Thứ sáu, 19/04/2024 23:48 (GMT+7)

Hà Nội 'cứ mưa là ngập'

MTĐT -  Thứ hai, 28/09/2020 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không thể để cảnh ‘quýt’ làm… ngân sách chịu!

Hà Nội cứ mưa to là ngập. (Nguồn ảnh: TTXVN).

Hà Nội từng được ví như Paris của Đông Dương với những di sản từ thời Pháp thuộc gồm hệ thống biệt thự cổ, Nhà Hát Lớn và cả hệ thống... thoát nước. Trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les Miserables) năm 1862, Victor Hugo từng viết “Có một Paris khác ở ngay phía dưới thành phố, một Paris của các cống ngầm.”

Vậy nhưng, sau nhiều thập kỷ, kể từ khi người Pháp rời đi, những thay đổi từ sức ép phát triển và việc chỉnh trang đô thị theo nhiệm kỳ đã khiến nội thành Hà Nội trở nên chật hẹp, cứ mưa đường phố lại ngập.

Vẫn biết nắng mưa là chuyện của trời, nhưng điệp khúc “cứ mưa là ngập” diễn ra với tần suất dồn dập và ngày càng nặng nề hơn khiến người dân Thủ đô ngán ngẩm, ngay cả những khu vực nằm ven hồ nước điều hòa, mưa xuống, đường phố cũng “thành sông” và tràn vào nhà thì lại có dấu hiệu không bình thường nếu xét về yếu tố địa hình…

Đáng nói hơn, để phục vụ mục tiêu thoát nước chống ngập, cách đây 10 năm, thành phố Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030. Từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhiều dự án thoát nước, trong đó có 3 dự án lớn với nguồn kinh phí lên tới hơn 19.000 tỷ đồng, thế nhưng kết quả lại không tương xứng.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Hà Nội cần phải rà soát lại hệ thống cấp thoát nước toàn thành phố và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, không thể để tiếp diễn mãi cảnh “quýt làm-ngân sách chịu.” Tức là chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp làm sai còn Nhà nước thì phải chạy theo giải quyết hậu quả!

1. “Chỉ mặt” nguyên nhân khiến Hà Nội cứ mưa là…ngập

Sau 10 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,” hàng loạt tuyến đường, khu phố lại rơi vào tình cảnh “cứ mưa là ngập.” Thậm chí, có những điểm, thành phố đã phải huy động rất nhiều nguồn lực, phương tiện và chi ngân sách để “tát nước ra sông” nhưng vẫn không giảm được ngập úng...

Gánh nặng úng ngập

Đường Lý Thường Kiệt nằm cách hồ Gươm không xa và là một trong những tuyến phố chính và đắt đỏ bậc nhất quận Hoàn Kiếm. Thế nhưng, tỷ lệ nghịch với sự đắt đỏ ấy là điệp khúc buồn “cứ mưa to là ngập,” thậm chí có những thời điểm đường biến thành sông.

Minh chứng rõ thấy là từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra ít nhất 4 trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm thì đã có tới 3 trận mưa khiến khu phố Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu và nhiều khu phố khác bị ngập nặng.

Gần đây nhất là trận mưa xảy ra vào chiều 17/8. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, sau khoảng 30 phút kể từ khi trời mưa, hàng loạt tuyến phố tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã bị ngập quả nửa bánh xe ôtô, khiến hàng chục phương tiện giao thông chết máy. Nhiều trường hợp, người dân chở hàng cồng kềnh, con nhỏ nhưng vẫn phải xuống xe dắt bộ.

Trận mưa này xảy ra từ lúc 16 giờ 30, nhưng tới 19 giờ, những điểm ngập nặng như Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu… mới thoát hết nước.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, với cường độ mưa khoảng từ 50-100 mm/2 giờ, các tuyến phố chính còn tồn tại 12 điểm úng ngập.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các điểm ngập úng đã được Sở Xây dựng Hà Nội liệt vào “danh sách đen” trên, hầu hết các trận mựa có cường độ từ 50-100mm/2giờ xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay còn khiến hàng loạt tuyến đường khác tại các quận nội thành “biến thành sông,” nước tràn vào nhà dân.

Tuyến phố Nguyễn Gia Thiều là ví dụ điển hình. Theo phản ánh của người dân sinh sống tại đây, từ đầu năm đến nay, khu phố này đã 3 lần bị ngập. Thậm chí, một số vị trí, nước còn tràn vào tận nhà dân dù cường độ mưa không quá lớn. Thực trạng này với người dân là điều bất thường, bởi khu phố này nằm ngay bên hồ Thiền Quang rộng lớn và có trạm bơm sẵn sàng hút nước mỗi khi mưa xống.

Tại nhiều khu phố khác như Tạ Hiện, Trần Hưng Đạo, khu vực Nhà hát lớn,… gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập. Trên bản đồ vị trí các điểm úng ngập khi mưa của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội, số vị trí điểm ngập cũng xuất hiện với tần suất dày hơn so với trước...

Tình trạng ngập úng sâu liên tiếp xảy ra tại phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Cách làm “phá” quy luật?

Theo đánh giá của giới chuyên gia về kiến trúc xây dựng, việc Hà Nội “cứ mưa là ngập” là do thực trạng phát triển “nóng” hạ tầng đô thị không có trọng tâm, không đồng bộ và “lệch” so với hệ thống khung của toàn thành phố. Đặc biệt là sự bất thường từ việc chặt hạ cây xanh cổ thụ, chỉnh trang đô thị, thay lát vỉa hè…

Đơn cử như đường Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Kim Mã, Dương Đình Nghệ, đường Láng, Nguyễn Văn Huyên,… trước đây vỉa hè được lát bởi các loại gạch thấm nước và luôn trừ khoảng trống để đất có thể “thở,” những hàng cây xanh ven đường cũng có khoảng đất để sinh tồn, bám chắc rễ nên cây cối ít bị đổ ra đường.

Thế nhưng, gần chục năm trở lại đây, do tốc độ phát triển quá “nóng” cùng với việc chỉnh trang vỉa hè, một số hàng cây xanh dọc các đoạn đường đã bị chặt hạ, sau đó bịt hết khoảng không tự nhiên bằng đá hoa cương.
Phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng: “Đây có thể nói là một cách làm thiếu tầm nhìn và đi ngược với quy hoạch, bởi Hà Nội là đô thị cổ, cứ 100m2 đô thị thì có đến 90m2 là công trình, nhà ở; chỉ có khoảng 10% là đường phố, vỉa hè, cống thoát nước.”
Với diện tích công cộng nhỏ hẹp khoảng 10m2 nêu trên, theo ông Tứ, đối với vỉa hè, Hà Nội cần dùng những loại gạch hút nước để tăng cường độ thấm, cũng như giảm đi một phần lượng nước đổ ra đường, tránh ngập úng.

“Thế nhưng, đến nay vỉa hè ở Hà Nội lát bằng đá hoa cương được mài nhũn và bịt hết mọi khoảng không của đất thì làm sao nước thấm được? Ngập là điều khó tránh khỏi,” ông Tứ trăn trở.

Nói thêm về việc “thay áo mới” cho vỉa hè, tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho rằng lát đá ở vỉa hè, đặc biệt là lát đá trên toàn khu vực phố cổ đã có từ lâu nhưng không thành công, bởi trong số hơn 1.000 tuyến phố tại Thủ đô thì mỗi tuyến phố có một đặc trưng khác nhau. Vì vậy không nên đổ đồng loạt các tuyến phố để xử lý vỉa hè.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng chủ trương “mặc áo mới” cho vỉa hè là tốt, nhưng nếu đồng loạt xới tung trên diện rộng để lát đá tự nhiên, không đồng bộ với hạ tầng ngầm sẽ là bước đi thụt lùi.

Hoạt động chỉnh trang đô thị, lát đá bịt kín vỉa hè là một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở nội thành Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Áp lực tiêu thoát nước

Ngoài lý do chặt hạ cây xanh, chỉnh trang đô thị, lát gạch bịt vỉa hè, một nguyên nhân khác gây cản trở việc thoát nước ở Hà Nội, được giới chuyên gia đề cập đến là việc một số hộ dân, cơ sở sản xuất tự ý xây dựng trái phép bục bệ, đường dẫn kiên cố kết nối phần vỉa hè, lòng đường để làm nơi kinh doanh cũng khá phổ biến.

Theo quy định, vỉa hè phải cao hơn mặt đường tối thiểu 10cm để đảm bảo dẫn và thoát nước, song nhiều nhà dân và các cơ sở kinh doanh đã tự ý đổ bê tông kín cả phần cống thoát nước tạo thành bục bệ, đường dẫn kết nối với vỉa hè, lòng đường.

Đơn cử, tại các tuyến phố Thái Thịnh, Chùa Bộc, Xã Đàn (quận Đống Đa), Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng), Tam Trinh, Kim Giang (quận Hoàng Mai),… phần lớn rãnh thoát nước trên tuyến đường đã bị các hộ kinh doanh mặt phố lấn chiếm, xây dựng bục bệ, cầu dẫn kết nối với vỉa hè để tiện cho việc đưa xe lên xuống.

Thực trạng trên không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm tắc dòng chảy tiêu thoát nước. Đánh giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy sau mỗi trận mưa việc tiêu thoát nước tại các tuyến phố nội đô nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa nước tới miệng hố ga. Nếu hố ga hoặc rãnh nước bị tắc sẽ khiến nước mưa dềnh lên gây ngập cục bộ.

Không những thế, tại nhiều tuyến phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, rửa xe hàng ngày cũng đang xả một lượng nước lớn chứa dầu mỡ vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, khiến nước khó tiêu thoát và ô nhiễm môi trường nước.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, người được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giao trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, cũng thừa nhận việc thi công xây dựng các công trình có ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng tiêu thoát nước của thành phố.

Dẫn chứng trận mưa gây ngập cục bộ vào chiều 17/8/2020, ông Hùng cho biết tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, mực nước hồ trước khi mưa vận hành cao hơn mực nước khống chế trên 5cm, làm giảm khả năng thu nước. Thời điểm ngập, hồ bị tràn bờ. Hay như khu vực phố Nguyễn Gia Thiều, từng là “điểm đen” về ngập úng bởi đây là cái “rốn nước” của các khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, gần 10 năm trước đã có hệ thống trạm bơm hút nước mưa, nên điểm ngập này đã bị “xóa,” tức là không phải cắt cử người trực để xử lý thoát nước như các điểm ngập khác. “Còn việc khu vực này bị ngập trong các trận mưa từ đầu năm tới nay là do mưa tập trung, hệ thống thoát nước không thoát kịp thời,” ông Hùng nhấn mạnh.

“Với lượng mưa khoảng 90mm/1 giờ đến 110mm/1,5 giờ, phố Nguyễn Gia Thiều hay các nơi khác bị ngập cũng không có gì lạ. Ví dụ vận động viên cử tạ, chỉ nâng được mức 100 cân mà đè 200 cân thì sao chịu được,” ông Hùng giải thích và nói rằng “giờ muốn xử lý thì chỉ có làm lại hệ thống thoát nước toàn thành phố”.

2. “Bơm” hàng nghìn tỉ đồng chống ngập, Hà Nội vẫn “bì bõm” trong mưa lớn

Đầu tư lớn, Hà Nội vẫn chưa thoát ngập

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy thoát nước Hà Nội là dự án được “bơm” nhiều kinh phí nhất trong số các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước ở thành phố từ trước tới nay. Dự án này được chia thành hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, chủ yếu bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 1998 và kết thúc vào cuối năm 2004 với mục tiêu chống úng ngập trên địa bàn thành phố do những trận mưa có cường độ 172mm/2 ngày; tăng khả năng vận hành, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội; cải thiện về cảnh quan môi trường đô thị...

Giai đoạn II tiếp tục được khởi động từ năm 2006 với mục tiêu chống úng ngập cho thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch với lượng nước mưa 310mm/2 ngày, chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2013, sau đó lùi tới năm 2015.

Thế nhưng, sau đó dự án vẫn tiếp tục “tắc” do triển khai chậm và đội vốn thêm 100 triệu USD. Nguyên nhân được Ban quản lý dự án đưa ra là do vướng mắc giải phóng mặt bằng (việc giải phóng mặt bằng trải dài trên 8 quận, huyện với gần 9.000 phương án thực hiện). Vì thế, đến cuối năm 2016, dự án này mới “về đích.”

Trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để tiêu úng, chống ngập nhưng kết quả chưa như mong đợi. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, theo kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II, quy mô đầu tư dự án ban đầu là hơn 6.300 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên tới 8.000 tỷ đồng), quá trình triển khai dự án này đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, chi phí xây dựng công trình.

Trước những hạn chế về phạm vi và giải quyết úng ngập của dự án thoát nước trên, từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phê duyệt các dự án: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và Cụm công trình đầu mối Liên Mạc… nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, bao gồm các quận Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng.

Cụ thể, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa triển khai từ năm 2015 (tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) có chức năng bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, nhằm giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân; dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng) thi công trong giai đoạn từ năm 2018-2020, với mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm và phụ cận.

Lý giải cho việc “chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thoát nước, Hà Nội vẫn ngập” nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng nguyên nhân chính khiến các dự án chậm tiến độ là do vướng trong giải phóng mặt bằng, có dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng…

Ông Hùng cũng khẳng định: “Việc đầu tư các dự án thoát nước là cần thiết để cải thiện ngập úng. Tuy nhiên, hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư trên cũng chỉ có giá trị bằng khu đô thị, mà ở đây là đầu tư phục vụ cho cả thành phố...”

Nước ngập sâu, người tham gia giao thông phải dắt bộ xe máy. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Mới đáp ứng được 20% yêu cầu

Theo ông Hùng, đầu tư hệ thống thoát nước thì phải đồng bộ, từ hệ thống ga thu trên đường, hộ dân đến các tuyến sông, trạm bơm… Tuy nhiên, hiện dự án thoát nước Hà Nội cũng mới đáp ứng được một phần, các khu vực ngoài vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và dự án nhỏ lẻ của quận cũng chỉ giải quyết được các điểm nhỏ lẻ.

Nói rõ hơn, ông Hùng cho biết thời kỳ năm 1993-1995, tổ chức OECF (sau này là JICA) của Nhật Bản đã giúp Hà Nội quy hoạch tổng thể cấp thoát nước với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.100 triệu USD, nhưng hiện mới có 2 dự án thoát nước đầu tư vài trăm triệu USD, tức chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với yêu cầu.

“Vì thế, nếu số tiền trên so với yêu cầu thì mới chỉ đáp ứng được một phần. Và mục tiêu cũng chỉ được đến thế, nên mưa to nước vẫn bị ngập,” ông Hùng nói và cho rằng muốn giải quyết được tình trạng ngập úng thì đầu tiên là phải đầu tư hạ tầng cấp thoát nước đồng bộ nhưng “cái này rất tốn kém.”

Chia sẻ thêm về hiện trạng hệ thống tiêu thoát nước hiện nay, ông Hùng cho biết hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được phê duyệt bao gồm: 5.735,44km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính;...

Đến nay, Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2. Các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông.

Ngoài ra, một số trạm bơm chưa được đầu tư đồng bộ, sông Nhuệ và hệ thống kênh xả kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét và kè đến cốt thiết kế cũng là những nguyên nhân không đảm bảo được việc thoát nước cho thành phố.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), một trong những lý do góp phần dẫn tới tình trạng ngập úng ở Hà Nội là do hoạt động lấn chiếm, san lấp ao, hồ để kinh doanh,…

Trong đó, quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã có 4 hồ bị san lấp; một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước bị thu hẹp đáng kể.

Tình trạng ngập úng mỗi khi mưa đã trở thành câu chuyện quen thuộc ở Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội cho rằng việc cơ quan quản lý hạ tầng thoát nước đô thị Hà Nội nhận định mưa to quá nên ngập hay mưa to vẫn bị ngập là thiếu trách nhiệm.

Theo vị kiến trức sư này, đơn vị làm công tác thoát nước ở Hà Nội sử dụng nguồn lực của thành phố để chống ngập, nhưng ngập lụt vẫn kéo dài thì không nên đổ thừa cho mưa to quá. Ông cũng cho rằng cần phải xem xét lại các dự án thoát nước có vốn lớn đầu tư đã thực chất hay chưa.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch thành phố Hà Nội, kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, do kinh nghiệm quy hoạch của ta không nhiều, nguồn lực hạn chế, nên trong khoảng thời gian vài chục năm sau, việc thoát nước ở Hà Nội “khá tùy tiện.”

Ông Ánh cho rằng đến những năm 2000, nhờ có Nhật Bản giúp thiết kế nên quy hoạch thoát nước ở Hà Nội có bài bản hơn. Thế nhưng, khi thiết kế xong, định hướng phát triển đô thị lại lạc hậu so với thiết kế hệ thống thoát nước này. Do đó, hệ thống thoát nước ở Hà Nội là không tổng thể, lạc hậu so với thực tế phát triển.

Có cùng quan điểm, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội cứ mưa là ngập đã nói nhiều nhưng chưa có giải pháp. Điều đáng lưu ý là, mặc dù hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo nhưng chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh.

Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bê tông hóa. Thế nên đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để.

Còn theo giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tốc độ đô thị hóa nhanh được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập ở Hà Nội. Tuy nhiên, một lý do không thể không nhắc tới đó là tốc độ biến mất diện tích mặt nước ở Hà Nội tăng nhanh đầu thế kỷ 21.

Nghịch lý là nhiều ao hồ không những không được bảo vệ, mà còn bị san lấp, biến thành các công trình, dự án, chung cư cao tầng. Trong khi đó việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu, bởi hệ thống thoát nước ở Thủ đô vẫn chủ yếu là tự chảy nên khả năng tiêu thoát nước không cao.

3. Giải quyết ngập úng cho thủ đô Hà Nội bằng cách nào?

Trước thực trạng các dự án thoát nước có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng liên tiếp bị “tắc” tiến độ, đội vốn đầu tư, khiến tình trạng ngập úng ở Thủ đô vẫn chưa được giải quyết như kỳ vọng, bên cạnh việc “hiến kế” giúp Hà Nội thoát ngập, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc, không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý “quýt làm, ngân sách chịu.”

Phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước

Như VietnamPlus đã phản ánh trong bài trước, từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã “bơm” hàng trăm triệu USD để triển khai các dự án thoát nước cho thành phố, đặc biệt là giải quyết các “điểm đen” ngập úng ở khu vực nội thị. Thế nhưng, 20 năm qua, các dự án vẫn lần lượt bị “tắc,” hệ quả là mưa xuống phố vẫn thành sông.

Dẫn lại bài học từ trận lụt năm 2008, phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho biết Hà Nội đã từng xảy ra đợt mưa lũ khiến hàng triệu người dân phải sống trong cảnh lụt lội, thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước không đồng bộ nên không tiêu thoát kịp nước mưa.

Sự việc trên càng đáng trách hơn khi trước đó, vào năm 1998, Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng dự án cải tạo hệ thống thoát nước (dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, hoàn thành vào năm 2005) với số tiền khoảng 200 triệu USD.” Ông Thuyết đề nghị thành phố Hà Nội cần “soi lại mình” và xử lý trách nhiệm của các ban ngành.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng để xảy ra lụt lội trên có một phần trách nhiệm của thành phố Hà Nội. “Tất nhiên, để xảy ra thiệt hại có phần lý do khách quan là mưa quá lớn nhưng cá nhân tôi cũng như rất nhiều người mong Hà Nội có một quy hoạch, tầm nhìn xa hơn. Ví dụ, cống thoát nước ở ta rất nhỏ so với nước ngoài, chỉ một vài trận mưa là bùn đất lại tắc,” bà Khánh nói.

Về phía Hà Nội, sau trận mưa lũ gây gập khủng khiếp trên, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tiếp tục chi hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án tiêu thoát nước, nhưng đến nay, phần lớn các dự án vẫn bị “tắc” tiến độ; dự án đã vận hành cũng mới chỉ đáp ứng được một phần việc dẫn nước ra sông.

Cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...

Trong đó, chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực, thoát nước mỗi khu vực riêng hài hòa với thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội, cũng nêu quan điểm cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Bởi theo ông Ánh, những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua.

Vì thế, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần; có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy…

“Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh,” kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội cũng lưu ý, để thực hiện các giải pháp trên, trước hết cần phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung; xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước.

Hiến kế giúp Hà Nội thoát ngập

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, thách thức lớn trong thoát nước đô thị hiện nay là việc đấu nối các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối rất khó thực hiện được.

Vì thế, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh cho rằng việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị.

Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cũng lưu ý, mặc dù việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, nếu chúng ta có hướng đi phù hợp thì nó sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn.

Có chung quan điểm, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị biện pháp trước mắt là ngành thoát nước cần có những phương tiện cơ động để giải quyết úng ngập cục bộ, khi mà hệ thống thoát nước ở Hà Nội chưa thể sửa trong ngày một ngày hai.

Về lâu dài, Hà Nội cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán; xây dựng một dự án điều chỉnh, trong đó cần chú trọng đến việc gia tăng các trạm cuối nguồn như trạm bơm Yên Sở, Liên Mạc; chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ; xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ách tắc cho hệ thống cống nguồn.

Bên cạnh giải quyết hệ thống thoát nước, Hà Nội cũng cần phải chú trọng đến việc điều hòa nước, bởi hiện nay toàn thành phố có hơn 100 hồ trong nội thành nhưng diện tích thoát nước bị lấp đi rất nhiều. Quan trọng hơn là phải thường xuyên nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội và Bộ xây dựng cũng cần có quy định, bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng các dự án, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố, tránh tình trạng giải quyết điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng cho biết để giải quyết tình trạng úng ngập ở Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện đồng loạt các giải pháp như xây dựng bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu nước mưa tại chỗ, bảo đảm được hệ thống hồ điều hòa không bị san lấp sử dụng vào mục đích khác.

Cùng với đó, Hà Nội cần chủ động ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới, cải tạo, duy tu, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Chỉ khi nào Hà Nội hoàn thành công tác xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng lượng mưa trên 300mm trong hai ngày với cường độ lớn thì tình trạng ngập úng mới giảm.

Góp thêm ý kiến, phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ cho rằng để giải quyết tình trạng ngập úng, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ hệ thống ngầm, cấp thoát nước. Tuy nhiên, trước tiên, Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước xem tắc, nghẽn ở đâu để tháo gỡ.

“Hà Nội đã đầu tư quá nhiều tiền cho hệ thống thoát nước, vì thế nếu tắc vì tiền thì cân nhắc đầu tư thêm để đồng bộ hệ thống; nếu tắc vì lý do khác thì cũng cần phải đưa ra nghiên cứu, có góp ý của giới chuyên gia để giải quyết,” ông Tứ chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng các dự án “ngốn” hàng chục nghìn tỷ vẫn liên tiếp bị “tắc” tiến độ, đội vốn, ông Tứ và nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý “quýt làm ngân sách chịu.” Tức là cá nhân, doanh nghiệp làm sai, còn ngân sách nhà nước thì phải chạy theo để giải quyết hậu quả. Nhà nước không thể bao cấp mãi về môi trường./.

Đưa ra giải pháp thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong thời gian tới, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; nâng cấp phần mềm HSDC Maps (ứng dụng cảnh báo điểm ngập úng) trên điện thoại thông minh như thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố...

Ngoài ra, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn; triển khai ứng trực 24/24 giờ giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.

Theo Hùng Võ/Vietnamplus

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội 'cứ mưa là ngập'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...