Thứ tư, 17/04/2024 04:02 (GMT+7)

Mức độ ô nhiễm môi trường trong các KCN ngày càng cao

MTĐT -  Thứ bảy, 08/04/2017 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá trình hình thành và hoạt động, tình trạng vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường ở các KCN đã ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sự phát triển bền vững, sức khỏe của người dân.

ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHU DÂN CƯ

Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh BR-VT và kết quả phân tích báo cáo giám sát chất lượng môi trường, nhìn chung các chỉ tiêu về khí thải trong KCN đều nằm trong tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư của người dân thì một số KCN có tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi, khí thải của các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng…Đặc biệt ô nhiễm tại các KCN có các loại hình sản xuất thép, hải sản, gạch ngói từ tại các nhà máy sử dụng chất đốt là than cám và biomass đã ảnh hưởng đến các vùng dân cư lân cận.

Khu phố Ngọc Hà (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) chỉ cách nhà máy thép Pomina 2 khoảng 100m, được ngăn cách bằng một bờ tường rào và một dãy cây xanh mới cao tầm 2m. 4 giờ chiều một ngày trong tuần, khi chúng tôi đến anh Huỳnh Minh Khai ở ngay phía sau nhà máy này đang tất bật dọn dẹp đồ đạc của một tiệm sửa xe đạp, xe honda để chuyển đi nơi khác. Anh Khai nói: “Tôi thuê chỗ này 1,5 triệu đồng một tháng vừa làm nơi sửa xe, vừa để sinh sống. 3 năm qua, đã quen với nếp làm ăn ở đây rồi, khách cũng quen rồi nhưng phải dọn đi thuê một nơi mới thôi. Ở đây bụi quá chịu không nổi. Ở riết rồi bị bệnh luôn”, anh Khai kể.

Nằm ở phía bên hông chỉ cách nhà máy thép 5m, gia đình ông Ngô Huy Chương và bà Trần Thị Thanh (tổ 3, khu phố Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ) cho biết, gia đình ông bà sống ở đây từ năm 1984. “Trước khi có nhà máy thép, không khí trong lành lắm. Nhà tôi đào giếng khoan lấy nước ăn uống, tắm giặt; trồng rau, nuôi gà… nhưng từ ngày có nhà máy không khí ô nhiễm lắm”, bà Thanh nói.

Bây giờ mỗi tháng gia đình bà phải mua khoảng 300 ngàn tiền nước máy để về dùng vì sợ nước giếng bị nhiễm độc. Ông Trần Thắng, khu phố trưởng khu phố Ngọc Hà khẳng định hiện khu phố có 330 hộ trong đó có 185 hộ bị ảnh hưởng bởi nhà máy thép. Hiện đã có 165 hộ giải tỏa đi nơi khác. Còn lại các hộ dân còn lại vẫn đang ngày đêm chịu ảnh hưởng của bụi lò thép.

Trong khi đó, ông Phùng Ngọc Quý, Phó Tổng giám đốc Pomina khẳng định, bụi lò của nhà máy thép Pomina 2 không thể phát tán ra ngoài được. Vì nhà máy hiện đang sử dụng công nghệ lò quang (luyện thép bằng điện) do đó khí thải phát ra được thu vào túi khí chứ không phát thải ra ngoài. Phế liệu lọc ra gọi là đất phế đã giao cho công ty Xuân Phước Đạt (Đồng Nai) và Công ty Quý Tiến xử lý. Phần còn lại bụi lò đã giao cho Công ty môi trường Nghi Sơn và Công ty khoáng sản Việt Nam thu gom, xử lý.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nhà máy, hàng ngàn tấn phế liệu đang được xúc lên chuẩn bị vào lò luyện cũng làm cho bụi bay mù mịt. Một ngày khác, khi chúng tôi bất ngờ đến thì ống khói của nhà máy vẫn bung khói đen sì. Mặc dù, lúc này các cơ quan chức năng không lấy mẫu nhưng chỉ cần đến nhà dân ở khu phố Ngọc Hà thì dễ nhận ra nỗi khổ của người dân ở đây như trên đã nêu là có cơ sở.

Cũng chung tình trạng ô nhiễm không khí từ KCN, nhiều năm nay, hàng chục hộ dân tại 2 ấp Phước Hưng và Phước Lập (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) phải sống chung với khói bụi từ Công ty TNHH gạch men Hoàng Gia nằm trong KCN Mỹ Xuân. Ông Hoàng Xuân Đường, tổ 14, ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí ở đây đã kéo dài hơn 6 năm nay và mới chấm dứt khi nhà máy này bị buộc yêu cầu ngưng hoạt động. Trước những bức xúc của người dân sống gần nhà máy gạch men Hoàng Gia, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra và phát hiện công ty này xả bụi thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vượt quy chẩn quy định từ 3 lần trở lên vào môi trường với lưu lượng xả thải từ 36.635m3/giờ -44.708m3/giờ với mức xử phạt từ 500-600 triệu đồng. Nhưng năm 2016, công ty này vẫn tiếp tục xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Và ngày 23-11-2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt nhà máy gạch men Hoàng Gia số tiền 1,1 tỷ đồng, đình chỉnh hoạt động và yêu cầu nhà máy thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 6 tháng.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi khảo sát thực tế nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu)

TIẾN TỚI VIỆC GIÁM SÁT TỰ ĐỘNG

Qua các đợt giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy, các KCN chưa có trạm quan trắc môi trường không khí thường xuyên, mà chỉ giám sát theo định kỳ nên không theo dõi được mức độ ô nhiễm không khí, khó để kiểm tra giám sát mức độ vi phạm của các đơn vị xả thải. Hơn nữa, hiện nay chưa có lực lượng chức năng nào của tỉnh có thiết bị để đo mức độ ô nhiễm không khí, nên càng khó kiểm soát hơn.

Ông Lê Văn Phong, Phó Ban quản lý các KCN tỉnh BR-VT cho biết, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.510,27ha. Trong đó 14 KCN có quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 8.210,7ha với 279 dự án đầu tư còn hiệu lực. Hiện nay, tại 9 KCN đang hoạt động đã thải ra lượng nước thải trung bình khoảng 30.000m3 /ngày đêm.

Phần lớn, các DN thứ cấp tại các KCN đều thực hiện việc đấu nối nước thải từ hoạt động sản xuất với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Đã có 8/9 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (2 KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng và Mỹ Xuân B1-Đại Dương sử dụng chung hệ thống công suất 1.500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay công tác BVMT trong các KCN vẫn còn nhiều khó khăn do một số KCN còn chậm xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như KCN Cái Mép, KCN Phú Mỹ II và KCN Châu Đức. Ngoài ra, một số nhà máy nằm trong các KCN được miễn trừ đấu nối nhưng lại chưa truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành quan trắc tự động để theo dõi và quản lý.

Còn theo đại diện Sở TN-MT, hầu hết các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, hằng năm việc định kỳ thanh, kiểm tra đối với các hoạt động của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đều do Bộ thực hiện.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay Sở TN-MT đã chủ trì và phối hợp với Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT thanh tra, kiểm tra 92 cơ sở; xử phạt 30 cơ sở với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở. Hiện nay, Sở TN-MT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành quan trắc tự động để giám sát các hoạt động xả thải (gồm nước thải và khí thải) của các DN có hệ thống quan trắc tự động. Hiện đã có 5 đơn vị truyền dữ liệu về trung tâm điều hành gồm: KCN Mỹ Xuân A, KCN Mỹ Xuân A2, KCN Mỹ Xuân B1-Conac, KCN Sonadezi Châu Đức và Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân. Sở cũng yêu cầu 7 nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh khẩn trương đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và thực hiện truyền số liệu về trung tâm điều hành trong tháng 4-2017.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Mức độ ô nhiễm môi trường trong các KCN ngày càng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái
Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.