Thứ sáu, 19/04/2024 05:21 (GMT+7)

Quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: Đồng bộ nhiều giải pháp

MTĐT -  Thứ bảy, 21/10/2017 20:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chất thải rắn, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề có chứa nhiều hoá chất độc hại thải vào môi trường là tác nhân gây ô nhiễm một cách nghiêm trọng.

Xác định phát triển kinh tế, xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt trong xử lý vấn đề này.

Công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp của Hà Nội đã chuyển biến rõ rệt bằng việc thông qua nghị quyết, quyết định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Thành phố đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cần xây dựng, ban hành nghiêm ngặt hơn trên địa bàn theo quy định của Luật Thủ đô.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng 5 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật của thành phố về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; nước thải dệt may; nước thải công nghiệp; giấy và bột giấy; nước thải công nghiệp; khí thải công nghiệp sản xuất xi măng. Công tác kiểm soát ô nhiễm công nghiệp cũng chuyển biến khá tích cực.  

Ảnh minh họa

Công tác xử lý chất thải nguy hại ở khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề được thành phố quan tâm thực hiện theo đúng quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp thông thường đạt từ 85 đến 90% (tương đương 549 đến 581 tấn/ngày), khối lượng được xử lý khoảng 382 đến 405 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn nguy hại trên địa bàn thành phố đạt 75% (khối lượng phát sinh 120 tấn/ngày, khối lượng thu gom xử lý 90 tấn/ngày).

Chất thải được xử lý tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn và các cơ sở xử lý khác trong và ngoài địa bàn thành phố, còn lại được lưu giữ tại các cơ sở phát sinh theo đúng quy định. Còn tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải y tế của thành phố đạt 100%.
Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8,07 tấn/ngày, trong đó có khoảng 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và tại các khu xử lý tập trung; 100% lượng tác thải y tế được thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý theo quy định...
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đề án bảo vệ môi trường; tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cấp sổ chủ nguồn thải nguy hại; đồng thời đã thanh tra, kiểm tra cơ sở, qua đó, xử phạt vi phạm hành chính vi phạm về bảo vệ môi trường...  
Từ thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trước đây còn xảy ra tình trạng chất thải nguy hại không được phân loại, quản lý theo đúng quy định, nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Sau khi chấn chỉnh và được hướng dẫn, tình trạng quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định về cơ bản đã được khắc phục và cải thiện đáng kể. 
Việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hoá thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án như: Dự án xây dựng ô chôn lấp rác theo công nghệ chông lấp bán hiếu khí Fukuoka (Nhật Bản) tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây có công suất 240 tấn/ngày; dự án xây dựng Khu xử lý chất thải tập trung của thành phố tại thông Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Các dự án xử lý rác thải quy mô cấp huyện cũng được nghiên cứu triển khai như: Dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại huyện Ba Vì công suất khoảng 70 tấn/ngày; dự án xây dựng Khu xử lý rác thải Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức công suất 50 tấn/ngày. 
Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo hình thức xã hội hóa. Đơn cử, dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 2.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn theo hình thức hợp đồng BOT; dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác Phương Đình tại huyện Đan Phượng công suất 200 tấn/ngày; dự án xây dựng Khu xử lý rác thải Việt Hùng tại huyện Đông Anh, công suất 300 tấn/ngày; dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác Châu Can tại huyện Phú Xuyên, công suất 500 tấn/ngày; dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác tại huyện Thạch Thất, công suất 250 tấn/ngày; dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, công suất 200 tấn/ngày. Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.  
Trong xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Thủ đô diễn ra mạnh mẽ, với sự hình thành, phát triển của nhiều ngành nghề sản xuất, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng... đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Song, mặt trái của phát triển kinh tế kéo theo lượng chất thải công nghiệp phát sinh ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đây là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp của thành phố. 
Để tăng cường công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố, hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm hài hoà giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, song hành với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tạo cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia xã hội hoá; phát triển các phòng trào quần chúng bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp kinh tế; tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng hợp tác quốc tế về môi trường..., trước hết, công tác tuyên truyền cần phải đi trước một bước.
Theo đó, công tác tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện quả các chính sách, quy định pháp luật; kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về kiểm soát ô nhiễm công nghiệp.
Công tác tuyên truyền phải đa dạng, phong phú bằng thông điệp, trên các ấn phẩm báo chí, tờ rơi, áp phích, tài liệu, triển lãm, cuộc vận động, chiến dịch “làm cho trái đất sạch hơn”, “giờ trái đất”, “ngày môi trường thế giới”, cuộc thi sáng kiến giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp..., có như vậy mới thiết thực, hiệu quả.
Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội
Bạn đang đọc bài viết Quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: Đồng bộ nhiều giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.