Thứ năm, 25/04/2024 12:01 (GMT+7)

Hòa Bình: Cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động tại các KCN

Nguyên Bá -  Thứ sáu, 13/09/2019 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại KCN Mông Hóa đặt ra trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Đồng thời phải nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Vừa qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải một số bài viết về việc người dân xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Mông Hóa.

Theo đó, tại KCN Mông Hóa, hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Thủy thuê lại nhà xưởng của Cty TNHH Hoàng Loan để sản xuất và tái chế nhựa từ bao bì bẩn. Trong quá trình sản xuất, cơ sở này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường như thường xuyên thải khí độc ra môi trường, xả nước thải chưa qua xử lý ra suối Bai Bao gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân sinh sống xung quanh.

Thiếu khu xử lý nước thải tập trung cũng như sự giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến doanh nghiệp xả thải trộm ra môi trường.

Trước ý kiến phản ánh của người dân, Tỉnh ủy Hòa Bình đã có công văn yêu cầu Sở TNMT tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra tình hình xả thải của các doanh nghiệp trong KCN Mông Hóa.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện một số doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, vẫn còn tình trạng để nước thải, khí thải ra môi trường.

Đặc biệt, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, KCN Mông Hóa vẫn được được đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp tự xử lý nước thải sau đó thải ra môi trường. Tuy nhiên việc xử lý nước thải còn nhiều bất cập khi chỉ được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng hoặc bể tự hoại, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình. Ông Phúc cho biết, việc một số doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường là do lịch sử để lại, trước kia Cụm công nghiệp do huyện Kỳ Sơn quản lý, hiện nay đã sát nhập vào KCN Mông Hóa và đang kêu gọi nhà đầu tư nên toàn bộ hoạt động của các đơn vị mới UBND tỉnh đã cho tạm dừng, các doanh nghiệp cũ vẫn hoạt động nhưng phải thực hiện bảo vệ môi trường.

“Hiện nay tỉnh quan tâm chứ không riêng gì BQL, Thường trực Tỉnh ủy quan tâm, có chỉ đạo chặt chẽ. Vừa rồi có chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư tỉnh”, ông Phúc cho biết.

Văn bản thông báo của BQL các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình gửi đến cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phúc cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân và chính quyền địa phương về việc doanh nghiệp xả thải ra môi trường, Ban đã phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở.

Đề cập đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Thủy, ông Phúc cho biết tháng 7/2019, BQL đã kết hợp với Công an môi trường có buổi làm việc với chủ cơ sở, yêu cầu cơ sở phải khắc phục và thực hiện theo đúng Luật Đầu tư, tuy nhiên chỉ có đại diện Cty Hoàng Loan làm việc, chủ cơ sở kinh doanh Nguyễn Xuân Thủy trốn tránh không làm việc.

Lần gần đây nhất là vào ngày 22/8/2019, BQL tiếp tục xuống kiểm tra tình hình hoạt động của cơ sở này. Cũng như lần trước, chủ cơ sở không cử người ra làm việc với đoàn kiểm tra.

Theo biên bản kiểm tra, cơ sở này đã để nguyên vật liệu ngoài sân không có mái che chắn; hệ thống xử lý khí thải, nước thải của dự án không được xây dựng theo đúng nội dung bản kế hoạch xác nhận môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, ngoài dây chuyền sản xuất hạt nhựa, trong khu vực thực hiện dự án còn có dây chuyền sản xuất gia công hộp gỗ và bánh trung thu.

“ Đoàn đã tự kiểm tra và ghi biên bản, BQL đã có văn bản gửi cho hộ đấy, yêu cầu trước ngày 15/9 này phải khắc phục toàn bộ thì mới được hoạt động. Nếu trường hợp sau ngày 15/9 chúng tôi thấy không hoạt động sẽ chuyển cho cơ quan thanh tra Sở TNMT”, ông Phúc cho biết.

Báo cáo của Sở TNMT đã chỉ ra một số vi phạm của doanh nghiệp và bất cập trong quản lý tại KCN Mông Hóa.

Đối với tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Cty TNHH Tre gỗ Hải Hiền, ông Phúc cho biết Sở TNMT đã chủ trì cuộc họp, yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại Báo cáo tác động môi trường (ĐTM). Trong quá trình hoạt động thì có lúc họ cũng xả như thời điểm buổi tối, tuy nhiên do thiếu cán bộ nên không thể bao quát hết được toàn diện.

Khi được hỏi tại sao doanh nghiệp này chưa được phê duyệt ĐTM nhưng vẫn vô tư hoạt động, ông Phúc cho rằng hiện nay doanh nghiệp vẫn đang hoạt động dây chuyền cũ theo ĐTM trước kia, BQL không được phép dừng hoạt động.

Lý giải nguyên nhân vì sao KCN đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, ông Phúc thẳng thắn cho biết do chưa có nhà đầu tư hoạt động.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động tại các KCN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới