Thứ sáu, 26/04/2024 00:43 (GMT+7)

Sai phạm lộ diện sau sự cố vỡ bể chứa chất thải Công ty Hồng Diệp

MTĐT -  Thứ bảy, 20/01/2018 23:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau sự cố vỡ bể chứa chất thải gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp – Điện Biên đã lộ diện nhiều sai phạm.

Rạng sáng 15/1, bể chứa chất thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp – Điện Biên bị vỡ đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn các xã Hẹ Muông và Núa Ngam, huyện Điện Biên, phản ánh tình trạng nước suối Nậm Núa bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cho cá và các loài thủy sinh bị chết hàng loạt nổi trắng trên bề mặt.

Anh Cút Thành Biên, người dân bản Ten Núa, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cho biết: “Từ sáng sớm người dân đã thấy cá nổi lên theo dòng nước. Cá nhỏ, cá to đều chết. Nước ô nhiễm, đen ngòm và bốc mùi hôi thối nên cá không thể sống sót”.

Cơ quan chức năng kiểm tra nhà máy.

Ông Lò Văn Chung, bản Yên, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cho biết thêm: “Hiện tượng cá chết hàng loạt và nước suối đổi màu đã khiến nhiều người dân trên địa bàn rất lo lắng bởi đây là dòng suối cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hầu hết ruộng đồng của bà con”.

Ngoài ra nước suối Nậm Núa còn được nhân dân các thôn, bản sinh sống dọc con suối sử dụng để chăn nuôi, lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, phục vụ một số nhu cầu sinh hoạt đời thường của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn lân cận.

Theo ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, thì đây là sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Điện Biên. Sai phạm của Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp – Điện Biên là đã không thực hiện đúng quy trình khi tự ý đào những hố chứa giáp suối Nậm Núa, hoạt động xả thải không qua hệ thống xử lý và các hệ thống bể chứa lắng, lọc mà thải trực tiếp ra môi trường; công ty hoạt động vào ban đêm và chất thải vượt quá giới hạn nên đã gây vỡ bờ bể chứa đào thủ công.

Trao đổi với báo giới, Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Sau khi phối hợp với Chi cục môi trường xuống kiểm tra về việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải của công ty, xác định công ty này chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chúng tôi cũng đã yêu cầu dừng các hoạt động để hoàn thiện các thủ tục trước khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, công ty vẫn cố tình hoạt động để xảy ra sự cố vỡ ao chứa nước thải dẫn đến việc phát tán nước thải ra môi trường. Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra đánh giá lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này, lấy mẫu để phân tích, trên cơ sở đó để xác định mức độ ô nhiễm, căn cứ vào những kết quả kiểm tra, xác định sai phạm, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Công ty này đã tự ý đào những hố chứa giáp suối Nậm Núa, hoạt động xả thải không qua hệ thống xử lý.

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác liên ngành cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp về các thủ tục pháp lý, như: việc thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng quy hoạch chi tiết và chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định…

Điều đáng nói, trước khi xảy ra xự cố, ngày 11/1, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Chi cục Môi trường tiến hành kiểm tra việc xây dựng, xử lý khu vực bể chứa nước thải của nhà máy. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty chưa xây dựng xong hệ thống xử lý rác thải, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty cổ phần Hồng Diệp dừng mọi hoạt động, phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, mới được hoạt động.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp – Điện Biên (bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 15/3/2017.

Dự án có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; công suất hoạt động 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày. Diện tích mặt đất sử dụng 20.000m2 do các nhà đầu tư: Đỗ Dũng, Lưu Minh Dương, Tống Lập Pú (quốc tịch Trung Quốc) và nhà đầu tư Đinh Văn Toản, trú tại TP. Điện Biên Phủ đầu tư (trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc góp 90% tổng vốn đầu tư).

Việc UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra của Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2017. Đây cũng là thành quả cho sự nỗ lực của tỉnh Điện Biên trong việc triển khai và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư FDI nói riêng.

Mục tiêu dự án là thu mua sản phẩm sắn củ và sắn lát thái khô để chế biến thành tinh bột sắn, hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín giữa người dân và doanh nghiệp; nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Việc xây dựng nhà máy sẽ giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm sắn của người dân địa phương, ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân trong vùng; đóng góp vào sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới, xây dựng vùng chuyên canh tại huyện Điện Biên nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung; tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho khoảng 100 lao động địa phương…


Theo Gia đình & Pháp luật

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm lộ diện sau sự cố vỡ bể chứa chất thải Công ty Hồng Diệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.