Thứ bảy, 20/04/2024 17:24 (GMT+7)

Ngày Trái đất có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Trái đất (22/4) ra đời cách đây hơn 40 năm có ý nghĩa đặc biệt, là một ngày được dùng để truyền cảm hứng cho nhận thức và đánh giá cao môi trường tự nhiên của Trái Đất.

Ông John McConnell, người đề xướng Ngày Trái Đất, đã vận động cử hành tôn vinh Trái đất ngày 21/03/1970. Thành phố San Francisco của Mỹ (có nghĩa là thành phố của Thánh Francis - thánh chủ của môi trường) đã hưởng ứng, công bố ngày 21/3/1970 là Ngày Trái đất, và sau đó Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc U Thant đã công bố đó là Ngày Trái đất Quốc tế. Đó là ngày mùa đông chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới.

Nhưng sau này một bộ phận đông đảo những nhóm hàng năm cử hành Ngày Trái đất tin tưởng sau ngày Chúa Phục sinh mới thật sự là Ngày Trái đất, và họ cử hành vào ngày 22/4 hàng năm.

Ngày Trái đất thứ hai do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, phát động vào ngày 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia.

Đó là ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống.

Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như: tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Là cha đẻ của Ngày Trái đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn".

Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ.

Năm 1995, 15 năm sau khi về hưu, Nelson được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do cho những nỗ lực của ông trong công tác môi trường. Ông qua đời ngày 3/7/2005.

Hiện nay, Ngày trái đất không chỉ là một sự kiện quốc gia mà đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, diễn ra không chỉ trong một ngày, mà trọn vẹn cả tuần.

Năm 2019 đánh dấu tròn 10 năm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận ngày 22/4 hàng năm là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day), hay Ngày Trái Đất (Earth Day).

Giữa bối cảnh các nhà khoa học thế giới liên tục cảnh báo những hệ quả khó lường của biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, Ngày Trái đất 2019 tựa như hồi chuông cảnh tỉnh con người biết nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên Trái Đất, từ đó, trân trọng và bảo vệ những gì mà chúng ta đang có trên hành tinh này.

Tại Việt Nam, ngày 20/4 vừa qua, tại khu vực số 2 đường Lê Thái tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội diễn ra chương trình hưởng ứng Ngày trái đất 2019 với chủ đề “Vì một thế giới không rác thải”. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, UBND quận Hoàn Kiếm và Tập đoàn Coca - Cola tổ chức.

Tại Việt Nam, quản lý rác thải sinh hoạt đang trở nên thách thức với số lượng rác thải sinh hoạt tăng lên gấp 2 lần trong 15 năm qua. Theo thống kê trong năm 2015 lượng rác thải sinh hoạt trên thế giới tăng tới 27,1 triệu tấn/năm và mỗi năm tăng khoảng 5%, dự đoán có thể đạt tới 54 triệu tấn vào năm 2030. Với sự đô thị hóa ngày càng nhanh, tới năm 2025 trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 1,6 kg rác/ngày.

Đặc biệt, thành phần rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề của toàn cầu. Đối với Việt Nam mức tiêu thụ nhựa bình quân của mỗi người tăng từ 3,8 kg/người/năm 1990 lên 41 kg/người/năm 2015. Rác thải nhựa chiếm 13-16% trong rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải nhựa ngày càng tăng, nhưng phần lớn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, một lượng lớn bị thải ra các dòng sông và dần đi ra biển.

Theo dự báo của các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi và nếu chúng ta không hành động, vào năm 2050 các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá. Ngày Trái Đất 22/4 hàng năm là sự kiện môi trường được tổ chức trên toàn Thế giới, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ hành tinh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ngày Trái đất có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất