Thứ tư, 24/04/2024 03:30 (GMT+7)

Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ 'quy' trách nhiệm cho nhân viên (Kỳ 3)

NHÓM PV -  Thứ năm, 02/05/2019 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ cho rằng, bị thiếu hồ sơ liên quan đến thủ tục môi trường và quản lý chất thải y tế là do bộ phận thường trực không đề xuất lên lãnh đạo.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có đăng tải bài viết “TTYT Phúc Thọ thừa nhận buông lỏng quản lý chất thải y tế (Kỳ 1)”“TTYT Phúc Thọ: Hoạt động 7 năm vẫn thiếu hồ sơ về môi trường (Kỳ 2)” phản ánh về những bất cập trong công tác quản lý chất thải y tế không chỉ về lưu giữ chất thải y tế nguy hại mà còn thiếu một số hồ sơ liên quan đến các thủ tục môi trường và quản lý chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ.

Công tác lưu giữ chất thải y tế nguy hại tại TTYT huyện Phúc Thọ còn nhiều bất cập.

Như đã thông tin, nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại không có biển cảnh báo, cửa không khóa, xung quanh cỏ mọc um tùm. Những túi nilon màu xanh, đen, vàng đựng chất thải y tế nguy hại đặt dưới nền đất trước cửa kho, thùng đựng chất thải nguy hại đang bị côn trùng xâm nhập.

Hơn nữa, dù Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có Đề án bảo vệ môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường, không có sổ đăng ký chủ nguồn thải. Còn Phòng khám đa khoa Ngọc Tảo thuộc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng lại chưa hoàn tất Đề án bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước đồng thời chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/4, PV đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Trịnh Thế Hưng – Giám đốc trung tâm.

Ông Hưng cho biết: “Cơ bản bây giờ chúng tôi chỉ xử lý chất thải rắn thôi, Phòng khám đa khoa Ngọc Tảo có chất thải lỏng y tế nhưng cũng đã có hệ thống xử lý nước thải rồi, còn đầu ra (Giấy phép xả thải vào nguồn nước) là chưa làm. Thứ nhất, quan điểm của tôi bây giờ làm thì cũng chưa có gì để làm, đầu vào còn ít. Vì hiện tại phòng khám này chưa được phê duyệt nhiều các danh mục kỹ thuật liên quan đến nước thải y tế, chủ yếu là nước thải sinh hoạt thôi. Chúng tôi cũng muốn khi nào lượng nước đầu vào nhiều thì sẽ làm một thể để đỡ mất nhiều tiền

Nếu chỉ để đối phó khi có đoàn vào kiểm tra có đảm bảo hay không thì tôi cũng chẳng ngại về việc đấy, nhưng về nguyên tắc thì vẫn phải đảm bảo nước thải theo quy định của Sở”, ông Hưng nói thêm.

Phòng khám đa khoa Ngọc Tảo có chất thải lỏng y tế nhưng cũng đã có hệ thống xử lý nước thải rồi, còn  đầu ra (Giấy phép xả thải vào nguồn nước) là chưa làm.

Trước tình trạng nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại chưa đảm bảo, ông Hùng khẳng định: “Qua phản ánh tôi sẽ chấn chỉnh lại các cán bộ phụ trách quản lý chất thải của trung tâm. Từ việc phân loại, thu gom, lưu giữ hay vận chuyển cũng phải đảm bảo cho đúng quy định. Tôi sẽ kiểm tra thực tế, vì đã giao cho bên kế hoạch nghiệp vụ và tổ chức hành chính quản lý. Còn để xảy ra tình trạng như thế tức là cán bộ đấy chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Còn về việc thiếu một số hồ sơ về thủ tục môi trường và quản lý chất thải, bà Trang – Nhân viên Phòng Kế hoạch nghiệp vụ lý giải: “Do thiếu kinh phí nên chưa hoàn thiện các hồ sơ”. Phía Giám đốc trung tâm đưa ra ý kiến: “Từ trước đến nay, bộ phận thực hiện quy chế chuyên môn về vệ sinh môi trường chỉ thấy đề xuất làm hợp đồng xử lý chất thải y tế nguy hại chứ còn các hồ sơ như đề án bảo vệ môi trường hay đăng ký chủ nguồn thải thì không thấy trình lên. Tôi sẽ xem xét lại về vấn đề này”.

Ông Trịnh Thế Hưng cũng cho hay: “Kinh phí có hay không là việc của lãnh đạo, lãnh đạo sẽ phải có hướng đề xuất với sở để xin kinh phí. Các hồ sơ cần phải làm là việc mà nhân viên phải đề xuất, còn kinh phí ở đâu không phải trách nhiệm của nhân viên. Do bộ phận thường trực không đề xuất lên lãnh đạo nên không biết. Một phần do cán bộ không cảm thấy được sự cấp bách nên chủ quan”.

Như vậy, theo vị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ thì việc chưa hoàn thiện một số giấy tờ liên quan đến thủ tục môi trường và quản lý chất thải của đơn vị là do bộ phận thường trực không đề xuất lên. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là gì? Phải chăng ông Hưng đang đổ trách nhiệm cho cấp dưới mà quên đi trách nhiệm của chính mình?

Theo quy định của pháp luật, trường hợp không có Đề án bảo vệ môi trường, Sổ đăng ký chủ nguồn thải, Giấy phép xả thải vào nguồn nước và Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ sẽ bị xử lý như thế nào?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin trong kỳ tiếp theo.

Điều 23, Thông tư 58 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tráchnhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế: 

Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật liên quan khác; Phân công 01 lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở; Lập và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này (trừ trường hợp cơ sở y tế tự thực hiện xử lý chất thải y tế). 

Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan. Hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan; Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Bạn đang đọc bài viết Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ 'quy' trách nhiệm cho nhân viên (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới