Thứ năm, 25/04/2024 12:06 (GMT+7)

Hà Nội phân loại làng nghề để xem xét mức độ ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 15/04/2020 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo thống kê, Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Dự kiến kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2019, Sở đã rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề; năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề nhằm đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tể của địa phương.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 - 2020; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ trên, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (Hoài Đức), công suất 20.000m3/ngày đêm đã hoàn thành, quản lý vận hành từ tháng 10-2016; cơ bản hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) công suất 8.000 m3/ngày đêm, tiếp nhận nước thải của 5 xã: Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên; triển khai dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề dệt nhuộm xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) công suất 500 m3/ngày đêm.

UBND thành phố cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) công suất 4.000m3/ngày đêm, tiếp nhận nước thải của 4 xã: Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) công suất 1.000 m3/ngày đêm thuộc dự án khắc phục ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, gồm: 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 569 tỷ đồng; đầu tư xử lý nước thải tại 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.983,8 tỷ đồng.

Được biết, năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ 12 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thực hiện Chương trình khuyến công địa phương; hỗ trợ 1 đề án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia. Năm 2018, triển khai hỗ trợ 14 dự án đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn tại các làng nghề và cụm công nghiệp.

Theo Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường ,nhiều làng nghề chưa được đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường nên chất thải rắn, nước thải, khí thải chưa được xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất (chưa có thống kê cụ thể về khối lượng phát sinh tại các làng nghề)... Nhiều làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tái chế phế liệu (giấy, nhựa, kim loại...) phát sinh khối lượng chất thải rắn rất lớn sau quá trình sản xuất, chất thải này không được thu gom, xử lý mà xả thẳng ra các khu vực công cộng, đặc biệt là ao hồ, bờ đê gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước dưới đất, bốc mùi hôi thối và mất mỹ quan khu vực nông thôn.

Một số làng nghề có những loại hình gây ô nhiễm như làng nghề hầm than củi tại các xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng); làng nghề chăn nuôi lợn tại các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre)... Mặc dù địa phương đã có nhiều giải pháp như di dời ra khu vực sản xuất tập trung, cải tiến công nghệ... nhưng đây vẫn là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thậm chí, tại một số làng nghề dù đã được đầu tư một số hạng mục công trình bảo vệ môi trường nhưng hoạt động lại không hiệu quả. Đơn cử như trạm xử lý nước thải tập trung đã xuống cấp, hư hỏng, chi phí vận hành xử lý nước thải lớn trong khi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể (như dự án từ nguồn khoa học công nghệ tại làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm; dự án tại làng nghề sơn mài Hạ Thái....

Một số làng nghề đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung song khó khăn trong việc triển khai đấu nối và huy động vốn đối ứng của người dân như làng nghề nấu rượu làng Vân, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng... Nhiều làng nghề chưa có dự án hoặc đã có dự án nhưng còn chậm triển khai thực hiện do thiếu kinh phí như làng nghề đúc đồng Đại Bái; làng nghề đúc đồng Quảng Bố, làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, làng nghề bún bánh Yên Ninh... Làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá; làng nghề bún Phú Đô còn khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

Nhiều làng nghề chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất di dời ra khỏi khu dân cư hoặc một số cơ sơ sản xuất đã di dời vào cụm công nghiệp, tuy nhiên một số vẫn tập trung tại các khu vực trong làng nghề như làng nghề dệt Phương La, tỉnh Thái Bình; làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, Hà Nam...gây nên nguy cơ tái ô nhiễm rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hình thành mới./

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KHCN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phân loại làng nghề để xem xét mức độ ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới