Thứ bảy, 20/04/2024 02:07 (GMT+7)

Hà Nội phát triển cụm công nghiệp: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm?

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 12/06/2020 07:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội vừa đồng ý chủ trương thành lập thêm 5 cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong khi hàng loạt cụm công nghiệp tại địa phương này tồn tại nhiều bất cập.

Hà Nội có thêm 5 cụm công nghiệp

Mới đây, sau khi nghe báo cáo của Sở Công Thương và ý kiến của các đại biểu, tập thể lãnh đạo UBND Thành phố đã đồng ý về chủ trương thành lập: Cụm công nghiệp Bình Phú I - Giai đoạn 2, huyện Thạch Thất; Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - Giai đoạn 1, huyện Phúc Thọ; Cụm công nghiệp Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; Cụm công nghiệp Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; Cụm công nghiệp Hồng Dương, huyện Thanh Oai.

UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, duyệt chủ trương theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Thành phố Hà Nội vừa đồng ý chủ trương thành lập thêm 5 cụm công nghiệp. Ảnh minh họa. 

UBND các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn và Sở Công Thương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thành phố trong việc lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định; Sở Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ dự án theo đúng quy định pháp luật và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND Thành phố yêu cầu UBND các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn chịu trách nhiệm giám sát việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ: giao thông (khu vực tập kết xe tải, container; hệ thống trạm sạc điện...), cây xanh, trạm xử lý nước thải, thu gom nước thải, nước mưa riêng biệt;

Phổ biến, quán triệt Chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND Thành phố về việc kêu gọi, khuyến khích lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, hiện đại, thân thiện môi trường; tuyệt đối không bố trí văn phòng, đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp.

Hàng loạt bất cập tại các cụm công nghiệp của Thủ đô

Theo tìm hiểu, trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh các CCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, quản lý chặt chẽ, còn nhiều CCN hình thành từ nhiều năm trước tồn tại nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng sơ khai, công tác quản lý chưa tốt, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng, chống cháy nổ.

Thống kê cho thấy, ngoài 26 CCN đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hoạt động ổn định, thì vẫn còn 44 CCN chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định. 

Nhiều cụm công nghiệp chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định. 

Các CCN này mới chỉ tiến hành giao đất cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, không được xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, thiếu hệ thống phòng, chống cháy nổ, nhà điều hành, vỉa hè, cây xanh, hệ thống giao thông nội bộ nhỏ, hẹp…

Đơn cử như cụm công nghiệp Xà Cầu (huyện Ứng Hòa); Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); Bích Hòa (huyện Thanh Oai), Yên Sơn (huyện Quốc Oai)… Các CCN này đều nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), hình thành từ giai đoạn trước khi sáp nhập Hà Nội - Hà Tây.

Bên cạnh đó, công tác xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp cũng khá nhức nhối. Trong số 70 cụm công nghiệp thì mới có 26 điểm có trạm xử lý nước thải tập trung. Trong số đó, nhiều công trình xây dựng xong lại không phát huy hiệu quả.

Điều này có thể thấy rõ tại cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì), trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng từ năm 2007, những chưa hoạt động ngày nào. Còn tại cụm công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín), trạm xử lý nước thải sau hơn 5 năm đã phải tạm dừng hoạt động từ năm 2017 do khó khăn về kinh phí.

Đáng chú ý, hầu hết các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ tại các làng nghề, trong đó nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Vấn đề môi trường tại các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ hết sức nhức nhối. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, tình trạng chính quyền địa phương, bản quản lý dự án buông lỏng quản lý cũng diễn ra phổ biến khiến các hoạt động vi phạm trật tự diễn ra ở nhiều nơi. Đơn cử như tại CCN La Phù (huyện Hoài Đức), dọc hai bên tuyến đường chính của CCN xuất hiện nhiều công trình xây dựng kiên cố cao từ ba đến năm tầng hay tại CCN Tiền Phong (huyện Thường Tín), có không ít hộ dân thuê đất sản xuất đã tự ý chuyển nhượng và xây dựng các công trình trái phép. 

Đáng lo ngại hơn, là công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các CCN. Hiện mới có bốn CCN được nghiệm thu về PCCC. Hầu hết các CCN còn lại chưa bảo đảm về yêu cầu giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, hệ thống trang thiết bị PCCC… luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng và tài sản.

Còn nhớ vụ cháy tại CCN Tiền Phong (huyện Thường Tín) vào tháng 11/2019, 7 xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ đã tới hiện trường dập lửa, sau hơn hai giờ đám cháy mới cơ bản được dập tắt. Vụ hỏa hoạn tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi toàn bộ xưởng nguyên liệu vải, bông, hạt nhựa rộng gần 1.000 m2…

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục đồng ý chủ trương thành lập thêm 5 cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô, mặc dù UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND Thành phố, chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng với thực trạng đã và đang diễn ra, niềm tin vào việc các cụm công nghiệp của Hà Nội sẽ được đầu tư một cách bài bản, hiện đại, đồng bộ dường như rất mơ hồ.

Phát triển kinh tế nhưng phải gắn môi trường, “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế” là chỉ đạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhấn mạnh. Vậy, việc Hà Nội để xảy ra hàng loạt bất cập tại các cụm công nghiệp, chưa có phương án xử lý dứt điểm nhưng vẫn tiếp tục đồng ý xây dựng thêm cụm công nghiệp, đây có phải động thái “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, xem trọng vấn đề kinh tế, coi nhẹ vấn đề môi trường hay không?

Được biết không chỉ thêm 5 cụm công nghiệp, theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.204,31ha. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phát triển cụm công nghiệp: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...