Thứ sáu, 26/04/2024 02:52 (GMT+7)

Loài tôm càng đỏ phá hoại môi trường như thế nào?

MTĐT -  Thứ tư, 22/05/2019 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp. Thậm chí, loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Thời gian gần đây, loại tôm hùm đất (tôm càng đỏ) đang gây sốt trên thị trường và được bán công khai trên mạng. Tôm hùm đất là loài sinh vật ngoại lai xâm hại bị cấm nhập khẩu tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT vào chiều 21/5, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các lô hàng thực phẩm tôm hùm đất được vận chuyển từ Trung Quốc vào địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cụ thể như, chiều 18/5, các cán bộ kiểm soát hàng hóa, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai phối hợp với lực lượng biên phòng khu vực Cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện một trường hợp người dân dùng xe đạp điện chở 75kg tôm hùm đỏ.

Theo thông tin, người vận chuyển khai nhận được một người không biết tên tuổi ở TP Lào Cai thuê sang chợ Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung quốc) chở số tôm hùm đỏ trên về TP Lào Cai qua đường cư dân biên giới; giá trị lô hàng ước tính khoảng 15 triệu đồng.

Trước đó, trong các ngày 13, 14 và 15/5/2019, Tổ Kiểm soát hải quan (Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai) đã phát hiện 5 vụ việc người dân vận chuyển lậu tôm hùm đất Trung Quốc từ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về thành phố Lào Cai qua đường cư dân biên giới với tổng số lượng 570 kg, trị giá hàng hóa thu giữ ước tính trên 142 triệu đồng.

Tôm hùm đất là loài sinh vật ngoại lai xâm hại bị cấm nhập khẩu tại Việt Nam.

Sở NN&PTNT Lào Cai thông tin, các sinh vật được bắt giữ trong trạng thái còn sống, được ướp lạnh, là động vật thủy sản, thuộc lớp giáp xác. Cơ quan chuyên môn đã vào cuộc xác minh và khẳng định đây là tôm càng đỏ, nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại, gây nguy hại với sinh vật bản địa, có khả năng phát tán mạnh, có xu hướng gây mất cân bằng sinh thái nơi chúng xuất hiện và phá hoại mùa màng, cây cối, hoa màu.

Những ngày qua, loại tôm hùm đất này gây sốt trên thị trường, được rao bán công khai qua mạng, nhiều khách hàng đặt mua vì vị ngon, giá rẻ. Tuy nhiên, người mua đều không biết những tác hại mà loại tôm ngoại lai này gây ra với môi trường và ngành chăn nuôi thủy sản trong nước.

Trước tình trạng tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên thị trường, ngày 17/5, Bộ NN& PTNT đã ban hành công văn hỏa tốc về việc “Tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam”. Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.

Theo Bộ NN& PTNT, tôm hùm đất thuộc Phụ lục II, Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNN PTNT ngày 26-9-2013).

Tôm hùm đất cũng không có tên trong Phụ lục VIII, Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/ 2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản"). Do vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Theo Bộ NN&PTNT, tôm hùm đất, hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt, có tên khoa học là Procambarus clarki. Đây là loài ăn tạp sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao với môi trường. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Tôm hùm đất vòng đời ngắn, sinh sản nhanh lại có thể di chuyển trên cạn nên khả năng phát triển tràn lan khi thoát ra ngoài môi trường là rất lớn.

Ngoài bản tính hung hăng và ăn tạp, tôm hùm đất còn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên sẽ là mối đe dọa đối với các loại tôm đang thả nuôi ở Việt Nam.

Nguy hại hơn cả ốc bươu vàng

Trao đổi với báo Hà Nội mới, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN& PTNT) Trần Đình Luân cho biết, theo quy định, nếu phát hiện tôm hùm đất phát tán ra ngoài môi trường, các địa phương phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật từ bên ngoài vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, nhất là các con đường đưa tôm hùm đất vào Việt Nam để xử lý nghiêm việc buôn bán trái phép này. "Quan trọng hơn là thông tin, tuyên truyền để cộng đồng hiểu tác hại của sinh vật ngoại lai, không tham gia mua bán" - ông Trần Đình Luân nói.

Nó về tác hại của loài tôm này, trao đổi với Vnexpress, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.

Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang. Nếu loài phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm, ông Tề cho biết.

GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái.

"Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn", GS Huỳnh nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Loài tôm càng đỏ phá hoại môi trường như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.