Thứ bảy, 20/04/2024 04:08 (GMT+7)

Các quy định về vệ sinh bệnh viện

Khắc Việt -  Thứ hai, 13/04/2020 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường bệnh viện tiềm ẩn rất nhiều loại bệnh, vì thế để đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn, các bệnh viện phải thực hiện đúng những quy định vệ sinh bệnh viện theo đúng quy định.

Cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, quy trình vệ sinh bệnh viện tại Việt Nam cũng cần tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định để đảm bảo mang đến không gian sạch đẹp, thoáng đãng cho người bệnh và y bác sĩ trong suốt quá trình làm việc và lưu trú tại bệnh viện

Theo Điều 11 Thông tư 16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, vệ sinh môi trường bệnh viện được quy định như sau:

1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra vệ sinh môi trường theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng môi trường nước, môi trường bề mặt, môi trường không khí cho từng khu vực theo quy định của Bộ Y tế và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Bố trí đủ nhà vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

3. Thực hiện diệt chuột, côn trùng định kỳ.

4. Người làm công tác vệ sinh môi trường tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có kiến thức về vệ sinh môi trường.

Tiến hành làm sạch các khu vực theo đúng trình tự

Bệnh viện là một trong những khu vực cần được vệ sinh một cách bài bản và chuyên nghiệp để loại bỏ và ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh. Do đó khi vệ sinh bệnh viện, người làm vệ sinh phải tuân thủ theo quy trình nhất định, không được làm một cách tự phát khiến không gian không được vệ sinh và khử trùng một cách hợp lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và y bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện. Để giúp các nhà quản lý bệnh viện có thể nắm bắt được quy trình vệ sinh bệnh viện đúng chuẩn tại Việt Nam, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin sau đây:

1. Quy định chung về vệ sinh ở bệnh viện


Các quy định vệ sinh môi trường bệnh viện bao gồm làm sạch, khử khuẩn môi trường luôn được chú trọng. Bởi những quy định đó sẽ giúp cho hiệu quả làm sạch đạt tối đa, đặc biệt là môi trường cần vô trùng như bệnh viện. 6 quy định về vệ sinh bệnh viện bao gồm:

1.1. Chuẩn bị phương tiện làm sạch

Các dụng cụ cần chuẩn bị theo quy định bao gồm: Giẻ lau, thau, chậu, xô, hóa chất các loại. Đối với công việc chuẩn bị phương tiện làm sạch cần đáp ứng các tiêu chuẩn:

Đảm bảo hoạt động của công cụ: Dụng cụ phải sạch, đảm bảo hoạt động tốt. Tránh sử dụng các công cụ, dụng cụ quá hạn, đặc biệt là hóa chất tẩy rửa.
Mỗi khu vực có phương tiện làm sạch riêng: Có sự tách biệt giữa các dụng cụ trong khu vực yêu cầu vô khuẩn/ khu vực cách ly.
Chuẩn bị giẻ lau: Giẻ lau phải chưa được sử dụng lần nào hoặc không dính hóa chất, chất tẩy rửa.

1.2. Hóa chất làm sạch, khử khuẩn

Có hai nhóm hóa chất cần chuẩn bị theo các quy định về vệ sinh bệnh viện:

Hóa chất dùng cho tẩy rửa: Điển hình của nhóm này là xà phòng hoặc các chất tẩy khác. Nhóm hóa chất này được sử dụng trong làm sạch bề mặt, sàn nhà thông thường - những khu vực không có nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Hóa chất dùng trong khử trùng: Nhóm hóa chất này được dùng chủ yếu trong khử khuẩn các thiết bị y tế có nguy cơ cao về ô nhiễm trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, các hóa chất khử khuẩn được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được sử dụng những loại có mặt trong danh mục cấp phép của Bộ Y tế.

Các loại hóa chất đều phải được lưu trữ trong các hộp, can dùng một lần, có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Tuyệt đối không tự ý bổ sung hóa chất mới vào những dụng cụ lưu trữ đã quá hạn hoặc đang trong thời gian sử dụng.

1.3. Trình tự làm sạch

Trình tự làm sạch phải đảm bảo quy định chung về tránh lây lan nguồn ô nhiễm từ các khu vực nhiều sang ít, cụ thể:

Khu vực ô nhiễm: Làm sạch từ khu vực có nguy cơ ô nhiễm ít nhất sang khu vực bị ô nhiễm nhiều.
Bề mặt tiếp xúc: Làm sạch từ bề mặt ít có sự tiếp xúc tời bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
Bề mặt cao, thấp: Làm sạch từ bề mặt cao xuống thấp, từ bên trong ra bên ngoài.

1.4. Kỹ thuật làm sạch

Theo nguyên tắc cơ bản của vệ sinh bệnh viện thì các nhân viên vệ sinh nên làm sạch từ nơi ít ô nhiễm tới nơi ô nhiễm nhất, từ bề mặt ít tiếp xúc tới tiếp xúc thường xuyên, từ cao tới thấp và từ trong ra ngoài. Cụ thể các quy định về vệ sinh bệnh viện này như sau:

Quy định về trình tự: Nhân viên vệ sinh cần làm sạch các rác bẩn có thể nhìn thấy bằng mắt thường trước. Sau đó, dùng hóa chất để làm sạch hoặc khử khuẩn tùy theo đặc trưng và yêu cầu của từng khu vực.
Quy định về thiết bị bảo vệ: Không dùng tay trần để thu dọn các rác thải sắc nhọn có thể gây tổn thương và lây nhiễm mầm bệnh. Đối với các rác thải loại này cần được thu gom và lưu trữ tại những vật dụng chắc chắn.
Quy định về hạn khuếch tán nguồn ô nhiễm: Nhân viên không sử dụng chổi tại phòng bệnh, văn phòng và không bật quạt trong quá trình loại bỏ bụi bẩn trước khi lau.

Quy định về giẻ lau: Nên lựa chọn loại khăn lau dùng một lần, nếu dùng lại thì khăn lau cần được giặt sạch lại. Tuyệt đối không nhúng khăn bẩn vào dung dịch làm sạch hoặc khử khuẩn. Giẻ lau của từng khu vực cần được tách biệt để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo giữa các khu.
Quy định về hóa chất: Lựa chọn hóa chất tẩy rửa, khử khuẩn theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tăng lượng hóa chất tại khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao. Thay lại nước dung dịch tẩy rửa khác khi bị vẩn đục hoặc tiếp xúc với dịch thể của người bệnh.

1.5. Tần suất làm sạch

Các quy định chung về tần suất làm sạch ở bệnh viện dựa trên tần suất tiếp xúc của bề mặt đó, cụ thể:

Những bề mặt có sự tiếp xúc thường xuyên: Thường cần được làm sạch ít nhất 1 lần/ ngày.
Những khu vực chăm sóc và điều trị thông thường: Được làm sạch với tần suất 2 lần/ ngày.

Khu vực vô khuẩn: Có tần suất làm sạch nhiều hơn tùy thuộc vào số lượng người bệnh tại khu vực này của bệnh viện đó.
Khu vực có dịch thể tràn ra bề mặt: Theo quy định, các vệt máu, nước tiểu, dịch tiết, chất nôn phải làm vệ sinh ngay khi bị bẩn.

1.6. Người thực hiện vệ sinh bệnh viện

Tùy vào bề mặt cần làm sạch mà người thực hiện cần có trình độ chuyên môn nhất định:

Với bề mặt thông thường: Người thực hiện có thể là nhân viên công ty vệ sinh công nghiệp hoặc hộ lý của bệnh viện.
Với các dụng cụ, thiết bị y tế: Điều dưỡng viên chịu trách nhiệm làm sạch bề mặt của thiết bị này.

Tuy nhiên, bất cứ đối tượng nào thực hiện công việc vệ sinh cũng cần phải được đào tạo bài bản. Trong khi thực hiện phải có thiết bị phòng hộ cá nhân theo quy định của từng bệnh viện. Ngoài 6 quy định chung về vệ sinh ở bệnh viện thì còn một số quy định riêng mà nhân viên cũng như quản lý cần tuân theo.

2. Quy định riêng vệ sinh bệnh viện tại một số khu vực đặc biệt

Quy định làm sạch khu vực phòng mổ

Có 6 khu vực sau đây sẽ có từng quy định vệ sinh riêng biệt. 6 khu vực đó bao gồm:

-Khu phẫu thuật
-Khu cách ly
-Phòng thí nghiệm
-Khu chạy thận nhân tạo thẩm tích máu trung tâm
-Vườn trẻ và các đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh
-Những khu vực chuyên biệt khác: Buồng vệ sinh liên quan đến người bệnh có nhiễm khuẩn; khu vực có máu, dịch tiết

2.1. Tại khu phẫu thuật

Khu phẫu thuật là khu vực đặc biệt, các quy định vệ sinh môi trường bệnh viện trong khu vực này rất khắt khe và chi tiết. Cụ thể:

Chuẩn bị phương tiện phòng hộ cá nhân: Nhân viên vệ sinh phải có phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp với từng khu vực cần được làm sạch như: quần áo riêng, mũ trùm một lần, khẩu trang y tế, dép riêng cho khu phẫu thuật... Các phương tiện cá nhân dùng một lần sẽ được loại bỏ sau khi kết thúc quá trình làm vệ sinh.

Chuẩn bị phương tiện làm sạch: Phương tiện làm sạch cho khu vực phẫu thuật, buồng hậu phẫu, khu hành chính và khu nhà vệ sinh phải được tách biệt riêng. Không sử dụng chéo phương tiện làm sạch giữa các khu vực.

Hóa chất làm sạch/khử khuẩn: Việc sử dụng hóa chất phải tuân thủ đúng nồng độ pha chế và hướng dẫn sử dụng của bệnh viện.

Tần suất làm sạch/khử khuẩn: Quy định vệ sinh bệnh viện cần tuân thủ tần suất làm sạch cho từng phòng riêng biệt:

Bề mặt tại buồng phẫu thuật: Cần vệ sinh trước ca mổ đầu tiên, giữa 2 ca phẫu thuật, sau ca phẫu thuật cuối cùng.

Bề mặt ngoài buồn phẫu thuật: (Buồng hành chính, buồng nhân viên, buồng hậu phẫu, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh…) và các bề mặt sàn nhà, thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cần được làm sạch 2 lần/ ngày và ngay khi bị bẩn.

Bề mặt các vị trí: (Cửa ra vào, cửa sổ, kho, tủ lạnh, tủ hấp, tủ sấy, máy làm đá khu vực để dụng cụ sạch...) cần được làm sạch hàng tuần.
Bề mặt của các thiết bị: (Trần nhà, quạt thông gió, tường trên cao, hệ thống thông khí, điều hòa nhiệt độ...) cần được làm sạch hàng tháng.

Quản lý chất thải: Đối với các loại chất thải từ khu phẫu thuật phải được thu gom, phân loại theo quy định và xử lý theo tiêu chuẩn riêng. Tuyệt đối không được tự ý tiêu thụ, sử dụng các loại rác thải Y tế.

2.2. Tại khu cách ly


Quy định làm vệ sinh trong bệnh viện tại khu cách ly bao gồm:

Chuẩn bị phương tiện phòng hộ cá nhân: Người làm sạch cần được chuẩn bị phương tiện phòng hộ cá nhân riêng bao gồm: quần áo, mũ, khẩu trang, dép… theo đúng tiêu chuẩn của khu vực cách ly. Các phương tiện phòng hộ cá nhân sau khi sử dụng cần được loại bỏ và thu gom theo đúng quy định.
Dụng cụ làm sạch: Các dụng cụ làm sạch của khu vực này tuyệt đối không được sử dụng để làm sạch cho các bề mặt khác ngoài khu vực cách ly.
Hóa chất làm sạch: Việc sử dụng hóa chất phải tuân thủ đúng nồng độ pha chế và hướng dẫn sử dụng của bệnh viện.

Kỹ thuật làm sạch: Đây là quy định vệ sinh bệnh viện quan trọng. Việc phân loại rõ từng khu vực sẽ giúp hoàn thiện kỹ thuật làm sạch.

Các màn ngăn cách giường bệnh, cửa sổ hoặc màn ngăn giữa các vòi hoa sen cần được loại bỏ trước khi làm sạch.

Các vật dụng như xà phòng tắm, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh, bàn chải cọ rửa khu vệ sinh… cần được kiểm tra và bổ sung thường xuyên.

Đóng kín cửa buồng cách ly trong quá trình làm vệ sinh.

Các thiết bị, vật dụng trong phòng cách ly trước khi được xử lý lại hoặc loại bỏ cần phải được khử nhiễm.

Tần suất làm sạch:

Bề mặt sàn nhà, các loại trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cần được làm sạch 2 lần/ngày và ngay khi bị bẩn.
Các loại dép, bốt sử dụng trong khu vực cách ly cần được cọ sạch với xà phòng, làm khô và đặt đúng nơi quy định sau 1 lần/ngày làm việc.

Khi người bệnh ra viện hoặc tử vong: Toàn bộ bề mặt trong khu vực cách ly cần được khử khuẩn và làm sạch bằng các loại hóa chất theo đúng quy định.

2.3. Tại phòng thí nghiệm

Để đảm bảo an toàn, tại khu vực phòng thí nghiệm của mỗi bệnh viện cần có “Hướng dẫn an toàn sinh học phòng thí nghiệm bắt buộc”. Việc thực hiện đúng quy trình vệ sinh tại phòng thí nghiệm giúp ngăn chặn tình trạng lưu trữ và phát tán tác nhân ô nhiễm do quá trình thực hiện thí nghiệm hàng ngày sinh ra.

Các quy định về vệ sinh tại phòng thí nghiệm bệnh viện bao gồm:

Trang phục: Trang phục tại phòng thí nghiệm phải được cất giữ riêng tránh tiếp xúc với quần áo hàng ngày của nhân viên làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Áo choàng: Với áo choàng mặc trong phòng thí nghiệm thường bị nhiễm nhiều chất ô nhiễm nên phải được khử khuẩn vào cuối ngày hoặc khi bị bẩn bởi bệnh phẩm trước khi đem giặt.

Rác thải: Các rác thải, chất thải y tế và rác thải bén nhọn phải được thu dọn vào trong thùng hộp chuyên dụng. Các phương tiện vệ sinh như: xà phòng, khăn giấy, chất chà tay phải được thay thế bằng các loại có chứa cồn để tăng khả năng kháng khuẩn.

2.4. Khu chạy thận nhân tạo thẩm tích máu trung tâm

Các thiết bị dụng cụ trong một buồng chạy thận nhân tạo thường bao gồm: giường, ghế thẩm phân, máy chạy thận và các bộ phận liên quan. Những thiết bị, dụng cụ này có thể bị ô nhiễm bởi máu và dịch cơ thể của người bệnh và thông qua đó lây nhiễm cho người khác. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, các nhân viên y tế và người bệnh cần thực hiện vệ sinh bàn tay sạch sẽ trước khi tiến hành thực hiện các công việc khác.

Các quy định về sử dụng sản phẩm, dụng cụ bao gồm:

Sử dụng 1 lần: Chỉ được sử dụng một lần cho một người bệnh hoặc phải được làm sạch, khử khuẩn đúng theo quy định trước khi sử dụng cho các người bệnh khác.

Đảm bảo an toàn tối đa: Tuyệt đối không sử dụng các dụng cụ ô nhiễm chưa được vệ sinh đúng quy trình vào một buồng chạy thận nhân tạo.

Chú ý bên ngoài máy chạy thận: Phía bên ngoài của máy chạy thận nhân tạo là các bề mặt có nguy cơ ô nhiễm nặng nhất với các virus và vi khuẩn từ máu người bệnh.

Tần suất vệ sinh thường xuyên: Vệ sinh môi trường phải được thực hiện thường xuyên tại buồng chạy thận nhân tạo và khu vực làm thẩm phân máu.

Làm vệ sinh tại khoa huyết học

Các quy định về làm vệ sinh trong bệnh viện tại khu chạy thận khác cần chú ý:

Với những vật liệu không thể khử nhiễm sau khi sử dụng trong buồng chạy thận nhân tạo cần được hạn chế sử dụng.

Các thiết bị đã qua sử dụng cho người bệnh cần được khử khuẩn trước khi đưa sang khu vực sạch thông thường hoặc sử dụng cho người bệnh khác.

Các dụng cụ như xà phòng, cồn sát khuẩn tay, khăn giấy, cần được thay thế.

Các bề mặt như: giường, ghế, bàn, mặt ngoài của máy chạy thận cần được làm sạch với chất khử khuẩn theo đúng quy định.

2.5. Vườn trẻ và các đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh

Vườn trẻ và khu chăm sóc trẻ sơ sinh có các vị trí cần đặc biệt lưu ý trong quá trình làm vệ sinh bao gồm: các giường cách ly, lồng ấp cho trẻ, nôi của trẻ và dụng cụ trong vùng lân cận liên quan với trẻ sơ sinh.

Quy định về vệ sinh khu vườn trẻ tại bệnh viện bao gồm:

Đảm bảo đúng quy trình vệ sinh cho trẻ tại lồng ấp cưng như môi trường xung quanh trẻ sơ sinh

Đảm bảo khu vực bảo quản sữa bao gồm tủ lạnh, tủ đá cần có lịch trình vệ sinh thường xuyên và không lưu trữ chung với mẫu thực phẩm, mẫu vật hoặc thuốc khác.

Đảm bảo các hóa chất khử khuẩn sử dụng trong khu vực này cần đảm bảo không gây mùi, không kích ứng hô hấp để đảm bảo an toàn cho các bé sơ sinh.
Đảm bảo tần suất kiểm tra làm sạch hoặc thay thế các bộ lọc mỗi 3 tháng/ lần.

2.6. Những khu vực chuyên biệt khác

Những khu vực chuyên biệt như khu vực có người nhiễm khuẩn, khu vực có máu, dịch tiết cần đặc biệt được lưu ý khi làm vệ sinh để tránh tình trạng lây nhiễm.

Trong quá trình vệ sinh cần phải tuân thủ các quy định:

Bắt buộc vệ sinh ngay sau khi bị các vết bẩn sinh học (máu, dịch...) tránh lây lan sang khu vực khô và sạch.

Cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ cá nhân như găng tay y tế, áo choàng, bảo vệ mặt để ngăn chặn sự tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết

Sử dụng các dụng cụ như khăn lau 1 lần hoặc thiết bị chuyên biệt để thu dọn và xử lý sự cố tràn dịch sinh học.

Các vật liệu thu gom và chứa thải cần được cách ly trong khu vực riêng và xử lý theo đúng quy trình.

Quá trình vệ sinh cần được thực hiện nhẹ nhàng để tránh bị bắn tung tóe hoặc ngưng tụ trong quá trình xử lý.

3. Quy định về giám sát, kiểm tra chất lượng vệ sinh môi trường

Việc giám sát, kiểm tra chất lượng vệ sinh môi trường phải được thực hiện bởi các nhân viên có kiến thức chuyên môn và được đào tạo. Kết quả của kiểm tra sau khi được tổng hợp và phân tích phải được phản hồi cho nhân viên vệ sinh và nhà quản lý để có kế hoạch cải tiến sai sót.

Các hình thức giám sát thường thấy nhất, bao gồm:

Quan sát trực tiếp: Các đánh giá thực tế được cập nhật trên bảng kiểm. Thông qua bảng kiểm có thể đánh giá phần nào về chất lượng vệ sinh môi trường tại đây. Việc giám sát có thể thực hiện hằng ngày, tuần, tháng định kỳ hoặc đột xuất. Sau khi kiểm tra bảng kiểm, nhân viên giám sát phải có sự tổng kết, đánh giá sau đó phản hồi để cải tiến chất lượng vệ sinh môi trường tốt hơn.
Sử dụng máy đánh dấu và phát hiện bụi, bẩn: Với cấu tạo bộ phận đèn huỳnh quang phát sáng giúp phát hiện vị trí có nhiều bụi bẩn và các chất bẩn hữu cơ. Nhân viên giám sát sử dụng các chất đánh dấu làm phát sáng ở những vị trí quan trọng, sau đó sử dụng đèn huỳnh quang, đèn UV chiếu vào những nơi có chất đánh dấu để kiểm tra độ sạch của khu vực này. Việc này thường làm đột xuất hoặc khi có yêu cầu.

Nuôi cấy vi sinh: Hoạt động này giúp xác định chính xác vi khuẩn lấy có trên bề mặt, không khí hay nguồn nước, máy móc và các phương tiện chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Việc kiểm tra bằng phương pháp nuôi cấy vi sinh chỉ được khuyến cáo định kỳ cho những vị trí có nguy cơ ô nhiễm cao như phòng phẫu thuật hay khi nghi ngờ có ô nhiễm trong các khoa phòng của bệnh viện.

Người giám sát thông qua phiếu kiểm tra để đánh giá chất lượng vệ sinh trong bệnh viện

Việc tuân thủ các quy định vệ sinh bệnh viện trên sẽ đảm bảo cho bệnh viện có được môi trường sạch sẽ, thoáng mát, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, đặc biệt là để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện./.

Bạn đang đọc bài viết Các quy định về vệ sinh bệnh viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...