Thứ sáu, 29/03/2024 18:06 (GMT+7)

Báo động ô nhiễm bởi xe cơ giới tăng nhanh

MTĐT -  Thứ ba, 04/06/2019 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Con số này ở TP. HCM cũng đáng lưu tâm.

Báo động đỏ ô nhiễm không khí

Số liệu thống kê phương tiện xe cơ giới tại TP. Hồ Chí Minh từ Sở Giao thông Vận tải cho thấy, năm 2010, thành phố có khoảng 4,5 triệu xe máy và 420 nghìn ôtô, đến năm 2017 con số này là 7,5 triệu xe máy và 790 nghìn ôtô. Dự báo vào năm 2020, lượng phương tiện tăng khoảng 30% với khoảng chín triệu xe máy và gần 800 nghìn ôtô. Trong khi đó, có hàng triệu xe gắn máy, nhất là xe đã quá hạn sử dụng, xe tự chế cùng với các loại ôtô, xe tải lưu thông thải khí độc và gây bụi làm ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng không khí, phát thải lượng lớn khí nhà kính vào môi trường.

TP. HCM có lượng xe lớn, phát thải khí nhà kính vào môi trường.

Thống kê cũng cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính theo bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh là 4,2 tấn CO2 tương đương, cao nhất trong mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông đô thị, góp phần giảm phát thải khí nhà kính đang là vấn đề môi trường cấp bách đối với thành phố.

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện thải ra môi trường các chất như bụi, khí CO, CO2, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… Kết quả đo đạc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, nồng độ khí CO, CO2, NO2, hạt bụi lơ lửng PM10 có xu hướng tăng ở một số trạm đo.

Theo các chuyên gia y tế, người dân hít phải lượng khói, bụi từ hoạt động của xe cộ về lâu dài có thể dẫn đến ung thư hoặc mắc những bệnh về đường hô hấp... Đặc biệt, người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.

Nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động giao thông, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục đầu tư các phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, với khoảng 841 xe sử dụng khí CNG, hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá.

Một số giải pháp khác cũng được đặt ra để nghiên cứu cụ thể như: lập dự án thu phí ô-tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, với mức phí bảo đảm để tác động giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố; lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành; xây dựng mức phí đậu xe khu vực trung tâm phù hợp nhằm hạn chế việc đậu xe. Mặt khác, rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xe công theo quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi xe sử dụng không đúng quy định; rà soát các quy định về hạn chế và cấp phép cho ôtô vận tải lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ xe máy, ôtô

Đầu tháng 3/2019, Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Dựa trên chỉ số lượng bụi siêu vi PM2.5 trong không khí, Hà Nội đứng thứ hai ở Đông Nam Á và 12 thế giới về mức độ ô nhiễm.

Việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giảm thiểu bụi nguy hại, cải thiện chất lượng không khí.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cảnh báo, bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.

Chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình của Hà Nội là 40,8µg/m3, cao gấp 1,6 quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp 4 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3). "Hơn 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ xe máy, ôtô, phần còn lại đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh", ông Đăng nói.

Trên cơ sở quan trắc, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng cho rằng, diễn biến nồng độ bụi tại thủ đô biến động do hoạt động giao thông. Cụ thể, bụi tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm sáng 7-8h và chiều 18-19h, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa 13-14h và ban đêm 23h-1h.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc đầu năm 2019 cho thấy, không khí có xu hướng xấu đi vào các tuần sát Tết, khi lưu lượng giao thông tăng cao; sau đó tốt hơn vào dịp trong và sau Tết.

Từ kết quả 10 trạm quan trắc của đơn vị, ông Thái đánh giá chất lượng không khí Hà Nội trong năm 2018 đã cải thiện so với 2017. Ông dẫn chứng, chỉ số chất lượng không khí ở mức "xấu" ghi nhận tại trạm Trung Yên 3 (khu vực dân cư) và Minh Khai (khu vực giao thông) trong năm 2017 lần lượt là 0% và 0.3%. Trong năm 2018 tại cả hai trạm này không có ngày nào chạm mức "xấu".

"Thành phố cần phát triển phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt. Việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giảm thiểu bụi nguy hại, cải thiện chất lượng không khí", ông Thái nhấn mạnh.

Hà Nội có 5,8 triệu xe máy, 0,7 triệu ôtô và khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên đi trên địa bàn. Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND thành phố thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó, thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.
Bạn đang đọc bài viết Báo động ô nhiễm bởi xe cơ giới tăng nhanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới