Thứ tư, 24/04/2024 00:10 (GMT+7)

BVĐK huyện Quỳnh Phụ: Chi “tiền tỷ” để tập huấn, nhưng vẫn làm sai?

AN TRANG -  Thứ hai, 29/07/2019 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đã chi gần 1 tỷ đồng tập huấn cho cán bộ công nhân viên để phân loại, thu gom chất thải được đảm bảo. Thế nhưng, BVĐK huyện Quỳnh Phụ vẫn để xảy ra những vi phạm.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết: “BVĐK huyện Quỳnh Phụ: Tập huấn bài bản, nhưng thực hiện ra sao?”, liên quan đến công tác quản lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu.

Như đã thông tin, trong buổi làm việc ngày 24/7, ông Phạm Trọng Thứ - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Đặc biệt về Thông tư 58, sau khi dự án đi vào hoạt động chúng tôi đã mất gần 1 tỷ đồng tập huấn cho cán bộ công nhân viên để phân loại, thu gom chất thải được đảm bảo.

Kho lưu giữ chất thải y tế của BVĐK huyện Quỳnh Phụ.

Hệ thống này được nhiều đơn vị đến tham quan, Thông tư 58 đến cả kế toán bệnh viện còn thuộc vì chúng tôi tập huấn rất kỹ, bài bản. Kể cả BVĐK tỉnh Thái Bình cũng phải về đây để học cách chúng tôi tập huấn, đào tạo cho nhân viên. Chúng tôi tổ chức thi còn ngặt nghèo hơn cả thi đại học. Chính vì vậy có thể nói chúng tôi thực hiện đúng theo Thông tư 58”, ông Thứ nói thêm.

Với số tiền gần 1 tỷ đồng để tập huấn cho cán bộ công nhân viên và với câu trả lời “tự tin” của ông Thứ thì liệu công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện có thực sự đảm bảo đúng theo Thông tư 58 hay không?

Để có được câu trả lời, PV đã cùng với bà Trần Thị Liên – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn xuống ghi nhận thực tế tại nơi lưu giữ và xử lý chất thải của đơn vị.

Theo quan sát, Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ có ba kho lưu giữ gồm: kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại có nhà lạnh, kho lưu giữ chất thải y tế thông thường và kho lưu giữ chất thải tái chế.

Tại kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại, hàng chục túi màu vàng và có cả túi màu xanh đựng chất thải y tế nguy hại được vứt dưới nền chồng chéo lên nhau, các thùng chuyên dụng chất cao không thể đậy được nắp. Trong khi ông Thứ lại khẳng định rằng đơn vị đã làm đúng Thông tư 58, nhân viên được tập huấn bài bản, hệ thống xử lý không có vấn đề gì.

Dù được tập huấn bài bản, thế nhưng công tác lưu giữ chất thải y tế của BVĐK huyện Quỳnh Phụ vẫn chưa được đảm bảo.

Nhưng đến khi có vấn đề thì bà Liên lại lý giải: “Cái này là do mới đây xử lý chất thải theo cụm nên lượng rác nhiều, chưa có đủ thùng đựng, vừa rồi thì hệ thống xử lý đang có vấn đề nên chưa xử lý hết được”.

Tiếp đó, bà Liên dẫn PV đến khu vực bể cô lập, theo vị Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thì ba bể cô lập này một bể để chứa chất thải sắc nhọn lây nhiễm, một bể chứa chất thải giải phẫu còn một bể để chứa hóa chất. Hiện tại mới chỉ sử dụng một bể để chứa chất thải sắc nhọn lây nhiễm.

Ghi nhận của PV thì hiện nay bể này đã gần đầy, bên trong có cả dây truyền, bông băng dính máu, những đầu kim tiêm sắc nhọn được đựng trong túi nilon. Khi hỏi về việc vì sao có kho lưu giữ, có hệ thống xử lý mà vẫn phải sử dụng bể cô lập như vậy, bà Liên trả lời: Bên nhà cung cấp máy này họ bảo vẫn cho được vào để xử lý nhưng tỷ lệ ít thôi. Còn bên viện sức khỏe nghề nghiệp về lại bảo cho vào sẽ nhanh hỏng máy, bị mòn dao. Vì thê nên mới xây cái bể này, khi nào đầy thì đổ bê tông lên. Cơ quan chức năng qua cũng không nói gì cả.

Ông Thứ thì nói: "Chỉ để chất thải giải phẫu" còn bà Liên lại nói rằng: "Chỉ để chất thải sắc nhọn lây nhiễm".

Liên quan đến vấn đề này PV có yêu cầu bà Trần Thị Liên cung cấp hồ sơ dự án, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại bà Liên vẫn chưa cung cấp được.

Sau đó, bà Liên đưa PV đến khu vực bể cô lập tro sau khi xử lý. Tại đây, nắp bể mở do đó đã bị ngập nước, tro sau khi xử lý vẫn còn những đầu kim tiêm sắc nhọn chưa thể xử lý hết được. Xung quanh bể, xuất hiện rất nhiều tro sau khi xử lý được đổ ngay bên ngoài chứ không hề được chứa trong bể.

Bể chứa tro sau khi xử lý.

Trước thực trạng trên, bà Liên lại buông một câu “thiếu trách nhiệm”: “Tôi mới nhận nhiệm vụ này từ đầu năm 2019, nên cái tro đấy có từ lâu rồi có khi là từ hồi sử dụng lò đốt, tôi cũng không biết đâu”.

Một lượng lớn tro sau khi xử lý được đổ ngay bên ngoài bể chứa.

Như vậy, thông tin mà ông Thứ - Phó Giám đốc bệnh viện trao đổi trước đó với những gì mà PV ghi nhận thực tế cùng bà Liên - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thì sự thật lại không hề “hoàn hảo” đúng theo Thông tư 58 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù đã chi cả tiền tỷ để tập huấn cho nhân viên. Liệu ông Thứ có đi kiểm tra thực sự hay chỉ nghe “báo cáo” từ cấp dưới nên chưa phát hiện ra những tồn tại trong công tác lưu giữ và xử lý chất thải của đơn vị mình?

Video:

Hồ sơ quản lý chất thải, phía Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ đã cung cấp được: Nhật ký vận hành hệ thống xử lý chất thải, Thông báo kết quả kiểm định đầu ra của hệ thống xử lý chất thải, Hợp đồng thu mua chất thải y tế tái chế (tháng 1/2018), Giấy phép xả thải vào nguồn nước,...

Chưa cung cấp được hồ sơ cụ thể liên quan đến dự án xử lý chất thải y tế, kết quả quan trắc môi trường. Đặc biệt, về quan trắc nước thải theo bà Liên thì chỉ phải thực hiện 2 lần/năm.

Ở một diễn biến khác, trước đó vào tháng 12/2018, PV cũng đã ghi nhận được tình trạng tương tự như vậy. Vẫn là những túi đựng chất thải y tế nguy hại vứt lộn xộn dưới nền đất, cửa mở, một lượng lớn tro sau khi xử lý được đổ ra bên ngoài. Hơn nửa năm, lượng tro này vẫn nằm nguyên tại đó.

Ghi nhận của PV vào tháng 12/2018.

Có thể thấy, những tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ đã có từ trước. Sau hơn nửa năm vẫn chưa thấy có sự thay đổi tích cực hơn.

Hơn nửa năm, lượng tro này vẫn nằm nguyên tại đó.

Những lọ thuốc thủy tinh đốt chưa hết nằm trơ trên mặt đất.

Tồn tại này chỉ là vô tình trong ngày một ngày hai hay đã diễn ra suốt một thời gian dài? Liệu cơ quan chức năng có nắm được hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết BVĐK huyện Quỳnh Phụ: Chi “tiền tỷ” để tập huấn, nhưng vẫn làm sai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới