Thứ ba, 19/03/2024 12:36 (GMT+7)

Hà Nội: Dự án PCC1 Thanh Xuân và triệu chứng “lờ đờ” của người dân

Nhóm PV -  Thứ hai, 22/07/2019 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án PCC1 Thanh Xuân được khởi công từ đầu tháng 9/2018 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 do Công ty Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Từ nhiều tháng nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ngõ 44 và ngõ 52 Triều Khúc bị đảo lộn vì tiếng ồn suốt ngày đêm phát ra từ dự án PCC1 Thanh Xuân do Công ty cổ phần Cơ khí ôtô Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) làm chủ đầu tư và công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (HCMCC) là đơn vị thi công. Lờ đờ, mệt mỏi, mất tập trung, kém minh mẫn. Đó là những dấu hiệu kéo dài mà người dân liền kề dự án phải chịu đựng do tình trạng mất ngủ triền miên.

Ô nhiễm tiếng ồn - ẩn họa vô hình

Dự án PCC1 Thanh Xuân được khởi công từ đầu tháng 9/2018 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019 do Công ty Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 59.910m2 gồm 27 tầng nổi, được thiết kế theo kiểu nhà ở hỗn hợp kết hợp với dịch vụ thương mại, nhà trẻ và công viên cây xanh.

Theo phản ánh của khu dân cư ngõ 44 và ngõ 52 Triều Khúc, thì cuộc sống của họ bị đảo lộn từ khi dự án triển khai. Trước đây, họ từng là cán bộ, công nhân của nhà máy Cơ khí ô tô Hòa Bình, sinh sống ở đây mấy chục năm, chưa bao giờ họ lại phải trải qua những quãng thời gian khổ sở, căng thẳng như bây giờ. Hết thi công làm nứt, lún nhà dân thì giờ đây tiếng ồn phát ra ngày đêm, bụi từ bên trong công trình là nỗi ám ảnh khủng khiếp. “Quá trình thi công, bụi bẩn vật liệu, mùi dầu máy, xe bê tông ngày đêm làm chúng tôi không ngủ được. Người già và trẻ nhỏ không chịu nổi, có gia đình phải thuê nhà ở chỗ khác vì mới nhà có trẻ mới sinh”-Trích đơn kiến nghị các hộ dân.

Bác Nghĩa trong ngõ 44 Triều Khúc cho biết “Người có tuổi như chúng tôi cảm thấy sức khỏe giảm sút trông thấy. Có người còn bị mắc chứng bệnh về đường hô hấp, tai nghe cảm thấy kém”.

Nhiều hộ gia đình đã phải che chắn, lợp tôn để chống bụi và làm giảm tiếng ồn

Theo quan sát của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, trong khuôn viên công trường, thường xuyên có hàng trăm công nhân, máy móc, hoạt động suốt ngày đêm, xe ô-tô vật liệu ra vào tấp nập, bầu không khí đặc quánh bụi đất, cát, phế liệu, xi-măng. Bụi bay lơ lửng trong không trung, bám trên các mái nhà, len lỏi vào từng căn hộ.

“Trong quá trình làm 3 ca, nhiều đêm đổ bê tông, xe tải chở và đổ vật liệu, công nhân thì cười nói gây mất trật tự cả khu xóm” bác Nguyễn Văn Thức 75 tuổi cho biết.

“Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn từ 35dB trở lên đã đủ để gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường.Tiếng động ban đêm tạo ra những cơn thức giấc bất thường, làm thay đổi chu kỳ các giai đoạn của giấc ngủ và gây khó khăn đi vào giấc ngủ. Nhiều thức giấc bất thường sẽ đưa tới thiếu ngủ và hậu quả là sự mệt mỏi, bải hoải, buồn chán vào ngày hôm sau. Tiếng động trong khi ngủ cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim, co mạch máu ngoại vi và các cử động của cơ thể như trằn trọc trở mình, co chân duỗi tay” (Nguồn Internet)

Trong điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn ngoài xử phạt bằng tiền từ 1tr đến 160tr thì Nghị định còn có hình phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

Cầu tháp đe dọa tính mạng người dân

Trong đơn đề nghị, người dân còn phản ánh tình trạng cẩu tháp thường xuyên vượt ra khỏi phạm vi công trình vắt ngang qua khu chợ, lơ lửng trên nóc nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Lo lắng của người dân là chính đáng vì ghi nhận trong thời gian qua tại Hà Nội, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn mà nguyên nhân có liên quan đến cẩu tháp. Vào tháng 12/2015, tại chung cư ở số 52 Lĩnh Nam, xảy ra vụ sập tháng máy cẩu khiến 3 người tử vong; tháng 5/2018, giàn cẩu dùng để thi công lắp đặt và lau kính tại Thái Hà bất ngờ bị đứt khiến 2 dân ngồi trong quán nước gần đó bị thương nặng phải đi cấp cứu. Đó chỉ là một vài tai nạn trong số rất nhiều tai nạn khác có liên quan đến các hoạt động của các cẩu tháp, điều này đang gây ra nhiều nỗi lo về vấn đề mất an toàn lao động.

Theo Chỉ thị số 1 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 02/11/2015 về việc đảm bảo an toàn trong thi công và xây dựng công trình và Chỉ thị 08 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công trên địa bàn Hà Nội. Nội dung đã ghi rõ: Đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận, chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22h đến 5h sáng hôm sau và phải đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Mặc dù đã có những quy định rõ ràng như thế. Nhưng khi PV liên hệ qua điện thoại với ông Nam-Chỉ huy phó thi công dự án (thuộc công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh) để phán ánh tình trạng trên, thì ông Nam khẳng định: Cẩu tháp của đơn vị mình vươn ra khỏi phạm vi công trình như thế là không sai. Ông Nam còn đề nghị PV về xem lại luật?.

Cẩu tháp đơn vị thi công vắt ngang ngõ chợ, nơi luôn tập trung đông đúc người

Cẩu tháp vươn ra khỏi công trình phố Triều Khúc

Dự án PCC1Thanh Xuân - “Người không mang họ cha”.

Ngày 25/1/1994, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhà máy ô tô Hòa Bình (thuộc Bộ GTVT) với tổng diện tích 61.643 m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (nay là số 53 và 44 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân). Trong đó tại 44 Triều Khúc có diện tích là 6.098 m2 (Công ty được UBND Thành phố cho thuê theo Quyết định 1974/QĐ-UB ngày 26/4/2006 để tiếp tục làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh). Ngày 04/7/ 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 4070/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-3 khu đất 44 Triều Khúc theo hướng giao cho Công ty Hòa Bình lập dự án đồng bộ (có tính chất nhà ở, thương mại, văn phòng; cao 27 tầng)

Có điều khá thú vị là dự án tại 44 Triều Khúc do công ty cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình làm chủ đầu tư nhưng tên dự án lại mang tên một đơn vị khác, đó là công ty CP xây lắp điện 1 (PCC1). Lần theo các thông tin, PV được biết nguyên nhân là từ tháng 9 /2016, PCC1 nhận mua bán cổ phần ở Công ty Hòa Bình và phê duyệt vốn đầu tư dự án PCC1 Thanh Xuân. Công ty CP ô tô Hòa Bình (pháp nhân thực hiện dự án) có vốn điều lệ gần 27 tỷ đồng. Và bất ngờ là, PCC1 nắm giữ tới 98,4% vốn điều lệ. Đến đây, có thể thấy khu đất có diện tích 6.098 m2 tại 44 Triều Khúc đã được chuyển hóa lợi nhuận khai thác từ Công ty Hòa Bình sang PCC1.

Từ khi dự án PCC1 Thanh Xuân đi vào triển khai đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống các hộ dân liền kề, từ lún nứt, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn đến cẩu tháp đe dọa đến tính mạng của người dân. Cuộc sống bất an, lo lắng, các hộ dân đã nhiều lần “cõng” đơn lên UBND phường Thanh Xuân Nam và phản ánh tới chủ đầu tư, đơn vị thi công. Thế nhưng tất cả đều im ắng đến lạ thường…

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Dự án PCC1 Thanh Xuân và triệu chứng “lờ đờ” của người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới