Thứ sáu, 29/03/2024 14:29 (GMT+7)

Hàng trăm con sông trên thế giới bị ô nhiễm kháng sinh nặng

MTĐT -  Thứ ba, 28/05/2019 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ sông Thames đến Tigris, nồng độ kháng sinh ở các con sông đang ở mức đáng báo động, dẫn đến nguy cơ vi khuẩn ở môi trường này phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm.

Ô nhiễm kháng sinh là một trong những con đường chính mà vi khuẩn có thể phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm, khiến thuốc trở nên không còn hiệu quả khi sử dụng cho con người, theo Guardian.

"Rất nhiều trong số những gen kháng thuốc mà chúng ta thấy ở bản đồ gen người có nguồn gốc từ các vi khuẩn môi trường", giáo sư William Gaze, nhà sinh thái học vi sinh tại Đại học Exeter, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực kháng thuốc kháng sinh, cho biết.

Có thể gây ra cái chết của 10 triệu người

Sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, và có thể giết chết 10 triệu người vào năm 2050, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc trong tháng trước.

Những chất kháng sinh này xuất hiện ở sông ngòi và trong đất đai qua đường chất thải sinh hoạt của con người, động vật cũng như chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất thuốc men.

"Điều này đáng sợ và đáng lo ngại. Chúng ta có phần môi trường lớn có dư lượng kháng sinh cao ảnh hưởng đến khả năng kháng thuốc", bà Alistair Boxall, nhà khoa học môi trường tại Đại học York, đồng tác giả nghiên cứu về dư lượng kháng sinh tại nhiều con sông trên khắp thế giới, cho biết.

Sông Danube là con sông ô nhiễm kháng sinh nhất ở châu Âu, với nồng độ clarithtomycin cao gấp 4 lần mức an toàn. Ảnh: Getty.

Nghiên cứu này được công bố hôm 27/5 trong hội thảo diễn ra tại Helsinki, cho thấy một loạt con sông nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm cả sông Thames ở London, xuất hiện dư lượng những loại kháng sinh dùng điều trị các vết nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, dư lượng kháng sinh ở các con sông được phát hiện ở mức độ không an toàn, nghĩa là việc kháng kháng sinh có khả năng phát triển và lan rộng.

Các mẫu nước được lấy từ sông Danube đoạn chảy qua Áo cho thấy sự xuất hiện của 7 loại kháng sinh, bao gồm clarithtomycin, vốn được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi và viêm phế quản. Nồng độ của chất này cao gấp 4 lần mức an toàn.

Mức độ nguy hiểm cao ở châu Á, châu Phi

Danube là con sông lớn thứ 2 ở châu Âu và cũng là con sông nhiễm kháng sinh nặng nhất ở lục địa này. 8% số sông ngòi ở châu Âu trong nghiên cứu có mức kháng sinh cao hơn cho phép.

Sông Thames, dù được coi là một trong những con sông sạch nhất châu Âu, cũng bị nhiễm kháng sinh nặng. Chất ciprofloxacin - được sử dụng để điều trị nhiễm trùng da và đường tiết niệu - có nồng độ cao gấp 3 lần cho phép.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu thí nghiệm tại 711 địa điểm ở 72 quốc gia, và tìm thấy kháng sinh ở 65% trong số những mẫu nước này. Trong 111 địa điểm, nồng độ kháng sinh vượt quá mức cho phép, với trường hợp nặng nhất là 300 lần giới hạn an toàn.

Sông ngòi ở các nước đang phát triển thường có nồng độ kháng sinh cao hơn, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi. Tại Bangladesh, nồng độ chất metronidazole (được sử dụng để điều trị nhiễm trùng âm đạo) ở trong nước sông cao tới hơn 300 lần mức độ an toàn. Địa điểm này nằm gần một nhà máy xử lý nước thải, nơi mà các nước đang phát triển thường thiếu công nghệ để loại bỏ chất kháng sinh.

Việc xử lý nước thải và chất thải không hợp lý rồi đổ thẳng xuống sông, như được phát hiện tại một địa điểm ở Kenya, cũng dẫn đến nồng độ kháng sinh cao gấp 100 lần mức an toàn.

Bà Helen Hamilton, chuyên gia phân tích sức khỏe và vệ sinh tại tổ chức từ thiện Water Aid, nhận định: "Việc nâng cao khả năng quản lý an toàn các dịch vụ y tế và vệ sinh ở các nước đang phát triển là rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh".

Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch đánh giá tác động môi trường của ô nhiễm kháng sinh với sinh vật ở các con sông, bao gồm cá, các loài không xương sống và tảo.

Họ cho rằng những tác động này là rất nghiêm trọng. Nồng độ kháng sinh ở một số sông tại Kenya cao tới mức không có con cá nào có thể sống sót.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm con sông trên thế giới bị ô nhiễm kháng sinh nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.