Thứ năm, 28/03/2024 17:59 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Vướng mắc của người dân về việc GPMB CCN Minh Phương?

Nguyễn Dũng -  Thứ bảy, 17/07/2021 09:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bí thư huyện ủy Yên Lạc cho biết, cách đây mấy tháng đúng là có trường hợp Công ty CP KeHin san gạt vào phần diện tích đất của 5 hộ dân tại đây.

Thời gian vừa qua tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được hàng loạt thông tin  phản ánh của các hộ dân tại thôn Vĩnh Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc về việc Công ty CP KeHin thi công Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương ngoài ranh giới được giao đất, xây dựng lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân khi chưa có thông báo, thoả thuận GPMB làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Dự án CCN làng nghề Minh Phương, do Công ty CP KeHin làm chủ đầu tư.

Theo thông tin ban đầu, các hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực xứ Đồng Nắng, thôn Vĩnh Đông, thị trấn Yên Lạc cho biết, phần diện tích mà Công ty CP KeHin thi công Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương là phần diện tích đất mà người dân tại khu vực này được nhà nước cấp GCNQSDĐ, họ đang sử dụng canh tác nông nghiệp ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Tuy nhiên việc Công ty CP KeHin (tiền thân là Công ty Kết Hiền) tự ý san lấp, thi công, nắn dòng chảy sông Loan vào đất nông nghiệp đang canh tác của người dân khi chưa có thoả thuận GPMB là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Một sốhộ dân tạithị trấn Yên Lạc,phản ánhvề việc Công ty CP KeHin thi công CCNlàng nghề Minh Phương ngoài ranh giới được giao đất, xây dựng lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân.

Bà Nguyễn Thị Thơm, người dân có đất tại khu vực này cho biết: “Gia đình tôi có một thửa ruộng 577m² đang canh tác ổn định tại xứ Đồng Nắng nằm cạnh CCN Minh Phương do Công ty CP KeHin làm chủ đầu tư, bỗng dưng Công ty CP KeHin tự ý san lấp, xây dựng tại thửa ruộng của chúng tôi. Nếu như tôi trong diện GPMB thì cũng phải cho tôi được biết và thoả thuận với chúng tôi 1 cách hợp lý, chồng tôi mất được hơn 20 năm đây là mảnh ruộng tôi nuôi sống 3 đứa con, nay doanh nghiệp ngang nhiên chiếm đất của chúng tôi, nhiều tháng nay tôi không có việc làm chúng tôi không biết trông cậy vào đâu”.

Để thông tin được khách quan nhất, ngày 16/07/2021 phóng viên có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Khắc Hiếu – Bí thư Huyện ủy Yên Lạc về nội dung này. Ông Hiếu cho biết, dự án này được thực hiện triển khai từ năm 2018, toàn bộ người dân xã Nguyệt Đức (gồm hơn 400 hộ) đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Yên Lạc chỉ còn 77/125 hộ có ruộng tại xứ Đồng Nắng là chưa nhận tiền giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc cũng cho biết, cách đây mấy tháng đúng là có trường hợp Công ty CP KeHin san gạt vào phần diện tích đất của 5 hộ dân tại đây, do khu vực này trước kia là khu lò gạch cũ, không có bờ thửa nên phía công ty đã xác định nhầm mốc giới. Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện có công văn yêu cầu Công ty CP KeHin khắc phục ngay việc múc nhầm đất, trả lại hiện trạng ban đầu phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng và bồi thường thiệt hại cho người dân (đến nay trong 5 hộ dân tại đây, chỉ có duy nhất gia đình bà Thơm là không nhận tiền bồi thường).

Đồng thời, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc cũng khẳng định, việc người dân cho rằng Công ty CP KeHin đang thực hiện giải phóng mặt bằng ngoài diện tích quy hoạch của UBND tỉnh giao là không đúng, bởi mốc giới tại khu vực này đã được thực hiện số hóa nên không có chuyện Công ty CP KeHin đang thực hiện giải phóng mặt bằng ngoài diện tích quy hoạch.

Hiện tại, những hộ gia đình có ruộng tại đây mong muốn việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thỏa thuận với Công ty CP KeHin. Bản thân lãnh đạo huyện cũng mong muốn làm sao để người dân được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Tuy nhiên nó cũng phải đúng với quy định của pháp luật, bởi đây là dự án quyết định nhà nước thu hồi đất, nên huyện Yên Lạc không thể đền bù cho người dân vượt mức quy định của UBND tỉnh đề ra.

Ngoài ra, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc cũng nêu rõ quan điểm, huyện sẽ cố gắng tiếp tục tuyên truyền vận động, giải thích về ý nghĩa xây dựng dự án, thực hiện đầy đủ, kịp thời tất cả những chế độ chính sách mà người dân được hưởng theo quy định. Cùng với đó, yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ tốt nhất cho người dân (trên cơ sở đúng pháp luật). Sau khi thực hiện tất cả những bước trên mà người dân vẫn cố tình không hợp tác, thì huyện Yên Lạc sẽ tiến hành cưỡng chế.

Trao đổi thêm với PV về nội dung này, ông Phạm Văn Hùng – Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng và Phát triển Quỹ đất huyện Yên Lạc cho biết: Khu vực này trước đây được cho thuê thầu làm lò gạch, sau khi nhà nước có chính sách bỏ lò gạch thủ công thì đất tại khu vực này là bãi hoang gần 10 năm rồi, việc người dân ở đây nói rằng họ đang sản xuất ổn định lâu dài là không đúng.

Mặt khác, ông Hùng còn cho biết: Dân ở trong khu vực này có trên 5 nghìn hộ làm nghề sản xuất - kinh doanh, nên vấn đề ô nhiễm môi trường rất phức tạp. Bởi vậy, người dân ở đây rất ủng hộ và mong muốn tìm những vị trí ra ngoài sản xuất, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường cho người dân .

Như vậy mọi chuyên cũng khá rõ, việc người dân phản ánh Công ty CP KeHin thi công Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương lấn sang diện tích đất nông nghiệp của người dân là có cơ sơ. Tuy nhiên, vì mục tiêu lớn rất mong người dân tại đây, cùng các cấp chính quyền huyện Yên Lạc nói riêng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nói chung sớm tìm ra giải pháp để dự án CCN làng nghề Minh Phương được thực hiện theo đúng tiến độ, nhưng không để người dân phải chịu thiệt. Đồng thời tạo niềm tin và ổn định cuộc sống cho người.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Vướng mắc của người dân về việc GPMB CCN Minh Phương?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.