Thứ bảy, 20/04/2024 01:08 (GMT+7)

Dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn ở khu vực ô nhiễm không khí nặng?

MTĐT -  Thứ hai, 11/05/2020 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc các vùng tâm dịch đều là nơi có nền công nghiệp phát triển và có mức độ ô nhiễm NO2 tương đối cao, dẫn đến giả thuyết rằng không khí ô nhiễm khiến nguy cơ mắc COVID-19 cao, trở nên trầm trọng hơn

Thông thường, ô nhiễm không khí có thể gây ra một số bệnh ở người liên quan đến hô hấp, chuyển hóa, tim mạch hoặc tử vong sớm do suy giảm hệ miễn dịch. Các nghiên cứu quốc tế đã chứng minh ô nhiễm bụi ở nhiều kích cỡ khác nhau có thể xâm nhập vào tận khí quản và phổi, gây giảm chức năng và là nguyên nhân của 10-20% trường hợp nhập viện vì bệnh hô hấp nặng.

Liệu việc sống ở các thành phố đã ô nhiễm trước đó có khiến người dân dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp như COVID-19 hơn - đó là một trong 2 nội dung chính được thảo luận tại buổi tọa đàm trực tuyến ‘Ô nhiễm không khí và tác động của COVID-19’ do tổ chức Live & Learn phối hợp cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ thực hiện ngày 7/5.

Dẫn ví dụ về 2 tâm dịch COVID-19 của thế giới, TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Đại học Y tế Công cộng, chỉ ra rằng, thành phố Vũ Hán là nơi có nền công nghiệp phát triển và mức độ ô nhiễm NO2 tương đối cao so với trần ô nhiễm của Trung Quốc; trong khi đó thành phố Lombardy cũng là một thủ phủ công nghiệp của Italy và có tình trạng ô nhiễm không khí cao.

Một nghiên cứu mới phân tích số ca tử vong của Italy theo nơi ở cho biết 83% số ca tử vong tại nước này xảy ra ở vùng có nồng độ NO2 trên 100 µmol/m2; trong khi chỉ có 1,5% số ca tử vong thuộc về những nơi có nồng độ NO2 dưới 50 µmol/m2.

Hay Iran và Ấn Độ, hai nước chịu sự tàn phá nặng nề của Covid-19, đều được điểm danh trong top 10 nước ô nhiễm không khí trên thế giới.

“Như vậy có thể thấy, trên thế giới, tâm dịch COVID-19 xảy ra ở những nơi ô nhiễm không khí cao, và ở trong một nước [với các chính sách tương đối giống nhau] như Italy, người ta cũng quan sát thấy số ca tử vong cao ở những vùng ô nhiễm không khí nặng,” TS Nguyễn Thị Trang Nhung nhận định.

Trong một nghiên cứucông bố hồi tháng 4, thời kì phong tỏa do dịch COVID-19, Trung Quốc ghi nhận nồng độ NO2 giảm 30% tại khu vực miền trung. Nhóm tác giả tính toán rằng nếu nồng độ NO2 trên toàn lãnh thổ giảm theo tỷ lệ này thì Trung Quốc sẽ giảm được hơn 100.000 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí.

Cơ hội đo lường những đánh đổi để có không khí sạch

Đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày cách li xã hội do dịch Covid-19 | Ảnh: Zing

Trong thời gian các nước thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, các nhà khoa học có cơ hội đặc biệt để kiểm chứng các nguồn gây ô nhiễm không khí, bao gồm NO2 - thường sinh ra từ hoạt động giao thông và công nghiệp.

Theo dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), từ ngày 14 – 25/3, khoảng thời gian giãn cách xã hộit được thực hiện trên diện rộng ở châu Âu, mức độ ô nhiễm không khí từ NO2 giảm khoảng 40% ở 3 thành phố của Pháp, Tây Ban Nha, Ý. Phòng quan sát Trái đất của NASA mới đây cũng công bố bản đồ khí tượng học cho thấy một sự cải thiện đáng kể về ô nhiễm không khí ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tại Việt Nam,Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) đã tiến hành phân tích chất lượng không khí 4 tháng đầu năm 2020 dựa vào hệ thống mạng lưới quan trắc mặt đất, trong đó có 6 trạm chuẩn. Kết quả, nồng độ bụi mịn PM 2.5 và CO trung bình ngày có xu hướng giảm so với cùng kỳ từ 20/3 đến 10/4 - khi bắt đầu có lệnh giãn cách xã hội và giảm hơn so với thời gian tháng 1 đến tháng 3.

Bản đồ nồng độ NO2 tại Việt Nam xây dựng từ ảnh vệ tinh Sentinel 5P. Màu càng đậm chỉ nồng độ NO2 càng cao. Dữ liệu thể hiện nồng độ tính theo cột khí từ mặt đất tới tầng đối lưu| Nguồn: FIMO

Để có bức tranh rộng hơn, TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã tiến hành xử lý ảnh viễn thám về nồng độ NO2 thu nhận hàng ngày từ vệ tinh Sentinel 5P của ESA. Kết quả được trực quan hóa thành bản đồ phân bố NO2 trung bình cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, nồng độ NO2 trên cả nước vào tháng 3/2020 và giai đoạn đóng cửa tháng 4/2020 có xu hướng giảm lần lượt 2,1% và 9,5% so với cùng kì năm 2019, trừ hai vùng Tây nguyên và ĐBSCL tăng nhẹ. Khi so sánh xu thế biến động của các tháng trước đó cùng năm 2020 thì mật độ NO2 trên cả 8 vùng trong thời gian đóng cửa đều giảm từ 5-30%.

Ô nhiễm không khí còn liên quan đến thời tiết, khí tượng và phân bố nguồn thải trong nước và xuyên biên giới nên tỷ lệ thay đổi nồng độ NO2 ở các vùng có thể khác nhau, nhưng theo nhận định của TS Nguyễn Thị Nhật Thanh tại tọa đàm trực tuyến thì “xu hướng chung ở Việt Nam là giảm trong thời kì Covid-19”.

Biến động mật độ NO2 ở TPHCM trong thời kì cách li do dịch COVID-19 và trước đó. Khu vực màu cam chỉ nồng độ NO2 cao; màu xanh chỉ nồng độ NO2 thấp | Nguồn: FIMO

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh còn cung cấp các dữ liệu bước đầu về mức giảm NO2 nếu thực hiện kịch bản cấm xe, cắt giảm hoặc nâng cao tiêu chuẩn khí thải công nghiệp, giúp lượng hóa lợi ích tối đa nếu chính quyền thực hiện chính sách giảm ô nhiễm không khí mạnh mẽ như thời kì dịch Covid-19.

“Những con số này rất quan trọng, chúng giống như dữ liệu cho các kịch bản khi xây dựng chính sách về không khí. Nếu chính quyền một thành phố muốn cắt giảm giao thông để cải thiện không khí, họ có thể biết được mức độ giảm tối đa của các phương án, đồng thời có số liệu bằng chứng về lợi ích-chi phí để đưa ra lựa chọn", chị Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live & Learn, nhận xét.

Là một nước đang phát triển, các thành phố lớn của Việt Nam luôn phải đứng trước bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và cải thiện môi trường sống cho cư dân. Các khảo sát về ô nhiễm không khí trong thời gian cách li và giãn cách xã hội đã góp phần phản ánh rõ hơn các đánh đổi đó.

Vì sao có nơi không khí vẫn ô nhiễm cao trong thời gian cách ly xã hội?
Trên thực tế, chỉ số chất lượng không khí AQI ở một số thành phố vẫn cao trong thời gian cách ly xã hội. Các chuyên gia giải thích rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do ô nhiễm không khí lan truyền xuyên biên giới theo hướng gió mùa Đông Bắc, hoặc từ các hoạt động đốt nương rẫy từ phía Lào kéo sang.
TS Nguyễn Thị Nhật Thanh nói thêm rằng, chỉ số AQI phản ánh chất gây ô nhiễm nhiều nhất, phần lớn là các loại bụi như PM2.5. Do vậy, khi giảm các hoạt động sinh hoạt, giao thông và công nghiệp thì tỷ lệ những chất ô nhiễm liên quan như NO2, CO, Ozone sẽ khó có thể quan sát được nếu chỉ theo dõi chỉ số tổng hợp AQI.
TS Nguyễn Thị Trang Nhung thì lưu ý, cách ly xã hội khiến nguy cơ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong nhà tăng lên. Ở những nơi điều kiện sống không tốt, việc ít ra ngoài một thời gian dài một chỗ khiến phụ nữ, trẻ em và các nhóm nhạy cảm chịu ô nhiễm nhiều hơn do khói thuốc lá, khói bếp... Điều này có thể khiến họ suy giảm chức năng phổi và hệ thống miễn dịch về lâu dài.
Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh cũng kéo theo sự gia tăng của các sản phẩm dùng một lần như khẩu trang, đồ bảo hộ, túi nilon, chai nhựa…, dẫn đến tác động tiêu cực tới môi trường lớn hơn với chi phí xử lý tốn kém hơn.

Theo Phong Du/Báo KH&PT

Bạn đang đọc bài viết Dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn ở khu vực ô nhiễm không khí nặng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...