Thứ sáu, 29/03/2024 20:50 (GMT+7)

Làng bún sống chung với ô nhiễm

MTĐT -  Thứ bảy, 17/12/2011 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng bún Khắc Niệm tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp nhiều hộ giàu lên. Nhưng hiện mỗi ngày, hàng trăm m3 nước thải từ làng nghề xả trực tiếp ra mương, ao, hồ… làm ô nhiễm trầm trọng.

Thu nhập cao đi cùng ô nhiễm
Ông Nguyễn Thanh Đôn - Phó Chủ tịch UBND xã Khắc Niệm (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho hay: Xã có 2 thôn làm nghề bún là thôn Tiền Trong và Tiền Ngoài, với khoảng 270 hộ, đang tạo việc làm cho khoảng 800 người. Những năm qua, nhờ nghề bún mà đời sống kinh tế của người dân đã không ngừng nâng lên, số hộ giàu, khá giả liên tục tăng. Nhiều hộ đã xây được nhà tầng, mua ô tô để tiện vận chuyển bún cho khách.
Ông Đôn cho hay, mỗi ngày cả xã sản xuất ra khoảng 80 tấn bún, chủ yếu xuất đi Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn. Đã gắn bó với nghề làm bún hơn 30 năm, ông Nguyên Minh Nam (thôn Tiền Trong) tâm sự: “Làm bún phải trải qua rất nhiều khâu, từ vo gạo, ngâm, nghiền, ủ bột, rồi mới đưa vào lò nấu và ép sợi, nên phải sử dụng nước rất nhiều. 
Trước kia gia đình tôi chỉ làm quy mô nhỏ, nhưng nhu cầu thị trường ngày càng tăng nên tôi đã đầu tư một máy ép sợi hơn 80 triệu đồng. Hiện mỗi ngày nhà tôi xuất hơn 1 tấn bún. Ngôi nhà khang trang và chiếc ô tô tải loại 4 tấn cũng từ tiền làm bún mà có”. 
Hộ ông Nguyễn Tiến Đình trung bình mỗi ngày bán từ 2 - 4 tấn bún ra thị trường. Ông Đình cho biết: "Mỗi ngày gia đình tôi phải sử dụng hàng chục m3 nước để làm bún. Năm ngoái, tôi đã xây hầm biogas, nhưng cũng chỉ xử lý được già nửa lượng nước thải. Làm nghề bún có thu nhập, nhưng cũng ô nhiễm lắm, song vì đất hẹp nên đành chịu". 
Nước thải bẩn vượt tiêu chuẩn 20- 30 lần
Theo thống kê của xã Khắc Niệm, hiện cả xã mới có gần 100 hộ xây hầm biogas để chứa nước thải, còn phần lớn nước thải vẫn được người dân xả thẳng ra mương, ao, hồ. Do hệ thống mương xuống cấp, nên các chất thải ứ đọng lại, gây tắc nghẽn, tràn lênh láng ra đường, bốc mùi hôi thối... 
Rất bức xúc vì trình trạng ô nhiễm, chị Nguyễn Thị Viên (thôn Tiền Trong) nói: "Ai cũng có tư tưởng cứ tống khứ chất thải ra khỏi nhà là xong, nên chẳng mấy chốc cống rãnh, ao, hồ đã đầy, tắc nghẽn. Gió nồm đã khổ, mưa còn khổ hơn, nhiều khi đi đường nhưng phải lội bì bõm trong nước thải, phân lợn, chân tay thì ngứa ngáy lở loét, nhà cửa lúc nào cũng phải đóng im ỉm". 
Không khí ở Khắc Niệm cũng ô nhiễm trầm trọng vì người dân dùng quá nhiều than tổ ong để đun nấu, tận dụng các chất thải để nuôi lợn. Một lượng lớn phân lợn thải trực tiếp ra mương, ao, hồ...
Chưa có con số thống kê, nhưng đã có rất nhiều người ở Khắc Niệm mắc các bệnh về đường hô hấp, ngoài da. Theo ông Nguyễn Thanh Đôn, có rất nhiều nguyên nhân khiến làng nghề bún ô nhiễm: Do thiếu mặt bằng nên các hộ phải sản xuất tại nhà, mặt khác do nhiều ao, hồ đã bị lấp để xây nhà dẫn đến thiếu ao, hồ điều tiết. Đặc biệt, việc sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, không chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải... là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm. 
Mới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Ninh đã lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước tại xã Khắc Niệm. Kết quả, các chỉ tiêu về COD, BOB, Coliform... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 20 - 30 lần.
Đáng nói, từ năm 2008, xã Khắc Niệm đã được Dự án DEWATS đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung với công suất 450m3/ngày đêm, kinh phí gần 7 tỷ đồng, nhưng không hiểu sao đến nay công trình này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Trong khi chờ dự án hoạt động, hàng ngày hàng nghìn người dân xã Khắc Niệm vẫn phải ăn, ở cùng với ô nhiễm!
Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Làng bún sống chung với ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới