Thứ sáu, 29/03/2024 19:34 (GMT+7)

Giải pháp nào giải quyết tận gốc vấn đề rác thải sinh hoạt?

MTĐT -  Thứ năm, 29/10/2020 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với vấn đề quản lý rác thải và đặc biệt là rác thải đô thị là vấn đề nan giải của Việt Nam và các nước đang phát triển.

Vừa qua, một số người dân xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp tục dựng lều, bạt… chặn xe chở rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 từ trước đến nay bãi rác lớn nhất Thủ đô xảy ra cố như vậy. Nguyên nhân khiến người dân 2 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ chặn xe chở rác là do người dân bức xúc trong việc chậm GPMB vùng bán kính 500m cũng như liên quan đến các vấn đề khác như bảo hiểm y tế, nước sạch… Song, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của vụ việc bắt nguồn từ chính công nghệ chôn lấp và những hệ lụy phát sinh.

Để bàn luận về câu chuyện này, Đài VOV1 đã mời GS. TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam để có những góc nhìn đa chiều và có những phân tích cụ thể hơn khi nói tới giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề rác thải sinh hoạt.

PV:  Xin ông cho biết, thực trạng rác thải ở Thủ đô Hà Nội hiện nay ra sao?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Đối với vấn đề quản lý rác thải và đặc biệt là rác thải đô thị là vấn đề nan giải của Việt Nam và các nước đang phát triển. Đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, hàng ngày lượng rác phát sinh rất nhiều do các hoạt động từ dân sinh và khách vãng lai. Hiện nay một ngày lượng rác phát sinh mà chúng tôi thống kê được là khoảng 6.500- 7.000 tấn rác/ ngày.

Bãi rác Nam Sơn là bãi thực hiện theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, tuy nhiên năm 2020 đã có 2 lần người dân Nam Sơn chặn, không cho xe  rác di chuyển vào bên trong bãi rác, không chỉ riêng Hà Nội mà  trong năm 2020, ở một số đô thị lớn khác tình hình người dân không cho xe vào bãi rác. Điều này để nói lên việc chúng ta cần phải có cảnh báo trong tình hình công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay, đặc biệt là tỷ lệ  công nghệ chôn lấp tại các đô thị, ngay cả các đô thị  loại đặc biệt thì tỷ lệ chôn lấp vẫn là chủ yếu.

GS. TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam

Chúng ta cần phải có những giải pháp mang tính tức thời  đồng thời cũng phải mang tính chiến lược để xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là vấn đề mà hiện nay rất cần thiết và chúng tôi cho rằng cần phải tập trung giải quyết từ Chính phủ tới các chính quyền tại thành phố Hà Nội cũng như các thành phố khác.

PV: Thưa GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, nhìn từ thực tế ở bãi rác Nam Sơn thời gian qua đã cho ta thấy điều gì?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Hiện nay, qua bãi rác Nam Sơn chúng ta thấy hai vấn đề.

Thứ nhất là khoảng cách từ bãi chôn lấp hợp về sinh tới dân cư,  hiện nay Bộ Xây dựng mới ban hành tiêu chuẩn 01:2019 về quy hoạch đô thị và nông thôn. Những khoảng cách vệ sinh này đã có nghiên cứu điều chỉnh để quy định cho rõ, bởi vì hiện nay khoảng cách vệ sinh phụ thuộc vào công nghệ chôn lấp và xử lý chất thải. Trước đây chúng ta theo công nghệ chôn lấp cũ không hợp vệ sinh thì khoảng cách ly cần yêu cầu lớn nhưng bây giờ chúng ta chôn lấp hợp vệ sinh thì khoảng cách ly vệ sinh có thể rút ngắn lại khoảng 500m.

Nhưng những người dân nằm trong phạm vi bán kính 500m chặn xe vì chưa được đền bù, vì vậy chính quyền của UBND xã Nam Sơn và UBND TP Hà Nội cần phải có những giải pháp xử lý sớm để người dân có thể ổn định, tái định cư. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy tình trạng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bởi khi bãi chôn lấp bắt đầu được thực hiện thì đã có rất nhiều hộ dân sống ở đó lâu rồi, nhưng cũng có trường hợp là bãi rác đã vận hành, thì người dân mới dọn tới định cư thì việc đền bù phải khác nhau.

Thứ hai là công tác đảm bảo vệ sinh trong quá trình vận chuyển rác cũng như quy trình chôn lấp làm sao để đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước cũng như của Thành phố Hà Nội đã ban hành. Hiện nay Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định 6841 và sau đó là quyết định 3599 ban hành quy định về quy trình và những yêu cầu cần thiết cần phải đạt được trong quá trình vận chuyển, thu gom, xử lý và chôn lấp rác đảm bảo hợp vệ sinh.

PV: Thưa GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, đã có rất nhiều cơ chế, chính sách trong việc thu gom, xử lý rác nhưng  vì sao chúng ta vẫn chưa thể giải quyết  tận gốc được các vấn đề?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Hiện nay, theo chúng tôi ngay cả từ Luật Bảo vệ Môi trường cũng như những chính sách thì cũng đã có nhưng thực tế là rất nhiều chính sách và những quy định về quản lý rác thải và đặc biệt là rác thải sinh hoạt đô thị là chưa đủ, chưa đi vào cuộc sống.

Ở đây tôi ví dụ, Hà Nội đã từng ban hành quyết định xử lý đối với hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định nhưng hiện nay cơ chế để thực hiện việc xử phạt này vẫn chưa rõ ràng cho nên việc xử phạt cũng chưa thực hiện được một cách nghiêm túc, các cơ chế chính sách nói về ưu đãi cho việc đầu tư, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhưng các cơ chế, chính sách này khi thực hiện thì còn rất nhiều bất cập mà hiện nay trong công tác quản lý cũng như việc ban hành các chính sách, quy định, quy chuẩn về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cần phải được hoàn chỉnh, đồng bộ một cách sớm nhất.

PV: Xin GS cho biết, cụ thể về công nghệ hiện nay mà chúng ta đang áp dụng trong việc xử lý rác?

TS Nguyễn Hữu Dũng: Ở Việt Nam có 3 công nghệ xử lý rác chính, thứ nhất là công nghệ chôn lấp, cả nước có 660 bãi chôn lấp có diện tích trên 1ha, trong đó chỉ có 128 bãi rác theo công nghệ hợp vệ sinh. Tức là công nghệ được chuẩn bị từ lớp đáy, hệ thống xử lý thu gom nước rỉ rác, chia ô và các quy trình chôn lấp đúng các quy định, số còn lại là chôn lấp tự nhiên gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

Bãi rác Nam Sơn đã gần quá tải (Ảnh: Internet).

Công nghệ thứ 2 mà đang được thực hiện ở Việt Nam là công nghệ ủ phân vi sinh, bởi vì trong rác thải sinh hoạt có tỷ lệ rác hữu cơ là từ 55- 67% vì vậy nếu lượng rác thải đem đi ủ phân vi sinh sẽ là hình thức tái chế rất hiệu quả. Rất tiếc là hiện nay 24 cơ sở chế biến phân vi sinh thì đầu ra gặp rất nhiều khó khăn bởi rác thải của chúng ta chưa được phân loại tại nguồn nên các thành phần trong phân vi sinh bị lẫn rất nhiều tạp chất như thủy tinh, thậm chí cả rác thải nguy hại cho nên rất khó sử dụng cho cây nông nghiệp mà chỉ có thể sủ dụng cho việc trồng rừng hoặc là các cây công nghiệp.

Công nghệ thứ 3 là đốt rác, đốt rác tiêu hủy và các lò đốt rác nhỏ thì có gần 200 lò công suất nhỏ tại các địa phương, khi hoạt động cũng gây ô nhiễm vì không đúng các quy định về nhiệt độ, khói thải phát sinh ra khí dioxin,.. gây ô nhiễm môi trường và chúng ta bắt đầu với các dự án đốt rác tạo ra năng lượng, thành điện năng. Đây là những công nghệ tiên tiến mà chúng ta đang áp dụng.

PV: Cụ thể, các công tác quy hoạch đối với việc sử dụng công nghệ xử lý rác triệt để đã có sự ưu tiên như thế nào và chiến lược trong việc xử lý rác trong thời gian tới đối với các đô thị và cả nước, xin GS cho biết thêm?

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Hiện nay nói về quản lý nhà nước, theo quyết định 491- 2018 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh chiến lược quản lý chất thải rắn tại Việt Nam và tầm nhìn đến năm 2050. Theo chiến lược này thì chúng ta phải hạn chế dần công nghệ chôn lấp và cụ thể là đến năm 2035 thì 90% rác thải cần phải được thu gom, đồng thời giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 30% và tới năm 2050 phải giảm tỷ lệ chôn lấp để tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải giống như các nước phát triển khác.

Trước đây Bộ Xây dựng đã có những quy định về quy hoạch quản lý chất thải rắn tại các địa phương.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào giải quyết tận gốc vấn đề rác thải sinh hoạt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới