Thứ bảy, 20/04/2024 01:50 (GMT+7)

Nước thải khu công nghiệp Hà Nội

MTĐT -  Thứ sáu, 22/09/2017 20:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu công nghiệp đóng góp đáng kể vào kết quả thu hút đầu tư cả nước, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Nghị định 29/CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế gồm:

Khu công nghiệp (KCN): là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định.

- Khu chế xuất (KCX): là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng như đối với KCN.

KCN, KCX được gọi chung là KCN, trừ trường hợp có quy định cụ thể.

Tỷ lệ nước thải tại các khu công nghiệp được xử lý còn đạt thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. (Ảnh: TTXVN)

- Khu kinh tế (KKT): là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư có ranh giới, đại lý xác định KKT được tổ chức thành các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, KCX, KCN, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng KKT.

- Khu công nghệ cao: là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

- Cụm công nghiệp: là một dạng KCN nhưng có quy mô nhỏ do chính quyền địa phương phê duyệt, cấp phép và quản lý.

- Điểm công nghiệp: là một dạng công nghiệp tập trung mới xuất hiện gần đây do sự phát triển bùng phát các làng nghề. Điểm công nghiệp có quy mô nhỏ từ vài chục hecta trở xuống, được chính quyền địa phương phê duyệt và cấp phép.

Phát triển các khu công nghiệp với mục tiêu tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, tập trung các nguồn phát thải ô nhiễm vào các khu vực nhất định nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả quản lý nguồn thải và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình phát triển khu công nghiệp đã bộc lộ một số khiếm khuyết trong việc xử lý chất thải và đảm bảo chất lượng môi trường. Trong thời gian tới, việc phát triển các khu công nghiệp sẽ làm gia tăng lượng thải và các chất gây ô nhiễm môi trường, nếu không tăng cường công tác quản lý môi trường thì sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng bền vững của đất nước.

Theo thống kê, Hà Nội có 89 cụm công nghiệp, nhưng chỉ 21 cụm được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung. Đợt giám sát mới đây của Ban Đô thị-HĐND thành phố Hà Nội về thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, còn nhiều bất cập, cần sớm khắc phục .

Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã tích cực triển khai các quy định của pháp luật về hoạt động thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp; tiếp tục đầu tư, hoàn thiện xây dựng đồng bộ 21 trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát, đến nay mới có 12/21 trạm xử lý nước thải hoạt động ổn định. 7 trạm hoạt động không đảm bảo công suất, 2 trạm không hoạt động (Duyên Thái, huyện Thường Tín và Tân Triều huyện Thanh Trì) do máy móc hư hỏng, xuống cấp.

Đại biểu chuyên trách Ban Đô thị - HĐND thành phố Hoàng Thúy Hằng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn 68 cụm công nghiệp (thực chất là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề) quy mô nhỏ. Nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến tình trạng nước thải không được xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn.

Huyện Đông Anh có 3 cụm công nghiệp, nhưng mới có cụm công nghiệp Nguyên Khê với quy mô hơn 77 ha có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụm công nghiệp Đông Anh quy mô hơn 18ha vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Còn cụm công nghiệp Liên Hà đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nên các cơ sở sản xuất vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Huyện Đan Phượng có 7 cụm công nghiệp, nhưng cũng chỉ có cụm công nghiệp thị trấn Phùng được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho hay: “Phần lớn các cụm công nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên cơ sở tính toán khối lượng nước thải thực tế. Đơn cử như, cụm công nghiệp Liên Trung, Liên Hà chủ yếu sản xuất đồ mộc, nươc thải không nhiều nên không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung”.

Xét về mặt môi trường, việc tập trung các cơ sở sản xuất trong KCN nhằm mục đích sử dụng hợp lý tài nguyên và năng lượng, khoanh vùng sản xuất công nghiệp vào một khu vực nhất định, tập trung nguồn thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, hiệu quả xử lý nguồn thải ô nhiễm và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất đối với cộng đồng sinh sống trong các khu dân cư xung quanh.

Việc tập trung các cơ sở sản xuất trong các KCN góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nước thải, chất thải rắn,... đồng thời, giảm chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý, giảm chi phí xử lý môi trường trên một đơn vị chất thải. Ngoài ra, công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong KCN cũng được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế trên, KCN khi được xây dựng và đi vào hoạt động đã bộc lộ những thách thức không nhỏ đối với môi trường.

Nước thải từ các KCN có thành phần đa dạng, chủ yếu là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, dầu mỡ và một số kim loại nặng. Khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các KCN được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ra ô nhiễm môi trường nước mặt. Chất lượng nước mặt tại những vùng chịu tác động của nguồn thải từ các KCN đã suy thoái, đặc biệt tại các vực sông Nhuệ và sông Đáy.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, sự phát triển của KCN đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Với đặc thù là nơi tập trung các cơ sở công nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nếu công tác bảo vệ môi trường không được đầu tư đúng mức thì chính các KCN trở thành nguồn thải ra môi trường một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của cộng đồng xung quanh và tác động xấu lên hệ sinh thái nông nghiệp và thủy sinh.

Diễn biến ô nhiễm nước sông Hồng (đoạn chảy qua Hà Nội)

Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài khoảng 150km kéo dài từ huyện Ba Vì tới huyện Phú Xuyên. So với đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội cũ (khoảng 40km) thì hiện nay, khi đã ở rộng, sông Hồng chảy qua Hà Nội dài thêm 110km và kéo dài về 2 phía đi qua các huyện Ba Vì - Sơn Tây - Phúc Thọ - Đan Phượng và Thương Tín - Phú Xuyên. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội được phân chia thành 3 khu vực chính:

Khu vực 1: từ Ba Vì đến Đan Phượng

Khu vực 2: từ Từ Liêm đến Thanh Trì

Khu vực 3: từ Thường Tín đến Phú Xuyên

Kết quả phân tích chất lượng nước sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2011-2014 được thể hiện như sau:

COD: kết quả phân tích COD tại 15 điểm lấy mẫu của sông Hồng (đoạn chảy qua địa phận Hà Nội) qua các năm từ 2011 – 2014 cho thấy hàm lượng COD trong năm 2012 và 2013 cao hơn hàm lượng COD của các năm còn lại và đều vượt QCVN 08: 2008/BTNMT cột B1.

BOD5: tại 15 điểm lấy mẫu trên đoạn sông Hồng chảy qua Thành phố Hà Nội, kết quả phân tích hàm lượng BOD5 qua các năm từ 2011 – 2014 cho thấy hàm lượng BOD5 của năm 2014 cao hơn các năm còn lại và vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại B1. Ngoài ra, hàm lượng BOD5 tại vị trí NM7 và NM8 của năm 2012 và năm 2013 vượt hơn so với QCVN 08:2008/BTNMT loại B1.

TSS: từ kết quả phân tích chất lượng nước sông Hồng (đoạn chảy qua địa phận Thành phố Hà Nội) cho thấy đa số các mẫu trong các năm từ 2011 – 2014 đều có giá trị hàm lượng TSS nhỏ hơn so với QCVN 08:2008/BTNMT loại B1 và có giá trị ít thay đổi qua các năm, riêng NM13 có hàm lượng TSS năm 2011 vượt so với QCVN 08:2008/BTNMT loại B1.

NO2-: giá trị NO2- trong các năm 2011 – 2014 tại các vị trí lấy mẫu có nhiều biến động và đa số đều vượt ngưỡng quy định trong QCVN 08:2008/BTNMT loại B1, cụ thể như sau:

Năm 2011 có 12/15 vị trí có giá trị NO2- vượt ngưỡng giới hạn cho phép;

Năm 2012 có 12/15 vị trí vượt ngưỡng giới hạn cho phép;

Năm 2013 có 1/15 vị trí vượt ngưỡng giới hạn cho phép;

Năm 2014 có 10/15 vị trí vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

PO43-: từ kết quả phân tích chất lượng nước sông Hồng (đoạn chảy qua địa phận Thành phố Hà Nội) cho thấy giá trị PO43- năm 2012 cao hơn so với các năm tại các điểm NM1, NM2, NM3, NM8, riêng có vị trí NM5 là giá trị PO43- năm 2011 cao hơn so với các năm còn lại và đều vượt ngưỡng QCVN 08:2008/BTNMT cột B1.

Diễn biến chất lượng nước sông Nhuệ

Sông Nhuệ chảy qua Hà Nội bắt nguồn từ cống Liên Mạc cho đến cống Thần, đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động KT – XH, các khu công nghiệp, sản xuất làng nghề, khu khai thác và chế biến, các tụ điểm dân cư... Chính vì vậy, chất lượng nước của đoạn sông đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD… (từ Đập Liên Mạc đến điểm hợp lưu sông Măng Giang) vào mùa mưa và mùa khô năm 2012 và 2014, tại các điểm đo đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT loại B1 nhiều lần.

Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ đã bị ô nhiễm đáng kể. Có thể thấy nước thải sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của toàn bộ các quận nội thành Hà Nội) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ (đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi).

Diễn biến chất lượng nước sông Đáy

Trong nội dung của nhiệm vụ các đơn vị thực hiện đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng của 20 vị trí tại sông Đáy đoạn chẩy qua địa phận Hà Nội (từ Đập Cẩm Bình đến Tiên Mai) vào mùa mưa và mùa khô năm 2012 và 2014.

Các chất hữu cơ

Kết quả phân tích chất lượng nước mặt sông Đáy tại 20 vị trí cho thấy nhiều vị trí có giá trị vượt Quy chuẩn cho phép (QCCP). Cụ thể:

+Năm 2012: Mùa mưa có 14 vị trí có giá trị COD vượt QCCP từ 1,1 đến 1,4 lần, 11 vị trí có giá trị BOD5 vượt QCCP từ 1,1 đến 1,3 lần. Mùa khô tất cả các vị trí vượt QCCP (COD từ 1,2 đến 2,3 lần, BOD5 từ 1,1 đến 2,1 lần);

+ Năm 2014: Mùa mưa có 6 vị trí vượt QCCP từ 1,1 đến 1,3 lần, mùa khô có 3 vị trí vượt QCCP từ 2,8 đến 3,5 lần, Giá trị BOD5 tại các vị trí đều nằm trong giới hạn của QCCP.
Các chất dinh dưỡng

Amoni: kết quả phân tích chất lượng nước mặt sông Đáy tại 20 vị trí cho thấy hầu hết các vị trí có giá trị amoni vượt Quy chuẩn cho phép (QCCP). Cụ thể:

+ Năm 2012: 19 vị trí của mùa mưa có giá trị vượt QCCP từ 2,0 đến 5,5 lần; 20 vị trí vượt QCCP từ 1,6 đến 11,6 lần.

+ Năm 2014: 13 vị trí của mùa mưa có giá trị vượt QCCP từ 1,6 đến 3,7 lần; 20 vị trí vượt QCCP khoảng từ 1,0 đến 19,2 lần.

Phosphat: kết quả phân tích chất lượng nước mặt sông Đáy tại 20 vị trí cho thấy nhiều vị trí có giá trị Phosphat vượt Quy chuẩn cho phép (QCCP). Cụ thể:
+ Năm 2012: Mùa mưa có 14 vị trí có giá trị vượt QCCP từ 1,1 đến 1,9 lần. Mùa khô có 13 vị trí có giá trị vượt QCCP từ 1,1 đến 6,9 lần.
+ Năm 2014: Tất cả các vị trí lấy trong mùa mưa đều đạt QCCP. Mùa khô có 5 vị trí có giá trị vượt QCCP từ 1,3 đến 6,1 lần.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng trên là nhiều cụm công nghiệp được hình thành là từ các điểm thủ công nghiệp làng nghề trước khi có luật BVMT, công tác GPMB ở một số cụm gặp khó khăn, một số doanh nghiệp cố tình vi phạm. Nguyên nhân chủ quan là cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Bên cạnh đó, công tác điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải giữa các cở và UBND quận, huyện có nơi chưa chặt chẽ.

Để khắc phục tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, bên cạnh tăng cường giáo dục cần phải xử phạt nặng và cảnh cáo nghiêm khắc. Sở Công Thương cần sớm hoàn thiện và trình UBND Thành phố sớm phê duyệt “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030” làm cơ sở cho các địa phương đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Sở Xây dựng tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư có dự án đã được phê duyệt đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào hoạt động và sớm lắp đạt các hệ thống quan trắc nước thải tự động tránh doanh nghiệp tự kê khai thực tế xả thải.

Đối với các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, đề nghị các quận, huyện, thị xã, trước mắt yêu cầu chủ cơ sở sản xuất phải có hệ thống thu gom, xử lý sơ bộ trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, các địa phương chỉ tiếp nhận doanh nghiệp mới có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường vào đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp./.

PGS.TS.Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH & CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nước thải khu công nghiệp Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...