Thứ sáu, 19/04/2024 01:55 (GMT+7)

Sở Y tế, sở TN&MT Hà Nội có 'cưỡi ngựa xem hoa' khi đi kiểm tra?

NHÓM PV -  Thứ năm, 30/05/2019 08:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều trung tâm y tế cho rằng rất quan tâm đến vấn đề quản lý rác thải y tế, lãnh đạo và các bộ phận phụ trách khẳng định thường xuyên kiểm tra sát sao thế nhưng vẫn để xảy hàng loạt vi phạm.

Thời gian gần đây, qua khảo sát và ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận thấy một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế. Công tác tuyên truyền phổ biến, quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên chưa được thường xuyên. Lãnh đạo nhiều cơ sở y tế chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất thải.

Hàng loạt vi phạm về quản lý chất thải y tế

Không có nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại hoặc có nhưng không đảm bảo theo quy định, thời gian lưu giữ chất thải không đảm bảo là thực trạng chung của Phòng khám đa khoa Bà Triệu (thuộc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng), Phòng khám 36 Ngô Quyền (thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm), Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh, Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín và Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ.

Hàng loạt TTYT vi phạm về quản lý chất thải y tế.

Tại Phòng khám đa khoa Bà Triệu mặc dù đi vào hoạt động từ rất lâu nhưng đến nay nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại vẫn chưa có mà chỉ lưu giữ tạm thời dưới gầm cầu thang. Còn tại Trung tâm Y tế huyện Thường Tín với lý do chờ dự án xây mới phòng khám nên chất thải y tế nguy hại của đơn vị chỉ được cho vào thùng chuyên dụng màu vàng và lưu giữ ngoài trời.

Cũng tương tự, tại Phòng khám đa khoa khu vực Xuân Mai thuộc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại là khu vực hành lang gần khu điều trị Methadon.

Nhiều trung tâm y tế có nơi lưu giữ, có bố trí các thùng chuyên dụng màu vàng nhưng vẫn để chất thải y tế nguy hại dưới nền đất. Kho lưu giữ, các thùng chuyên dụng không được vệ sinh thường xuyên, cửa kho không khóa không có biển cảnh báo điển hình như tại Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, nhiều túi nilon đựng chất thải y tế nằm lẫn lộn trong đống đồ để dưới chân cầu thang suốt một thời gian dài nhưng lãnh đạo đơn vị và cả cán bộ nhân viên đều không hay biết cho đến khi PV phản ánh.

Đặc biệt, sau nhiều lần liên hệ làm việc đến nay PV vẫn chưa có buổi làm việc chính thức với Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức.

Nhiều cơ sở y tế còn chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, không có nhà lưu giữ chất thải hoặc có nhưng không đảm bảo.

Đáng buồn hơn đó là tình trạng tại Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, rõ ràng đơn vị này có kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại, thế nhưng lại không sử dụng mà lại lưu giữ chất thải y tế nguy hại ở một góc của nhà đề xe. Các túi chất thải nguy hại và hộp an toàn vứt ngổn ngang dưới nền đất suốt nhiều ngày.

Để xảy ra tình trạng này theo ông Đào Xuân Long – Giám đốc trung tâm cho rằng: “Là do sơ ý thôi chứ không phải thường xuyên”.

Cũng tương tự, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh có nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại nhưng nhiều lần PV “mục sở thị” tại đây lại thấy các thùng đựng chất thải y tế nguy hại được để ngoài trời ngay nơi lưu giữ.

Ông Bùi Trí Thuật – Phó Giám đốc trung tâm (phụ trách quản lý chất thải) nhưng lại rất “mơ hồ” trước những câu hỏi của PV liên quan đến công tác quản lý chất thải của đơn vị. Hơn nữa, đến nay ông Thuật vẫn chưa cung cấp được bất cứ hồ sơ tài liệu nào liên quan đến môi trường và luôn có những lý do đến “né” cung cấp.

Thiếu hồ sơ về môi trường

Hiện nay, nhiều trung tâm y tế không chỉ vi phạm trong công tác lưu giữ chất thải y tế nguy hại mà còn thiếu nhiều hồ sơ về môi trường.

Điển hình như tại Phòng khám 36 Ngô Quyền thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ dù đi vào hoạt động đã lâu nhưng đến nay vẫn không có Đề án bảo vệ môi trường.

Nhiều trung tâm y tế còn không có hồ sơ về môi trường.

Hoặc những đơn vị có Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên trên thực tế lại không thực hiện đầy đủ và đúng với nội dung đã đề cập, cam kết trong đề án.

Như Phòng khám đa khoa Bà Triệu cam kết xây dựng nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại xong trong tháng 7/2013, đến thời điểm PV ghi nhận tháng 3/2019, đơn vị này vẫn lưu giữ chất thải y tế dưới gầm cầu thang.

Hay Trung tâm Y tế huyện Thường Tín, trong Đề án bảo vệ môi trường có đề cập đến phương án lưu giữ chất thải: Các chất thải nguy hại được để vào thùng nhựa đặt trong nhà chứa rác của bệnh viện, có mái che, có tường bao, có cửa khóa, có biển cảnh báo chất thải nguy hại. Vị trí nhà để rác thải được để khu riêng tách biệt với khu vực phòng khám và các phòng làm việc, diện tích nhà để chất thải thông thường là 10m2 và nhà để chất thải nguy hại là 10m2. Nhưng đến thời điểm hiện tại theo ghi nhận của PV thì không hề có kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại nào mà chỉ được lưu giữ ngoài trời.

Qua các hồ sơ về môi trường mà các trung tâm y tế cung cấp, PV nhận thấy nhiều đơn vị chưa thực hiện quan trắc môi trường nước thải định kỳ. Phòng khám 36 Ngô Quyền thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đi vào hoạt động đã lâu nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chỉ được xử lý bằng Cloramin B, đơn vị này cũng chưa thực hiện quan trắc nước thải từ khi hoạt động cho đến nay.

Còn Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai, Phòng khám đa khoa Bà Triệu, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín và Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ năm 2018 chỉ thực hiện quan trắc nước thải 1-2 lần/năm.

Buông lỏng quản lý?

Nhiều trung tâm y tế, bệnh viện cho rằng rất quan tâm đến vấn đề môi trường nói chung và quản lý rác thải y tế nói riêng, lãnh đạo và các bộ phận phụ trách khẳng định thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sát sao thế nhưng vẫn để xảy ra những tình trạng đáng buồn nêu trên.

Đối với các trung tâm y tế, bệnh viện thì Sở Y tế Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều có đợt thanh, kiểm tra.

Đây cũng là trách nhiệm của Sở Y tế và Sở Tài nguyên & Môi trường theo quy định trong Thông tư 58  của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, qua các cuộc thanh tra của hai sở trên, những sai phạm trong công tác quản lý rác y tế tại các đơn vị trên không được phát hiện để khắc phục cũng như xử lý?.

Thậm chí hồ sơ về môi trường bị thiếu, không đầy đủ nhưng cũng không một đơn vị nào bị xử phạt hành chính mà chỉ đơn giản là “nhắc nhở”.

Hàng loạt những vi phạm tại nhiều trung tâm y tế, khiến cho dư luận hoài nghi và đặt ra câu hỏi: Phải chăng hình thức kiểm tra, quản lý rác thải y tế từ chính cơ sở cho đến cơ quan chức năng đang theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?

Vì sao các trung tâm y tế vi phạm Luật bảo vệ môi trường nhưng không bị xử phạt? Sở Y tế, Sở TN&MT Hà Nội có đang “nhẹ tay” trong việc xử lý các sai phạm tại các trung tâm y tế?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Sở Y tế, sở TN&MT Hà Nội có 'cưỡi ngựa xem hoa' khi đi kiểm tra?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.