà Nội, Công ty Naanovo Energy (Canada) với dự án Nhà máy xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng tại Thanh Hóa...

Trong khi lượng CTR đang không ngừng tăng lên thì việc xử lý núi rác thải khổng lồ này vẫn chưa biết đến lúc nào mới có thể đáp ứng yêu cầu. Đây chính là nguyên nhân quan trọng gây ra ô nhiễm môi trường nước mặt, không khí, đất, cảnh quan đô thị và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Dự báo phát sinh chất thải rắn tại vùng Kinh tế trọng điểm và Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015: Tổng khối lượng CTR phát sinh khoảng 4.604 tấn/ ngày, trong đó CTR sinh hoạt là 4.253 tấn/ ngày, CTR công nghiệp là 310 tấn/ ngày và CTR y tế là 41 tấn/ ngày. Năm 2020: Tổng lượng CTR phát sinh khoảng 7.539 tấn/ ngày, trong đó CTR sinh hoạt là 5.514 tấn/ ngày, CTR công nghiệp là 973 tấn/ ngày và CTR y tế là 52 tấn/ ngày.

Bạn đang đọc bài viết 'Đau đầu' với chất thải rắn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...