Thứ sáu, 29/03/2024 06:16 (GMT+7)

Hiện trạng môi trường làng nghề xã Đại Bái, Gia Bình

Ths. Bùi Thị Minh Nguyệt -  Thứ sáu, 29/12/2017 16:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại Bái là làng nghề truyền thống với các nghề chính như: đúc đồng, dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, kim khí, hoàn chỉnh các chi tiết, chạm, khắc kim loại, ghép tam khí...

Tỉnh Bắc Ninh có trên 70 làng nghề (62 làng nghề thủ công truyền thống); 27 cụm công nghiệp trong đó có làng nghề đúc đồng Đại Bái. Đây là một làng nghề truyền thống với các nghề chính như: đúc đồng, dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, kim khí, hoàn chỉnh các chi tiết, chạm, khắc kim loại, ghép tam khí,…

Đại Bái có tên cổ là làng Bưởi Nồi, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km (bên bờ Nam sông Đuống), cách trung tâm huyện Gia Bình 3km, có tỉnh lộ 282 chạy qua. Xã Đại Bái có diện tích tự nhiên 689,38 ha, trong đó đất nông nghiệp là 426 ha (chiếm 61,8%), đất chuyên dùng 109,65 ha (chiếm 15%), đất dân cư 36,2 ha (chiếm 5,3%), đất chưa sử dụng 117,51 ha (chiếm 17%). Xã có 11.700 khẩu với 3.035 hộ, khoảng 800 hộ chủ yếu ở thôn Đại Bái làm nghề đúc đồng truyền thống và các loại hình phụ trợ như vận tải, thu gom vật liệu, trưng bày sản phẩm,… góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động địa phương và các vùng phụ cận. Đại Bái hiện có khoảng 150 lò đúc đồng, nhôm nhưng hàng tháng chỉ có 15 - 20 lò hoạt động, trong đó có 45 lò lớn của 30 công ty. Mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 432 tấn đồng thành phẩm. Hoạt động này đem lại nguồn kinh tế lớn cho người dân nhưng cũng thải một lượng khá lớn kim loại nặng vào môi trường đất, nước của xã.

Ảnh minh họa

Theo điều tra thì quy trình đúc đồng ở đây mang tính truyền thống và thủ công. Nguyên liệu sử dụng là các phế liệu kim loại màu (nhôm, đồng, chì) như: dây điện, phôi đồng của các nhà máy điện,vỏ máy các loại,… được phân loại, đưa vào giã trong cối công nghiệp (tự chế), xử lý tạp chất thông qua bể đãi, đồng đã qua xử lý được đưa vào lò nung, đến nhiệt độ thích hợp bổ sung thêm một lượng kẽm, chì nhất định để tạo độ dẻo, sau đó đổ ra thành thỏi. Đồng thỏi được bán ra thị trường, tùy mục đích sản xuất của từng hộ gia đình mà đồng được dát mỏng để lành tranh, chữ, ghép tam khí, chuông, phích cắm điện, đồng hồ đo nước,…Với lượng tiêu thụ khoảng 5.000 tấn/năm. Nhiên liệu tiêu thụ trong quá trình nung chảy phế liệu và đúc là than và điện với lượng tiêu thụ khoảng 2.500 tấn than/năm. Vì vậy, trong quá trình sản xuất đã thải ra môi trường một lượng khí thải và chất thải rắn lớn, gây nguy hại trực tiếp đến môi trường sống, môi trường đất của xã Đại Bái.

Do nguyên liệu sản xuất chủ yếu là phế liệu kim loại và công nghệ sản xuất thủ công nên sản phẩm chỉ thu được khoảng 60 - 70%, 30 - 40% còn lại là bã xỉ kim loại và tạp chất. Qua khảo sát thực tế 1 năm làng nghề thải ra khoảng 700 tấn chất thải rắn, lượng chất thải này được dải đường, đóng thành bao xếp xuống ao, mương, lề đường hay đổ tại bãi rác tập trung,…Đồng thời 1 tấn đồng thỏi sau khi dát mỏng, gò thành phẩm, đánh bóng sản phẩm sẽ thất thoát khoảng 0,5%. Như vậy, một năm có khoảng 25 tấn đồng được thải vào môi trường. Đây là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởn đến sức khỏe người dân.

