Thứ ba, 16/04/2024 18:27 (GMT+7)

Để tiếp tục phát triển cần phải tháo gỡ vướng mắc

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ năm, 08/03/2018 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2017 là năm thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách điều chỉnh và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê tốc độ tăng trưởng năm 2017 không chỉ nhanh nhất từ năm 2011 đến nay mà còn nhanh hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (2%), châu Á (6%), thế giới (3,6%).

Kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản (NLTS) năm 2017 tăng hơn 4 tỷ USD (tăng 13%) so với năm 2016 trong đó nhiều dấu mốc, thủy sản lần đầu tiên vượt 8 tỷ USD, lâm sản lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD. Tuy nhiên năm vừa qua cũng ngậm ngùi chứng kiến sự thất thủ của ngành thịt lợn và “hải sản” bị EU phạt “thẻ vàng”… là những gam màu xám của bức tranh nông nghiệp.

Một số ngành dịch vụ chất lượng cao đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thời kỳ 2011 – 2017 như: ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (8,14%) và kinh doanh bất động sản (4,07%), ông Lâm dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Năm 2017 cũng là một năm thành công trong việc mở rộng giao thương của Việt Nam với thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP (21,1%) và cũng là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó là rất nhiều kỷ lục khác như số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục gần 130.000 doanh nghiệp thể hiện niềm tin của khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài lập đỉnh với gần 36 tỷ USD sau nhiều năm chờ đợi… ”Với những hỗ trợ tích cực bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, kinh tế Việt nam đã có đà tăng trưởng tốt cho năm 2017 trong khi kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định”, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định. Nhiều người lạc quan cho rằng kinh tế đã bước vào thời kì kinh tế đi lên trước những tín hiệu tích cực từ kinh tế năm 2017, nhưng hiệu quả tăng trưởng của nề kinh tế vẫn thấp. Năng suất lao động năm 2017 đạt 6% (cao hơn năm 2016), cho thấy hiệu quả tăng trưởng năm 2017 có tăng lên. Tuy nhiên, nếu xét hiệu quả sử dụng vốn (ICOR), so với các nước ở vào cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh và trình động công nghệ tương xứng với Việt Nam thì con số 4,9 của năm 2017 vẫn còn quá thấp.

Chúng ta nhận thấy yếu kém, trong lĩnh vực, vấn đề cần xử lý, nhưng nó đang ngồn ngộn, vậy phải làm sao thấy được tính chất ưu tiên, cần tập trung vào xử bài bản, rõ nét hơn. Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, phù hợp thông lệ cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đâu đó cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy và điều này không tốt cho đường hướng cải cách, cho việc tạo dựng lòng tin trung và dài hạn.

Cụ thể cải cách doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm, năm 2017 là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng về cơ bản chi phí của doanh nghiệp vẫn cao dù đã có nhiều chuyển biến, ngoài ra, trong tương tác với xã hội thì vấn đề giải trình một cách tường minh, có trách nhiệm vẫn chưa kịp thời, chưa sát, chưa đúng với mong muốn với việc xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ.

Trao đổi với TBKTVN, nhân dịp kết thúc một năm hoạt động hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ chính phủ (ODA) và mở ra triển vọng hợp tác tích cực trong năm mới, ông Fujita Yasuo cho biết: ”Năm 2017, đánh dấu một năm đặc biệt khi Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, JICA vui mừng đã góp một phần nhỏ bé trong tích cực đó. Để có thể khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới thể chế, phát triển nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng suất và năng lực cạnh tranh, tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị, ô nhiễm môi trường”.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê: “Năm 2018 và các năm tiếp theo, Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu thế giới do diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra như nguy cơ xung đột quốc tế, thất bại của hệ thống quản trị quốc gia, khủng hoảng hay sự sụp đổ của Nhà nước, thất nghiệp hay bán thất nghiệp, thảm họa thiên tai, thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tấn công mạng… thì Việt Nam phải đương đầu với 6 trong 10 loại rủi ro này”. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 WB cũng đưa ra con số 6,7%, điều này là hoàn toàn có khả năng nhưng đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Đó là lực đẩy cho tăng trưởng từ việc giảm tối đa những “phí tổn” do quá trình chuyển đổi mang lại.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT: Những năm qua, Chính phủ đã và đang cố gắng tạo ra các cơ chế thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để khối kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân vẫn còn những khó khăn, do vậy phải xem lại hành động của chính những người thực thi các quy định pháp lý đó. Chính phủ đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đây không chỉ là sự thay đổi về mặt chính sách mà phải nâng cao tính hành động, tính hiệu quả của chính sách trong nền kinh tế.

Sự cạnh tranh bình đẳng và công bằng cho các thành phần kinh tế cùng phát triển là điều mà các chuyên gia hay nhà quản lý khi đề cập đến rào cản của kinh tế tư nhân đều đặt ra. Tuy nhiên, việc xóa bỏ rào cản này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ. Đó không đơn giản chỉ là việc thay đổi chính sách mà là những hành động cụ thể đến từ chính những người thực thi chính sách. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017, ông Đậu Anh Tuấn - trưởng Ban pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lấy hình ảnh: “Chỉ một cán bộ khó ở, doanh nghiệp cũng gặp rắc rối!” một hình ảnh “đau nhưng đúng”, chính sách có tốt đến đâu nhưng người trực tiếp thực thi chính sách không hành động tích cực cũng sẽ là rào cản của nền kinh tế.

Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, để chính sách không chỉ nằm trên giấy, để những quyết tâm không chỉ là những hô hào tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo…

Hiện khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 39% GDP, trong khi Chính phủ mong muốn khu vực này đóng góp cao hơn, khoảng 60% - 65% GDP. Để có được mức đóng góp như vậy, cần phải có một cơ chế đồng bộ, minh bạch cho các thành phần kinh tế khác nhau. Về phía doanh nghiệp, cần phải có nhiều kiến nghị hơn nữa để xóa bỏ rào cản, khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là những chi phí kinh doanh phi chính thức.
Chúng ta đều nhận ra 3 rào cản với doanh nghiệp là gánh nặng chi phí, thời gian tuân thủ các quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh. Tuy nhiên để giải quyết được cả 3 rào cản này cần sự chung tay không chỉ ở Chính phủ mà ở cả xã hội.

Dù hiện nay quy mô của đa số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam còn nhỏ nhưng với những thay đổi, kiến tạo từ chính sách quản lý nhà nước sẽ hình thành những tập đoàn lớn trong tương lai không xa. Chúng ta phải xác định kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng lớn vào một Chính phủ hành động, chỉ có hành động mới thay đổi được những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế hiện nay. Mọi người tin tưởng, với những kiến tạo từ Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ có động lực để phát triển ngày càng lớn mạnh và kéo theo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng tốt.

Theo ông Fujita Yapuco - đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội lớn trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao và đạt 6,81% trong năm 2017. Với sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng rộng mở về chính trị, xã hội và kinh tế cùng với quá trình tự do hóa nền kinh tế, Việt Nam đã và đang trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới, thể chế, phát triển nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng suất và năng lực cạnh tranh, tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, vẫn còn có một số lĩnh vực đang ở mức độ phát triển thấp so với tiềm năng như nông nghiệp và du lịch. JICA luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề này.
Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt mục tiêu năm 2018 phải đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên mức 40 tỉ USD. Nếu biết hóa giải những yếu kém, khai thác lợi thế thì mục tiêu này hoàn thành khả thi.

Trong các mục tiêu tăng trưởng, có 4 mục tiêu chung cho các quốc gia được gọi là tứ giác mục tiêu (tăng trưởng nhanh, cân bằng thanh toán, có số dư thất nghiệp ít).

Theo ông Orilmase Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Dù kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017 nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua để duy trì thành quả kinh tế tránh rơi vào bảng thu nhập trung bình. Để làm được điều đó trước hết phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường cũng như Nhà nước phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển như tăng cường cải cách trong quản lý đất đai, cải tổ DNNN, cải cách thể chế, cải cách ngành ngân hàng, hoàn thiện hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước cũng sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí trong môi trường kinh doanh.

Thứ hai, Việt Nam cần phải có hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về điện dự báo sẽ tăng 7 - 10% năm. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12% năm. Vì vậy Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có…

Thứ ba, Việt Nam cần có mô hình lồng ghép để đối phó với những vấn đền BĐKH ở những khu vực có nguy cơ cao như đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung như quy hoạch lồng ghép xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu cũng như chuyển đổi cơ cấu trong cả sản xuất và đời sống.

Sau đó là vấn đề nâng cao trình độ và xây dựng nguồn vốn con người theo kịp thế kỷ XXI. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuyển giá trị và ứng phó những thách thức mới đi kèm với sự ra đời những công nghệ mới và cách mạng công nghiệp 4.0”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Để tiếp tục phát triển cần phải tháo gỡ vướng mắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.