Thứ sáu, 19/04/2024 19:46 (GMT+7)

Cần Giờ và những giá trị không thể đánh mất

MTĐT -  Thứ tư, 28/04/2021 10:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những giá trị chiến lược của Cần Giờ có tính chất nằm ngoài những tính toán về kinh tế, và gần như rất dễ bị tổn thương nếu sự phát triển kinh tế có tính ngắn hạn hoặc không bền vững.

Xét xuyên suốt lịch sử, chúng ta có thể thấy Cần Giờ không phải chỉ có thể đóng góp cho TP.HCM ở khía cạnh kinh tế mà quan trọng hơn và trước hết, Cần Giờ mang đến cho thành phố những giá trị lớn và có ý nghĩa lâu dài.

Lá phổi xanh của TP.HCM

Cần Giờ được xem là “lá phổi xanh” của TP.HCM. Điều này không phải chỉ có tính chất tượng trưng mà là một giá trị rất thực. Có thể nói, trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, thì rừng ngập mặn Cần Giờ là khu vực có một quần thể thực vật đa dạng sinh học vào bậc nhất. Vì điều đó mà năm 2000, khu rừng này đã được tổ chức UNESSCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ  đảm bảo cho khả năng làm sạch và tái tạo môi trường của một vùng rộng lớn. Ảnh: Anh Tân

Nơi đây có trên 150 loài thực vật, bao gồm các loài chủ yếu như bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi – bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng… và các loại thực vật nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng… Thảm cỏ biển với các loài ưu thế về sinh học. Ngoài ra, một phần là đất canh tác nông nghiệp với lúa, khoai, các loại đậu, dừa, vườn cây ăn trái… Môi trường này cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, trong đó có những loài quý hiếm.

Với những tiềm năng về tự nhiên, sinh vật như vậy, đây là địa điểm lý tưởng phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ ngơi... Quan trọng hơn hết, với mảng xanh của mình, Cần Giờ đã đảm bảo cho khả năng làm sạch và tái tạo môi trường cho một vùng rộng lớn, đặc biệt là cho TP.HCM.

Cần Giờ được gọi là “lá phổi xanh” chính nhờ khả năng này. Và đây là một giá trị mang tính nuôi dưỡng đời sống trong lành, nuôi dưỡng sự cân bằng sinh thái cho một thành phố năng động, vốn trong sự phát triển của nó đã có những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với môi trường.

Cửa ngõ ra biển, lá chắn an ninh quốc phòng

Hiện tại, Cần Giờ là huyện ngoại thành của TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 60km về phía đông nam, và là cửa ngõ ra Biển Đông của thành phố và cũng là của cả Đông Nam bộ.

Tuy Cần Giờ không trực tiếp tham gia vào những hoạt động kinh tế lớn của thành phố, nhưng Cần Giờ có thể và thực sự có thể được coi như vùng trung chuyển về giao thông hàng hải (đường sông và đường biển) cho thành phố. Những con sông lớn bao quanh Cần Giờ có giá trị đường giao thông quan trọng của việc ra vào TP.HCM.

Việc nắm giữ và kiểm soát được Cần Giờ và hệ thống sông ngòi ven Cần Giờ có thể kiểm soát được toàn bộ con đường vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của TP.HCM. Đây không những là một ngành kinh tế quan trọng của thành phố mà còn là một trong những thành phần có tính quyết định đến đời sống kinh tế thành phố nói chung.

Ngoài ra, chúng ta biết rằng, nếu từ Cần Giờ, người ta có thể tổ chức “vào – ra” TP.HCM khá dễ dàng. Hay nói cách khác, Cần Giờ như một lá chắn quốc phòng bảo vệ thành phố từ xa. Việc đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Cần Giờ sẽ đảm bảo an ninh, quốc phòng cho thành phố.

Từ Cần Giờ, bằng đường hàng hải, các phương tiện giao thông có thể tiếp cận những địa phương khác trong khu vực một cách nhanh chóng như Đồng Nai, Tiền Giang…, để từ đó tiến sát và lan rộng ra toàn khu vực. Cũng chính từ tính chiến lược quan trọng này của Cần Giờ mà Quốc hội đã quyết định sáp nhập huyện Duyên Hải (Cần Giờ) từ tỉnh Đồng Nai sang TP.HCM, ngày 29.12.1978.

Khả năng kết nối các địa phương và vùng biển Nam bộ

Vị trí chiến lược của Cần Giờ không chỉ có giá trị về mặt an ninh quốc phòng mà chúng ta còn thấy khả năng kết nối của vùng đất này với toàn bộ khu vực. Cần Giờ ngoài phía nam là Biển Đông, Cần Giờ có phía bắc và đông bắc giáp Đồng Nai với ranh giới là sông Đồng Nai và sông Lòng Tàu, phía tây bắc là huyện Nhà Bè, phía tây và tây nam giáp Long An, Tiền Giang với ranh giới là các sông Soài Rạp…

Như vậy, nếu nhìn trên bản đồ, Cần Giờ như một bán đảo bị cắt rời khỏi đất liền bởi các con sông lớn. Nhưng chính sự bị cắt rời này của Cần Giờ lại mang một giá trị kết nối “có một không hai”.

Tuyến phà biển đầu tiên từ huyện Cần Giờ đi Vũng Tàu đã chính thức hoạt động từ ngày 4.1.2021. Ảnh: CTV

Trước hết, ở vị trí quan trọng, như một ngã ba trung chuyển của Cần Giờ đối với cả miền Đông nam bộ và miền Tây nam bộ. Ngoài ra, tính chất địa lý cho phép Cần Giờ có thể giao thông với các địa phương bằng nhiều con đường khác nhau như đường biển, đường sông và đường bộ. Trong điều kiện tiềm năng kinh tế Cần Giờ được đẩy mạnh để phát triển, chúng ta còn có thể nâng cao khả năng kết nối này bằng đường hàng không và nâng cấp các cảng xung quanh biển Cần Giờ.

Trong trường hợp Cần Giờ có thể phát triển thành một đô thị thì rõ ràng tính kết nối độc đáo này của Cần Giờ sẽ phát huy được tiềm năng của mình, vừa có khả năng làm tăng tính giao lưu kinh tế - đời sống giữa các địa phương, vừa mang tính kích thích cho sự phát triển của các nơi này. Ngoài ra, đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói chung, nhất là khu vực biển, đảo, Cần Giờ quả thật là một địa điểm trung chuyển rất có ý nghĩa.

Với vị trí rất đặc biệt của mình, Cần Giờ là vùng của sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực sông Đồng Nai rộng lớn, là trạm trung chuyển giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ - sông Đồng Nai hay hai vùng tây Nam bộ - đông Nam bộ.

Giá trị lịch sử, khảo cổ

Một giá trị quan trọng của Cần Giờ là giá trị lịch sử, khảo cổ và văn hóa. Về mặt khảo cổ, cho đến nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã phát hiện 26 di tích khảo cổ học phân bố trên các giồng/gò đất ven các con sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre Lớn (Lý Nhơn), sông Hà thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (Long Hòa), và trên một vài giồng đất ở giữa cồn cát cổ xã Cần Thạnh. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn xác định Cần Giờ có nhiều khả năng phát hiện những di tích khảo cổ quan trọng hơn nữa.

Về niên đại, những di chỉ tại Cần Giờ cho thấy bao gồm nhiều giai đoạn, trong đó có giai đoạn sớm từ 2.500 – 3.000 năm cách ngày nay. Bên cạnh đó, các di chỉ khảo cổ tại đây cho thấy sự đa dạng của nó, đặc biệt là những đặc trưng quan trọng về di vật và di tích. Về giá trị, thông qua các di chỉ tại Cần Giờ, chúng ta có thể tìm thấy những mối liên hệ về lịch sử của các cộng đồng cư dân sinh sống tại đây với các nền văn hóa lớn như Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo và các nền văn hóa trong Đông Nam Á, là những nền văn hóa sớm, cổ xưa trong khu vực.

Chính vì vậy, các nhà khảo cổ đã đánh giá rất cao giá trị của Cần Giờ trong bản đồ khảo cổ học Việt Nam nói riêng và có thể là cả Đông Nam Á nói chung. Họ thậm chí đã đề xuất:

“Từ những phát hiện và kết quản nghiên cứu về hệ thống các di tích thời đại kim khí ở Cần Giờ trong hơn 10 năm qua (2012 – TG), đã đến lúc cần phải phân lập hệ thống di tích khảo cổ học Cần Giờ - TP.HCM thành một văn hóa khảo cổ riêng biệt trong mối quan hệ với các văn hóa khác cùng thời ở Việt Nam và Đông Nam Á, trên cơ sở của sự khác biệt về môi trường sinh thái, truyền thống gốm, táng thức và những mối quan hệ đồng đại và lịch đại của nó. Nền văn hóa này trước đây đã được định danh là Văn hóa Giồng Phệt (…) là giai đoạn đỉnh cao thể hiện truyền thống chung về đồ gốm và táng thức cho toàn bộ nhóm di tích…”.

Cà ràng, nồi và trang sức khai quật được ở Cần Giờ. Ảnh: Redsvn

Ngoài ra, Cần Giờ còn là nơi có những lễ hội dân gian phong phú, những “minh chứng” cho đời sống kinh tế và đời sống tâm lý tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân trong vùng, với bộ phận lớn là những lưu dân thuộc nhiều cộng đồng từ những vùng trong cả nước đến và cộng cư với nhau, tạo nên vùng lãnh thổ của dân tộc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong sự nhận thức về tinh thần thống nhất các cộng đồng cư dân khác nhau của dân tộc và xác lập vai trò của dân tộc trên những vùng đất ở Nam bộ.

Trong thời hiện đại, bất cứ sự phát triển nào cũng có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường hay các vấn đề về lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, nếu sự phát triển không đi kèm với khả năng kiểm soát nền kinh tế, kiểm soát đất đai và sự kéo theo của các “cơ sở kinh tế cơ hội” thì có thể sẽ dẫn đến những tình trạng đáng tiếc đối với sự phát triển bền vững của địa phương, thậm chí có thể dẫn đến những nguy cơ.

Kết quả nghiên cứu xác lập bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ của GS-TS. Nguyễn Văn Phước và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Cần Giờ là khu vực có nhiều khả năng chịu tác động với mức độ nhạy cảm môi trường khá cao. Ảnh: TL

Do đó, những giá trị mà Cần Giờ mang lại, hay nói cách khác, là những giá trị chiến lược của Cần Giờ, không hẳn là những giá trị “phi kinh tế” nhưng nó có tính chất nằm ngoài những tính toán về kinh tế, và gần như rất dễ bị tổn thương nếu sự phát triển kinh tế có tính ngắn hạn hoặc không bền vững. Do đó, trong sự phát triển Cần Giờ, những giá trị này luôn cần phải được đảm bảo, giữ gìn và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được đánh mất.

Đành rằng, trong sự phát triển, chúng ta cần phải điều chỉnh những giá trị và cân đối các nguồn lợi vì tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước và địa phương giàu, mạnh. Tuy nhiên, đối với Cần Giờ, những giá trị mà Cần Giờ đang mang lại cho TP.HCM nói riêng, cho cả Nam bộ nói chung là những giá trị không chỉ của hiện tại mà còn là những giá trị rất lâu dài, thậm chí có ảnh hưởng đến những vấn đề “sống – còn” của địa phương và dân tộc.

Do đó, những giá trị này tuyệt đối không được xem nhẹ mà phải luôn song hành trong các dự án phát triển, đặc biệt trong vấn đề khai thác kinh tế du lịch biển và kinh tế du lịch sinh thái. Lợi ích của Cần Giờ là những lợi ích có tính chất trăm năm, vì vậy, những giá trị của Cần Giờ phải đảm bảo được nhìn với tầm nhìn lâu dài và bền vững./.

TS. Huỳnh Bá Lộc/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Cần Giờ và những giá trị không thể đánh mất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...