Thứ sáu, 29/03/2024 22:53 (GMT+7)

HN ô nhiễm không khí chưa từng thấy: Do nghịch nhiệt hay con người?

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua thời tiết hanh khô, không có mưa khiến khói bụi tiếp tục gia tăng làm các chỉ số không khí tại Hà Nội tiếp tục xấu đi, khiến không khí Thủ đô ô nhiễm chưa từng thấy.

Ngày 12/11, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tiếp tục gia tăng ở mức nghiêm trọng. Qua kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố cho thấy, chỉ số chất lượng không khí AIQ luôn ở mức từ 160 tới hơn 220, nồng độ bụi mịn PM 2.5 khoảng 150-200µg/m³.

Tại điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường ở số 556 phố Nguyễn Văn Cừ vào thời điểm 6 giờ ngày 12-/11, chỉ số AIQ lên tới 341. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Hơn nữa đây cũng là chỉ số mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu năm 2019 tới nay được ghi nhận ở Hà Nội.

Không khí bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng diễn ra vào buổi sáng và chiều tối, cải thiện vào buổi chiều. Khoảng thời gian ghi nhận có nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm, buổi sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra.

Từ trưa, chiều, ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm trong không khí được phát tán, chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.

Tranh cãi về nguyên nhân

Nhận định sơ bộ về nguyên nhân chất lượng không khí Hà Nội xuống thấp những ngày qua, Tổng cục Môi trường cho biết: “Từ ngày 4 đến 12/11, thời tiết tại khu vực miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM 2.5 tăng cao là vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM 2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa”.

Cũng theo Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ tốt hơn từ ngày 13/11, khi miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa.

Chiều 12/11, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Hà Nội) cho hay nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội nhiều ngày qua ở mức độ xấu là do nhiều nguồn phát thải cộng hưởng với yếu tố thời tiết không thuận lợi. Cụ thể, thời điểm này đang là thời điểm giao mùa, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào nửa đêm và sáng sớm (tối nhiệt độ thấp, ngày nhiệt độ cao). Cộng thêm nhiều ngày qua Hà Nội tĩnh gió, dẫn tới nhiều nguồn phát thải không phát tán được mà luôn tích tụ sát mặt đất, đặc biệt vào thời điểm nửa đêm về sáng, gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt vì ô nhiễm không khí của Hà Nội đã đến mức báo động. Nhiều tháng qua liên tục có các đợt cảnh báo từ xấu đến nguy hại.

“Một số người cho rằng ô nhiễm không khí ở Hà Nội do nghịch nhiệt nhưng tôi nghĩ không phải như vậy. Bởi nồng độ bụi mịn PM 2.5 luôn duy trì ở mức cao trong cả ngày, cao hơn vào buổi sáng. Nếu do nghịch nhiệt thì nồng độ bụi mịn lúc giảm xuống sẽ giảm ngay”, ông Tùng nói.

Theo ông, nguồn gây ô nhiễm do chính con người gây nên, không nên xoáy vào chuyện nghịch nhiệt. Ô nhiễm không khí của Hà Nội đã ở mức báo động, tần suất chất lượng không khí xuống thấp ngày càng nhiều.

Ô nhiễm không khí gây ra hàng loạt bệnh

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, công tác tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó, chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính.

Theo bác sỹ Hương, bụi mịn sẽ thấm nhiễm vào trong máu, các cơ quan trong cơ thể, gây bệnh lâu dài. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người, tác động tiêu cực tới quá trình điều trị của bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. “Người già, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém nên việc hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp”, bà Hương nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết HN ô nhiễm không khí chưa từng thấy: Do nghịch nhiệt hay con người?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới