Thứ bảy, 20/04/2024 23:05 (GMT+7)

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều điều bất cập

PV -  Thứ ba, 03/11/2020 08:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 2/11, tại nhà khách Quốc hội, số 2, Hoàng Cầu đã diễn ra tọa đàm “Góc nhìn của Cộng đồng và Chuyên gia đối với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi”.

Tọa đàm có sự tham gia của các tổ chức Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và Nhóm Công lý - Môi trường - Sức khỏe.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần thể hiện sự tiến bộ về công khai thông tin môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để cộng đồng, xã hội và các chuyên gia có dữ liệu giám sát, phản biện với những dự án tác động lớn về môi trường.

Dự thảo Luật Môi trường còn nhiều thiếu sót

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết: Sau hơn 5 năm được thực thi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn đất nước.

Theo đó, từ khi khởi thảo đến nay, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã qua 7 lần sửa đổi, đã qua bước thẩm tra và chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là được Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy vậy, dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều vấn đề thiếu sót, từ phạm vi, kết cấu, nội dung cần được tiếp tục xem xét, bổ sung để tránh tình trạng luật ra đời thiếu tính khả thi, không áp dụng được vào thực tiễn.

PGS.TS Bùi Thị An- Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực môi trường đã có nhiều ý kiến thảo luận, đánh giá liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí; góc nhìn pháp lý đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; hệ lụy từ việc bảo vệ môi trường không hiệu quả đối với cộng đồng... Từ đó, các chuyên gia đưa ra những nhận định về những thiếu sót và những vấn đề cần được xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Luật Môi trường sửa đổi đang hạn chế quyền và trách nhiệm của ngành y tế

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD)- Bác sỹ Nguyễn Trọng An, chia sẻ trong buổi tọa đàm : “Qua theo dõi, cập nhật thường xuyên về việc sửa đổi luật Bảo vệ môi trường lần này,  dự thảo đăng trên cổng thông tin online của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 gửi cho các ĐBQH có nhiều điểm khác nhau.

Cụ thể có một số nhận xét mà ông đã chỉ ra tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bao gồm:

Thứ nhất, dự thảo đăng trên cổng thông tin duthaoonline.com của Quốc hội có nội dung khác hoàn toàn so với dự thảo gửi tới các ĐBQH.

Thứ hai, cả hai dự thảo đăng trên cổng thông tin duthaooline.com của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 phát cho các ĐBQH đều không có báo cáo tác động của môi trường đến sức khỏe con người, động thực vật.

Thứ ba, toàn bộ dự thảo có trong tay ĐBQH không có điều khoản nào quy định cụ thể về bảo vệ sức khỏe của người dân, vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng nói riêng và hạn chế quyền và trách nhiệm của ngành y tế nói chung.

Thứ tư, dự thảo lần thứ 7 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 tìm cách hạn chế người dân giám sát chất lượng và thông tin bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Góc nhìn của Cộng đồng và Chuyên gia đối với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi”.

Qua những nhận xét mà ông An đã chỉ ra, ông cho rằng : “ Nhiều quy định trong dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang còn chung chung, thể hiện ẩn dấu ý đồ khá tinh vi của người soạn luật. Bởi trong dự thảo luật lần này không thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường của ngành y tế, nói cách khác là vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng, hạn chế quyền giám sát chất lượng, thông tin bảo vệ môi trường của người dân, giới chuyên gia, nhà khoa học…”.

Từ những tồn tại nêu trên, ông An  đã có kiến nghị  lên Quốc hội rằng: “ Mong Quốc hội hãy dừng không nên thông qua Luật trong kỳ họp này, cần thiết phải tiếp thu các ý kiến góp ý, đầu tư chỉnh sửa cho phù hợp hơn để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân, tuân thủ quy tắc phát triển Luật Môi trường quốc tế và minh bạch trách nhiệm giải trình”. 

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều điều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất