Thứ năm, 25/04/2024 11:57 (GMT+7)

Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ bảy, 16/01/2021 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực cùng các địa phương chú trọng thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học.

I. Khái quát về đa dạng sinh học

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trong quá trình tồn tại, sinh vật luôn phát triển và tiến hóa. Điều này được xác định bằng ba cơ chế chủ yếu: Chọn lọc, đột biến và tính ngẫu nhiên.

Hiện nay, chúng ta không thể biết được một cách chính xác có bao nhiêu loài sinh vật tồn tại, hầu hết các nhà sinh vật đoán ước rằng có ít nhất từ 5 - 10 triệu loài khác nhau. Một số khác cho rằng, có thể có từ 30 - 100 triệu loài, thậm chí còn nhiều hơn. Cho đến nay đã xác định được khoảng 250.00 loài thực vật có hoa; 800.000 loài thực vật bậc thấp và 1,5 triệu loài động vật (H.Raven, 1993).

Thế nhưng khái niệm đa dạng sinh học (ĐDSH) không chỉ đơn thuần là số lượng các loài khác nhau (đa dạng loài) mà còn đa dạng di truyền, sự đa dạng di truyền nội tại trong các loài - nghĩa là những quần thể khác nhau làm thành các loài đặc trưng. Đa dạng sinh học cũng hàm chứa sự đa dạng hệ sinh thái (HST), sự đa dạng các mối tương tác giữa cơ thể sống trong các quần xã tự nhiên. Ví dụ, quần xã rừng với các cây tỗ, cây bụi, cây dược liệu, nấm, vi khuẩn và những vi sinh vật khác tạo thành tính đa dạng lớn hơn so với một ruộng trồng ngô. Sự đa dạng HST còn có nghĩa là sự đa dạng của các HST tìm thấy trên trái đất như: rừng, đồng cỏ, sa mạng, các rạn san hô, hồ ao, cửa sông… Như vậy ĐDSH là sự phong phú về nguồn gen, về giống loài sinh vật và HST tự nhiên.

Chính do sự ĐDSH cùng với những hoạt động phong phú của nó đã làm cho vỏ trái đất thường xuyên bị biến đổi và ngược lại, sự ĐDSH cũng thay đổi do những tác động của các nhân tố vô sinh của sinh quyển. Những nhân tố vô sinh của sinh quyển và sinh vật sống trên đó đã tạo thành một hệ thống tự nhiên được duy trì và tồn tại nhờ sự chuyển hóa vật chất và năng lượng giữa các thành phần của sinh quyển và được gọi là sinh thái quyển. 

II. Bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường kết hợp du lịch, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là để rừng sinh trưởng bền vững. Hiện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực cùng các địa phương chú trọng thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, kết quả điều tra cho thấy, khu vực rừng của Hà Nội có mức độ đa dạng sinh học cao, rất nhiều động, thực vật cần bảo tồn; hệ sinh thái rừng kín, mưa ẩm; lá nhiệt đới, cây lá rộng xen cây lá kim ở độ cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển. Hệ sinh thái này chỉ có ở Vườn quốc gia Ba Vì. Tiếp đến là hệ sinh thái núi đá vôi, chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), ngoài phát triển du lịch, khu vực này còn lưu giữ một số loài thực vật quý hiếm. Rừng của Hà Nội còn có hàng trăm loài động vật quý hiếm. Để bảo tồn đa dạng sinh học, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Về phía Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, đã cấp chứng nhận đăng ký cho 104 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; 81 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường; 1 cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhằm giảm khai thác tự nhiên; cấp mới, cấp đổi 94 chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động, thực vật hoang dã; tịch thu, tái thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã…

Tuy nhiên, hiện công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực rừng vẫn khó khăn. Cụ thể, công tác xử phạt vi phạm pháp luật về bảo tồn chưa hiệu quả, còn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học trong phát triển rừng bền vững của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa cao; nguồn lực phục vụ làm giàu rừng, đa dạng sinh học còn hạn chế...

Đơn cử, Mỹ Đức là một trong những huyện có diện tích rừng lớn của thành phố. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, Mỹ Đức có 3.400ha rừng đặc dụng, hơn 1.100ha rừng đồi núi đá vôi, độ che phủ chưa tới 20%; trữ lượng rừng, đa dạng sinh học rất kém; địa phương và người dân trên địa bàn nhận thức về bảo vệ, phát triển đa dạng sinh học rừng chưa rõ nét. Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Mỹ Đức đề nghị thành phố và ngành lâm nghiệp hỗ trợ việc bảo tồn đa dạng sinh học... Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, diện tích rừng phòng hộ tại Sóc Sơn được hình thành trên cơ sở rừng trồng, chủ yếu là rừng hỗn giao, đơn loài; rừng được giao quản lý mà chưa gắn với giao đất khiến kinh phí phục vụ lĩnh vực này chưa tương xứng...

Để khắc phục tồn tại, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh giao rừng gắn với giao quyền sử dụng đất; tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và người dân trong công tác bảo vệ rừng... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo tồn, phục hồi các loài linh trưởng quý hiếm ở rừng đặc dụng Hương Sơn; điều tra, đánh giá hiện trạng các loài thực vật, động vật đặc hữu thuộc Vườn quốc gia Ba Vì và rừng đặc dụng Hương Sơn; tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giá trị bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm...

III. Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

Phát triển bền vững đã trở thành một khái niệm mới quan trọng mang tính chỉ đạo các hoạt động của con người, nhưng thực sự rất khó khăn để tìm thấy một thế cân bằng đúng đắn giữa việc bảo vệ ĐDSH và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chính quyền địa phương và chính quyền trung ương bảo vệ ĐDSH thông qua các bộ luật khống chế các hoạt động như đánh bắt cá, săn bắn, sử dụng đất, ô nhiễm công nghiệp và thông qua việc thiết lập các khu bảo vệ.

Nhiều xã hội truyền thống có những quy chuẩn đạo đức bảo tồn rất mạnh mẽ và các hoạt động quản lý đủ mạnh để bảo vệ được ĐDSH, những người dân này cần được hỗ trợ thêm để tiếp tục được các nỗ lực bảo tồn của họ.

Năm tài liệu quan trọng về môi trường đã được ký kết vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về môi trường với sự tham dự của hơn 100 nhà lãnh đạo các quốc gia. Thực hiện và tài trợ cho những công ước mới này là rất cần thiết cho các nỗ lực bảo tồn quốc tế.

Các nhóm bảo tồn và các chính phủ các nước phát triển đang ngày càng tăng việc tài trợ cho các dự án bảo tồn ĐDSH tại các nước đang phát triển vùng nhiệt đới. Mặc dù mức tài trợ ngày càng tăng nhưng lượng ngân sách vẫn chưa đủ để đối phó với việc mất mát ĐDSH đang diễn ra hàng ngày. Thêm nữa, các cơ chế mới như quỹ môi trường quốc gia và quốc tế, các cơ chế trả nợ theo phương thức hỗ trợ bảo vệ thiên nhiên đã được phát triển để hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn.

Các cơ quan tài trợ quốc tế và các ngân hàng phát triển kể cả Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho rất nhiều các dự án và các dự án này đã gây ra những tổn thất và hủy hoại lớn đối với môi trường. Các cơ quan tài trợ này hiện nay đang cố gắng để có trách nhiệm nhiều hơn về khía cạnh môi trường trong chính sách cho vay tiền của họ.

Các nhà sinh học bảo tồn phải chứng minh được sự đúng đắn trong các học thuyết cũng như trong cách áp dụng các nguyên tắc mới của họ và phải tích cực hlàm việc với các thành viên trong xã hội để bảo vệ ĐDSH và phục hồi các thành phần suy thoái của môi trường.

* Duy trì ĐDSH và tính bền vững

Các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên hành tinh của chúng ta phụ thuộc và sự đa dạng và biến động của các nguồn gen, số lượng các loài và các HST. Tuy nhiên, sự suy giảm ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng, chủ yếu là do sự phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức, ô nhiễm và việc đưa vào môi trường các động thực vật ngoại lai không thích hợp. Cần phải có hành động khẩn cấp và mang tính quyết định để bảo vệ và duy trì các nguồn gen, các loài và HST (khung 1).

- Tạo các phương tiện kiểm soát nguy cơ do các loài sinh vật bị biến đổi bởi công nghệ sinh học.

- Sử dụng công cụ ĐTM có sự tham gia của công chúng - với các dự án có khả năng đe dọa đến ĐDSH, nhằm tránh hoặc giảm thiểu những mất mát có thể xảy ra.

- Ngăn chặn việc đưa vào, kiểm soát hoặc loại bỏ các giống loài ngoại lai có khả năng đe dọa HST và môi trường sống của các loài bản địa.

(Nguồn: Hội nghị Thượng đỉnh TĐ - Công ước về Đa dạng sinh học, 1992)

Nhiều cộng đồng địa phương bị ràng buộc chặt chẽ vào các nguồn tài nguyên sinh học. Các quốc gia phải có các khuyến khích về lợi ích đối với các cộng đồng này, cũng như việc huy động các kiến thức bản ddiajd vào bảo vệ ĐDSH.

* Phương thức tiêu thụ trong phát triển bền vững

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái ngày càng tăng của môi trường toàn cầu là do các nhu cầu quá lớn và các lối sống thiếu tính bền vững trong tầng lớp những người giàu hơn. Trong khi đó, tầng lớn nghèo hơn thì không được thỏa mãn các nhu cầu về lương thực thực phẩm, chăm sóc y tế, nhà ở và giáo dục.

Để giải quyết mâu thuẫn trầm trọng này, điều cốt yếu là phải có được các mẫu hình tiêu thụ mang tính bền vững. Điều này có thể phải đưa ra các chỉ số mới gắn với phúc lợi của mỗi quốc gia một cách thường xuyên và lâu dài.

Tất cả các nước đều phải phấn đấu để tăng cường các mẫu hình tiêu thụ bền vững, mà các nước phát triển phải đóng vai trò tiên phong. Còn các nước đang phát triển phải cố gắng thiết lập cho được các mẫu hình tiêu thụ bền vững. Họ cần đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của người nghèo, trong khi vẫn tránh được các mẫu hình tiêu thụ không bền vững, không hiệu suất và lãng phí. Sự phát triển như vậy đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ các nước công nghiệp hóa (khung 2).

- Đánh giá lại hiện trạng ĐDSH trên quy mô toàn cầu.

- Xây dựng các chiến lược quốc gia nhằm bảo vệ sử dụng bền vững ĐDSH, và làm cho các chiến lược này phải trở thành một bộ phận của chiến lược tổng thể phát triển quốc gia.

- Tiến hành nghiên cứu dài hạn đánh giá tầm quan trọng của ĐSH đối với các HST tạo ra sản phẩm hàng hóa và các lợi ích MT.

-Khuyến khích sử dụn các phương pháp truyền thống có thể làm tăng thêm DDSH trong nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý đồng cỏ và các động vật hoang dại. Thu hút cộng đồng, bao gồm cả phụ nữ vào việc quản lý các SHT.

- Phân chia hợp lý công bằng các lợi ích thu được do sử dụng nguồng tài nguyên sinh vật và tài nghuyên gen. Cộng đồng bản địa phải được chia sẻ các lợi ích về kinh tế và thương mại.

- Bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên.

- Tăng cường bảo vệ SHT đã bị phá hủy, và các loại đang bị đe dọa.

- Hình thành cách thức sử dụng công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ bền vững, đặc biệt là chuyển giao cho các nước đang phát triển.

- Đánh giá tác động của cá dự án phát triển đến ĐDSH, tính toán được hết các chi phí/mất mát phải trả cho những tổn thất về ĐDSH. Đối với những dự án có khả năng gây các tác động lớn phải được ĐTM có sự tham gia rộng rãi của công chúng.          

Nguồn: Hội nghị thượng đỉnh TĐ - Chương trình vì sự thay đổi 1992.

Khung 3. Công ước về DDSH - vì mục tiêu PTBV.

- Xác định các thành phần ĐDSH có tầm quan trọng bảo vệ và sử dụng bền vững, giám sát hoạt động có khả năng gây ra các tác động xấu đến DDSH.

- Xây dựng các chiến lược, kế hoạch hoặc chương trình quốc gia về bảo vệ và sử dụng bền vững ĐDSH.

- Đưa bảo vệ ĐDSH trở thành một tiêu chí xem xét trong quá trình lập quy hoạch và ban hành các chính sách.

- Sử dụng phương tiện truyền thông và giáo dục để nâng cao hiểu biết và tầm quan trọng của nó ĐDSH và sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ cho cộng đồng.

- Ban hành luật pháp/ chính sách bảo vệ ĐSH và các khu bảo tồn.

Nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuỗi nông sản an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Thiết nghĩ,  bảo tồn đa dạng sinh học là biện pháp hữu hiệu không nên bỏ qua./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới