Thứ sáu, 29/03/2024 02:12 (GMT+7)

Mối hiểm họa khôn lường từ rác thải điện tử

MTĐT -  Thứ ba, 12/06/2018 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của ngành công ghệ thông tin thì rác thải điện tử cũng đang trở thành mối đe dọa của toàn cầu.

50 - 80% lượng rác thải điện tử được xuất khẩu sang các nước nghèo

Các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại... ngày càng đóng vai trò không thế thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhưng sau một thời gian hữu ích, các thiết bị này bị bỏ đi, trở thành rác thải. Vấn đề rác thải điện tử hiện đã đến mức báo động vì lượng rác quá lớn đang thải ra mỗi ngày trên thế giói.

Theo Cơ quan môi trường châu Âu (EEA), lượng rác điện tử thải ra trên thế giới là khoảng 40 triệu tấn/năm và loại rác thải này tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác khác. Một trong những lý do là lượng tiêu thụ loại sản phẩm này liên tục gia tăng, đặc biệt là ở các nước đông dân và đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, năm 2010, trong tổng số 710 triệu máy tính mới sản xuất trên thế giới, 178 triệu là ở Trung Quốc và 80 triệu ở Ấn Độ. Ngoài ra, do công nghệ thay đổi liên tục, vòng đời của các thiết bị điện tử sẽ ngắn hơn, vì thế, rác thải điện tử sẽ nhiều hơn. Chẳng hạn, theo Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), vòng đời của một chiếc máy tính đã giảm từ 6 năm xuống còn 2 năm; còn vòng đời của một chiếc ĐTDĐ là dưới 2 năm.

 Trong 5 năm, lượng rác thải điện tử tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi. Ảnh: Liu Aiguo - Imaginechina.

Các quốc gia có ngành công nghiệp điện tử phát triển nhất thế giới như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ôxtrâylia là các quốc gia thải nhiều rác điện tử nhất. Nhưng thay vì tái chế tại chỗ, các nước này lại chọn cách nhanh gọn hơn: xuất khẩu ra nước ngoài.

Phần lớn loại rác thải điện tử được xuất khẩu sang những quốc gia đang phát triển dưới dạng đồ cũ để bán lại hoặc tái chế. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, từ 50% -80% rác thải điện tử ở Mỹ được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.

Các nước phát triển không muốn tái chế rác thải điện tử mà lại xuất khẩu ra nước ngoài là vì như vậy vừa giảm chi phí xử lý vừa đỡ ô nhiễm môi trường. Theo Cơ quan môi trường Mỹ, việc xuất khẩu rác sang các nước đang phát triển sẽ giúp giảm 10 lần chi phí so vói việc tái chế đúng quy cách tại các nước này.

Mặt khác, việc tái chế hay tận thu linh kiện máy móc cũ ở các nước nghèo diễn ra dễ dàng hơn, tốn ít kinh phí hơn. Mặc dù, các nước công nghiệp tích cực tái chế máy tính và đồ điện tử song từ 50 - 80% lượng rác thu gom này là xuất khẩu sang các nước nghèo.

Châu Á vừa là nhà sản xuất, vừa nhà tiêu thụ đồ điện tử lớn nhất thế giới

Theo một nghiên cứu mới của Đại học LHQ đã xem xét tình trạng rác thải điện tử tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á gồm Campuchia, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam cho thấy, số lượng rác thải điện tử bị vứt bỏ trong khu vực này trong khoảng thời gian từ 2010-2015 đã tăng trung bình 63% sau 5 năm.

Chẳng hạn với Trung Quốc, trong 5 năm, lượng rác thải điện tử của nước này đã tăng hơn gấp đôi, đạt tới 6,7 triệu tấn. Nhưng Hong Kong, Singapore và Đài Loan là những nơi có lượng rác thải điện tử cao nhất tính theo trung bình đầu người.

Tại châu Âu và châu Mỹ, tỉ lệ "đóng góp" rác thải điện tử theo đầu người là 15,6 kg, trong khi đó tỉ lệ trung bình tính theo đầu người về rác thải điện tử của châu Á là 3,7kg.

Đáng chú ý, báo cáo này cũng cho biết, châu Á vừa là nhà sản xuất vừa là nhà tiêu thụ lớn nhất đồ điện tử. Mặc dù lượng rác thải này tăng một phần do nhu cầu người dùng tăng cao, nhưng cũng còn vì thời gian sử dụng sản phẩm ngày càng bị rút ngắn đi.

Đi cùng với xu hướng gia tăng về rác thải điện tử là xu hướng đổ bỏ các sản phẩm này bất hợp pháp hoặc đốt hủy các sản phẩm điện tử cũ.

Tất cả những cách làm này đều gây hậu quả môi trường vô cùng nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe con người khi các hóa chất độc hại và các kim loại nặng như chì và thủy ngân rò rỉ trong quá trình xử lý.

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Việc xử lý chất thải điện tử không kiểm soát mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất trồng và ô nhiễm nguồn nước

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm nguyên nhân gây ra mầm bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh...

Hoạt động tái chế rác thải điện tử vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để hạn chế những mối nguy hại mà rác thải điện tử gây ra, từ những năm 1980, Khối Liên minh châu Âu (EU) đã có quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý các rác điện tử. Chỉ thị ROSH của EU cũng quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu vào EU phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như: chì, thủy ngân, Ca-đi-mi (Cd), Crôm VI...

Tại Mỹ, có 20 bang và TP. New York có luật quản lý rác thải điện tử. Một số hãng sản xuất như: Apple, Dell, Hewlett-Packard, IBM và Sony đã áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng.

Còn Nhật Bản đẩy mạnh tái sử dụng và tái chế thiết bị điện, điện tử đã bị thải loại. Người tiêu dùng phải trả phí tái chế tại nơi xử lý rác thải điện tử.

Trong khi đó, tại Việt Nam đến nay, về mặt pháp lý, dòng chất thải điện tử vẫn chỉ được quản lý bởi các quy định chung về chất thải rắn và chất thải nguy hại. Công tác quản lý chất thải điện tử tại thành phố hoàn toàn chưa có sự tham gia của các nhà sản xuất, phân phối. Việc áp dụng các công cụ chế tài, đặc biệt là công cụ tài chính còn chưa hình thành. Phần lớn các cơ sở thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải hoạt động không có giấy phép, nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, quy mô nhỏ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Mối hiểm họa khôn lường từ rác thải điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.