Thứ tư, 24/04/2024 20:28 (GMT+7)

Hàng nghìn dân TX An Khê đang sử dụng nước ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 03/12/2015 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Dòng sông Ba chảy ngang qua thị xã An Khê (Gia Lai) là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 2.000 hộ dân trong thị xã, nhưng lại đang bị “đầu độc” khi một loạt các nhà máy chế biến mì, đường, gỗ..., và mới đây là trang trại nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động xung quanh. Thêm vào đó, nhà máy nước đã cũ và lạc hậu khiến chất lượng nước sinh hoạt ở đây không đạt chuẩn với các chỉ tiêu như E.coli, Coliform… đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.

Nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép

Liên quan đến vụ việc nước thải trang trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (xã Thành An, thị xã An Khê) gây ô nhiễm dòng sông Ba, ngày 3/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã buổi kiểm tra thực tế tại địa phương. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước tại 4 điểm gồm: suối Ngang thuộc xã Thành An, thị xã An Khê đoạn trước khi đổ ra sông Ba (nơi bị nước thải của trang trại nuôi bò tràn ra), tại sông Ba đoạn gần với suối Ngang, tại trạm bơm cấp I đầu vào của Nhà máy nước An Khê và tại đầu ra hệ thống xử lý nước sinh hoạt của Nhà máy nước An Khê.

Trại bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông Ba

Kết quả phân tích các mẫu nước trên tại Trung tâm kỹ thuật Quan trắc Môi trường (thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất) cho thấy, nhiều chỉ tiêu chất lượng trong các mẫu nước này vượt gấp nhiều lần ngưỡng cho phép. Trong đó, nổi bật là hai chỉ tiêu vi sinh vật gây hại: Coliform và E.Coli. Cụ thể, kết quả phân tích mẫu nước lấy từ điểm suối Ngang – nơi trực tiếp bị nước thải của Trang trại nuôi bò HAGL chảy tràn ra cho thấy: BOD5 (nhu cầu oxy sinh học) vượt 6,4 lần; COD (nhu cầu oxy hóa học) vượt 4,4 lần; Coliform (chỉ tiêu đánh giá về an toàn vệ sinh) vượt gấp 3 lần; E.Coli vượt 5,8 lần so với quy định... Kết quả này cũng khẳng định, nguồn nước trên không đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt theo QCVN 08:2008/BTNMT.

Ống bơm nước từ sông Ba vào Nhà máy nước An Khê

Tuy nhiên, ở mẫu nước thứ 2 được lấy tại sông Ba, nơi vị trí sông chưa bị nhiễm bẩn nguồn nước từ suối Ngang lại cho kết quả hoàn toàn khác. Cụ thể, ngoài 2 thông số COD và BOD5 lần lượt vượt 1,86 - 2,8 lần, thì hai thông số khá quan trọng là Coliform và E.Coli lại thấp hơn mức cho phép. Điều này cho thấy, mẫu nước lấy tại địa điểm này đáp ứng được yêu cầu sử dụng vào mục đích sinh hoạt theo QCVN 02:2009/BYT. Báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu nước của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Khê thể hiện rõ: “E.Coli còn được gọi là vi khuẩn đại tràng. Sự có mặt của E.Coli trong nước là một chỉ thị thường gặp trong ô nhiễm phân”. Như vậy, chất lượng nước sông Ba đang bị ô nhiễm nặng nề mà trong đó, nước thải Trang trại nuôi bò của Cty CP Chăn nuôi Gia Lai là nhân tố chính không thể phủ nhận.

Nước thải của Trại bò Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là nguồn gây ô nhiễm sông Ba

Nước sông ô nhiễm, nhà máy nước lạc hậu

Mặc dù kết quả kiểm nghiệm chất nước sông Ba cho thấy không đạt tiêu chuẩn, nhưng đây vẫn là nơi Nhà máy nước An Khê bơm lên để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã An Khê. Mặt khác, khi đem đối chiếu giữa kết quả phân tích của hai mẫu nước lấy tại đầu vào và đầu ra của Nhà máy nước An Khê còn cho thấy kết quả đáng lo ngại hơn. Đơn cử như chỉ tiêu Coliform tại mẫu nước ở đầu ra lên tới 9.300 CFU/100ml (vượt 186 lần), trong khi kết quả này tại mẫu nước lấy tại điểm đầu vào là 1.100 CFU/100ml (vượt 22 lần); E.Coli xuất hiện tới 1.100 đơn vị lạc khuẩn/100ml nước, trong khi tại điểm đầu vào chỉ là 430 đơn vị lạc khuẩn/100ml nước. Báo cáo của Phòng TN&MT thị xã An Khê cũng cũng nêu rõ, nước không đạt tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vì chủng E.Coli xuất hiện rất nhiều, gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân. Nếu không khắc phục có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Hệ thống xử lý nước tại Nhà máy

Giải thích cho kết quả “ngược đời” về chất lượng nước đầu vào và đầu ra tại Nhà máy nước An Khê, đại diện Nhà máy cho biết: Vì thời gian lưu nước trong hệ thống xử lý chỉ khoảng 1 - 2 tiếng nên khiến chỉ tiêu về vi sinh vật vượt so với đầu vào tại trạm bơm cấp I. Đặc biệt, tại hệ thống xử lý nước có rất nhiều váng nổi lớn, nghi là do phân bò gây nên làm cho hệ thống xử lý xuất hiện nhiều chủng vi sinh vật có hại, tiêu biểu là E.Coli. Bên cạnh đó, Nhà máy nước An Khê được xây dựng từ những năm 1995 nên hệ thống máy móc, thiết bị đã quá cũ và xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu nên hiệu quả xử lý nước càng bị hạn chế.

Hiện tại, trước thực trạng nước sông Ba ô nhiễm nặng nề, Ban Quản lý Nhà máy nước An Khê đã phải tăng gấp 5 - 6 lần lượng hóa chất xử lý nước (bao gồm phèn chua, bột clo) để có thể đảm bảo tốt nhất cho việc lọc, cung cấp nước cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, nước sông Ba ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, nhà máy nước đã quá lạc hậu, chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo khiến hơn 2.000 hộ dân ở thị xã An Khê vẫn không khỏi lo lắng.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý hoạt động của các nhà máy, trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, sớm có biện pháp khắc phục, tu sửa và đầu tư hệ thống xử lý nước đảm bảo yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho người dân.

Bài & ảnh: Quế Mai (TN&MT)

Bạn đang đọc bài viết Hàng nghìn dân TX An Khê đang sử dụng nước ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.