Bên cạnh các nguồn phế thải rắn của các lò đúc đồng, nhôm còn một lượng lớn nước thải từ quá trình gò, dát mỏng kim loại và dùng hóa chất để đánh bóng sản phẩm. Lượng hóa chất này sau khi dùng xong được đổ cùng với nước thải không qua xử lý đi vào hệ thống kênh, mương thoát nước rồi chảy ra sông, ao, hồ,…Đây là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm của làng nghề.

Không khí tại làng nghề Đại Bái đang bị ô nhiễm với hàng nghìn m3 khí thải độc hại được thải ra hàng ngày do hoạt động của các cơ sở đúc đồng, nhôm. Tại khu vực dân cư nồng độ khí ô xít cacbon (CO), lưu huỳnh dioxit (SO2) vượt 1,05 - 1,68 lần so với tiêu chuẩn, nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1- 5,3 lần.
Ngoài các hộ tái chế kim loại, Đại Bái có khoảng 100 hộ chuyên thu gom, kinh doanh phế liệu các loại như: Máy biến thế, dây cáp điện, đồ dùng sinh hoạt hỏng, các loại xác máy bay,… lượng dầu mỡ trong máy biến thế đa số được các hộ thu gom thải ra môi trường, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước mặt và nước ngầm do dầu, mỡ tại địa phương.

Bên cạnh các hoạt động làng nghề thì sản xuất nông nghiệp cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm từ 75 - 80% chi phí cho sản xuất của người nông dân. Trong quá trình sản xuất con người đã làm tăng các nguyên tố kim loại nặng trong đất; Các loại thuốc bảo vệ thực vật thường có chứa các kim loại nặng như As, Pb, Hg. Các loại phân bón hóa học đặc biệt là phân photpho thường chứa nhiều As, Cd, Pb. Các loại bùn nước thải cũng là nguồn có chứa nhiều các kim loại nặng khác như As, Pb, Cd, Bi, Hg, Zn,…Khi phân tích 3 nguyên tố kim loại nặng Cu, Pb, Zn từ 27 mẫu đất nông nghiệp của xã Đại Bái, huyện Gia Bình PGS, TS Nguyễn Hữu Thành và cộng sự [2009]1 thì 8 mẫu đất bị ô nhiễm Cu (chiếm 29,62%), 02 mẫu bị ô nhiễm Pb (chiếm 7,4%).

Song song với những thuận lợi do hoạt động làng nghề mang lại thì làng Đại Bái phải đối mặt với những thách thức như thiếu vốn, khan hiếm lao động có tay nghề cao, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, sản xuất chạy theo lợi nhuận, bất chấp độc hại, nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, do quy mô sản xuất nhỏ, nằm rải rác trên địa bàn toàn xã nên những nguồn thải nhỏ, khó tập trung và hầu như chưa được xử lý nên đã tác động đến môi trường toàn vùng. Một số biện pháp đề xuất:

1. Tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường:
Được coi là là vấn đề cốt lõi, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xanh - sạch - đẹp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường sống góp phần xây dựng nông thôn mới.
Duy trì và nhân rộng các mô hình có sẵn ở địa phương như "Không vứt rác, xác động vật gây ô nhiễm môi trường", “Không vứt rác ở đây, sống văn minh là để bảo vệ mình”, để người dân biết được mức độ nguy hiểm của việc đổ các chất thải như xỉ nhôm, xỉ than bừa bãi khắp ao hồ, đường làng ngõ xóm. (Nguyễn Hữu Thành (2009), “Chất lượng đất nông nghiệp, xây dựng giới hạn tối đa cho phép hàm lượng KLN trong một số nhóm đất tại Việt Nam”.) 

2. Biện pháp quy hoạch:
Làng nghề là một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương nên công tác quy hoạch làng nghề phải được tiến hành đồng thời với quy hoạch môi trường. Cần quy hoạch một địa điểm hợp lý để thu gom chất thải rắn, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hệ thống ao, hồ, kênh, mương và môi trường xung quanh.

Ảnh minh họa

3. Biện pháp khoa học kỹ thuật:
+ Đối với chất thải rắn: 1 năm làng nghề thải ra khoảng 700 chất thải rắn chưa qua xử lý, lượng chất thải này được dùng để rải đường, đóng thành bao xếp xuống ao, mương, lề đường hay đổ ra bãi rác tập trung,… Dưới tác động của yếu tố khí hậu một lượng lớn kim loại nặng được rửa trôi và đi vào hệ thống kênh mương, đây chính là nguồn gây ô nhiễm kim loại nặng cho môi trường đất, nước của xã. Địa phương cần vận động nhân dân đổ chất thải rắn tại bãi thu gom chất thải của xã theo quy định số 155/1999/QĐ - TTg, ngày 16/7/1999 của Thủ tướng chính phủ về quản lý chất thải nguy hại.

Vận động các hộ sản xuất bảo ôn lò đốt, tránh tổn thất nhiệt giúp giảm ô nhiễm nhiệt, tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng loại than đá có hàm lượng lưu huỳnh thấp, có nhiệt độ cao, tuy giá thành có cao hơn than đá hiện tại nhưng sẽ giúp nâng cao nhiệt độ lò, giảm lượng xỉ than và nồng độ khí thải. Chọn các đơn vị có đủ chức năng để xử lý xỉ than, xỉ kim loại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ô nhiễm kim loại.
+ Đối với đất nông nghiệp: Tăng cường bón phân hữu cơ với bón vôi để giảm mức độ di động của Cu, Pb, Zn trong đất vì chất hữu cơ có khả năng liên kết, cố định kim loại nói chung và Cu, Pb, Zn nói riêng. Bổ sung một số khoáng vật có khả năng hấp thụ kim loại nặng như bentonit, Zeolit, .. để hạn chế sự di động của chúng.
+ Đối với nước mặt: UBND xã vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên môi trường, tổ chức ký kết trách nhiệm với các hộ dân trong xã, đặc biệt là các chủ lò, các hộ đang trực tiếp sản xuất đồng, nhôm đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, tuần hoàn lại nước rửa tại khâu đánh bóng sản phẩm giúp giảm chi phí sử dụng nước, giảm lượng nước thải từ 20 - 30% trước khi đổ vào hệ thống ao, hồ, kênh, mương ,… nhằm hạn chế và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường nước mặt.
Tổ chức nạo vét bùn và rác thải tại ao, kênh mương,... Trồng một số loại cây bản địa như rau ngổ, cải xoong, rau muống, dừa nước, bèo tây,… có khả năng hấp thụ kim loại nặng vào mô tế bào thực vật để làm giảm hàm lượng kim loại nặng trong nước mặt.
+ Đối với không khí: Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế ống khói lò đúc, xây dựng điểm mô hình trình diễn trên cơ sở đó vận động chủ các lò đúc đồng, nhôm đầu tư kinh phí, xây dựng ống khói đảm bảo kỹ thuật.
Lắp đặt hệ thống chụp hút thu khí, bụi từ lò đốt để giảm ô nhiễm khí thải gắn với lắp đặt hệ thống quạt thông gió để thông thoáng nhà xưởng sản xuất, giảm nồng độ khí độc và bụi trong nhà xưởng.
Ký cam kết với người dân trong tham gia bảo vệ môi trường thông qua việc chấp hành quy định về khí thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

4. Biện pháp hành chính:
Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, các hộ gia đình có các hoạt động sản xuất, tái chế đồng, nhôm chấp hành nghiêm các quy định về môi trường nhằm đảm bảo Luật Tài nguyên và Môi trường được thực hiện nghiêm túc, chủ động ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý làng nghề, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích thích đầu tư tập trung, đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý cho làng nghề hoạt động và phát triển.

5. Biện pháp tổ chức thực hiện:
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho làng nghề như: Nghiên cứu công nghệ, thiết bị xử lý chất thải, nước thải phù hợp với quy mô hộ, nhóm hộ gia đình; tổ chức chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động vay vốn, dự án.

Đầu tư xây dựng một số mô hình mẫu để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý ô nhiễm phải phù hợp với thực tế sản xuất của làng nghề để làng nghề phát triển bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Ths. Bùi Thị Minh Nguyệt
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh

Bạn đang đọc bài viết Hiện trạng môi trường làng nghề xã Đại Bái, Gia Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.