Thứ sáu, 29/03/2024 20:01 (GMT+7)

Chống ngập, không nâng lên mà... hạ xuống

MTĐT -  Thứ tư, 12/12/2018 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mưa lớn là ngập. Nhưng chống ngập không thể cứ mãi nâng lên: nâng nền, nâng hẻm, nâng đường... mà phải tính đến hạ xuống cũng như dũng cảm từ bỏ kiểu chống ngập ăn đong, tốn kém mà ngập vẫn hoàn ngập.

Hồ điều tiết Xuân Hòa A (P.Hòa Khê, Q.Thanh Khê) với công trình nhà hàng được quận cấp phép mọc lên trên hồ từng gây tranh cãi tại Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều hướng cực kỳ mau lẹ, vô cùng thất thường, không lường trước được.

Mưa lớn là ngập. Nhưng chống ngập không thể cứ mãi nâng lên: nâng nền, nâng hẻm, nâng đường... mà phải tính đến hạ xuống, có thể đó là giải pháp ít tốn kém hơn.

Vào những năm 1990, nước triều sông Sài Gòn dao động quanh 1,2m, trận mưa lớn nhất chỉ khoảng 120mm, nay nước triều đã dâng lên 1,72m và chưa phải là mốc cuối cùng.

Những trận mưa hơn 200mm đã nhiều hơn. Cơn bão số 9 - Usagi trút xuống TP.HCM lượng mưa kỷ lục, có nơi hơn 400mm, khiến hơn 70% diện tích thành phố bị ngập sâu 0,5 - 1m nước. Nhiều nơi cũng oằn mình chịu ngập như Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang và mới đây là Đà Nẵng.

Đà Nẵng nằm sát biển nhưng do "xây thành, đắp lũy" chắn dọc biển, nước mưa không có đường thoát nên thành phố bị ngập khiến cuộc sống bị tê liệt.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Người dân đô thị cần chủ động nhập cuộc theo hướng "sống chung với ngập".

Phải xác định ngập xảy ra bất cứ lúc nào để có phương án dự phòng. Chẳng hạn thiết bị điện hạn chế để ở tầng thấp, không dùng đồ gỗ nhân tạo nơi hay ngập, không làm tầng hầm để xe... như thế sẽ giảm thiệt hại.

Về phía chính quyền các thành phố lớn cũng cần rà soát chiến lược phòng chống thiên tai, quy hoạch tổng thể, đánh giá lại các dự án xây dựng, các công trình kiến trúc có phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu. Việc đánh giá không chỉ cho 5-10 năm, mà thậm chí hàng trăm năm sau.

Với nhãn quan đó, TP.HCM cần thay đổi quan điểm, hạn chế phát triển về hướng nam, chuyển hướng phát triển chính là hướng bắc, tây bắc và đông bắc - nơi có thế đất cao. Các sông, rạch thoát nước bằng mọi giá phải được khôi phục.

Thậm chí thành phố nên dũng cảm từ bỏ kiểu chống ngập ăn đong (nâng đường, đào hố, chặn dòng, bơm chuyền) vừa tốn kém mà ngập vẫn hoàn ngập.


Nên biết trước năm 1990, Tokyo cũng bị ngập liên miên. Nhưng khác với chúng ta, thay vì nâng cao thì họ lại... hạ xuống.

Năm 1992, Tokyo quyết định xây một tổ hợp chứa nước mưa, nước lũ cực kỳ lớn sâu dưới vùng Saitama ở ngoại ô.

Toàn bộ nước mưa, nước lũ được dồn vào trong một hầm chứa khổng lồ rộng hơn một sân bóng đá với chiều dài 177m, rộng 78m, cao khoảng 25m và liên thông với hệ thống đường hầm thoát dài 6,4km chuyển nước ra sông Edogawa.

Tổ hợp những đường hầm khổng lồ được xây dựng từ năm 1992 đến 2006, mất gần 3 tỉ USD, nhưng đổi lại công trình này đã bảo vệ được cuộc sống của 25 triệu cư dân và hệ thống công trình ngầm của Tokyo hàng trăm năm tới.

TP.HCM cần một công trình có tầm cỡ như thế, chứ không phải những hầm chứa nước "nho nhỏ". Bởi lẽ nếu tính tổng số tiền đã chi cho chống ngập từ ngân sách thành phố và số dự tính chi cho những năm tiếp theo có thể lớn hơn số tiền mà Tokyo bỏ ra xây dựng hầm chứa nước khổng lồ.

Còn nếu tính cả chi phí của người dân bỏ ra cho nâng nền, nâng hẻm, sửa lại nhà và khắc phục hậu quả ngập lụt thì vô cùng lớn.

Hãy tìm giải pháp chống ngập căn cơ hơn. Nếu có thể, hãy duy trì ao hồ, sông rạch tự nhiên, còn không, xây dựng những hầm ngầm chứa nước là bài học mà nhiều thành phố đang vật vã vì ngập cần nghiên cứu.

Theo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Chống ngập, không nâng lên mà... hạ xuống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới