Thứ năm, 28/03/2024 18:44 (GMT+7)

Khát vọng về một Hà Nội văn minh hiện đại

MTĐT -  Thứ ba, 18/02/2020 16:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2019 đi qua, tăng tưởng kinh tế của toàn Thủ đô tiếp tục để lại nhiều dấu án, trong đó điểm nhấn là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài với vị thế dẫn đầu cả nước.

Từ thương hiệu riêng là hội nghị thường niên “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” đến việc lắng nghe, đông hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội luôn nhất quán quan điểm, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Hà Nội.

Cuối năm 2019, làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ đến thành phố Hà Nội đối với một số lĩnh vực đạt kết quả tốt, trong đó, có kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh, môi trường đầu tư - kinh doanh của Hà Nội liên tục cải thiện, với những giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư…

Thực tế, như ông Nguyễn Mạnh Quyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ, năm 2019 Hà Nội tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ USD (kế hoạch là 7 - 7,5 tỷ USD). Hầu hết nhà đầu tư đến từ các châu lục, quốc gia có tiềm năng về vốn và công nghệ như các nước trong EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều đã có mặt tại Thủ đô. Đáng chú ý, kết quả thu hút vốn “ngoại” của Thu đô năm 2019 diễn ra theo hướng gia tăng đều đặn qua từng tháng, quý và luôn chiếm vị thế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào kết quả chung về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhận xét, khu vực đầu tư nước ngoài với ưu thế, tiềm lực lớn về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Đặc biệt, thông qua dòng vốn này, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp hội nhập rộng hơn với kinh tế toàn cầu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm. Đồng thời, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn đối với từng ngành làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, phương pháp quản trị, đầu tư nhiều cho mẫu mã, chất lượng sản phẩm, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho ngành và cả nền kinh tế.
Nhìn lại những kết quả tích cực kể trên, có thể thấy quyết tâm cao của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch, các hoạt động đối ngoại, văn hóa… Thành phố đã tạo điểm nhấn làm nền thương hiệu riêng của Hà Nội, đó là, từ năm 2016 đến nay, hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã trở thành hoạt động thường niên - sự kiện hội tụ giới đầu tư quốc tế và trong nước, với chuỗi hoạt động tìm kiếm cơ hội, nghiên cứu, quyết định đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn Hà Nội.

Đến những ấn tượng sâu sắc

Theo ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nội khá sớm, triển khai nhiều dự án và thu được những kết quả tích cực. Trong quá trình hoạt động, các dự án luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thực chất từ chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội. Điều đó tạo ra sự an tâm, củng cố niềm tin trong kinh doanh và tâm lý tích cực, sẵn sàng hiện diện lâu dài ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. “Nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư theo hướng bài bản, thông qua các dự án, đồng hành với Hà Nội trong quá trình vươn lên thành đô thị hiện đại, với đặc trưng là sáng tạo, đổi mới cũng dựa trên cơ sở nguồn lực con người, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội”, ông Ryu Hang Ha thông tin.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, hiện có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh nhờ tác động tích cực trong việc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư vừa qua. Ông Takeo Nakajima nói: “Hà Nội, luôn là ứng cử viên sáng giá nhờ kỹ năng lao động, trình độ, tỷ lệ nhân công qua đào tạo ở mức vượt trội so với các địa phương khác”.

Thực tế là trong năm 2019, dự án xây dựng đô thị thông minh tại Đông Anh trị giá hơn 4 tỷ USD của Tập đoàn BRG và đối tác Sumitomo (Nhật Bản) đã được khởi công, tạo ấn tượng lớn và thu hút sự chú ý của dư luận. Tiếp đó, vào tháng 10/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Chamrvit (Hàn Quốc) để xây dựng, vận hành Tổ hợp dự án trường đua ngựa và hạ tầng dịch vụ liên quan tại huyện Sóc Sơn…, với tổng vốn 420 triệu USD. Đây là những sự kiện minh chứng cho sự quyết tâm của giới đầu tư nước ngoài cũng như sức hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng…

Năm 2019 đã đi qua - năm mà Hà Nội một lần nữa thể hiện quyết tâm, khát vọng trở thành địa phương hàng đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài. Như nhiều lần lãnh đạo thành phố khẳng định, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Hà Nội, với tinh thần thành phố luôn lắng nghe, đồng hành cùng nhà đầu tư.

Hạ tầng ngày một hiện đại

Chỉ cách đây hơn một thập niên, người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo đô thị của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy. Với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hơn 10 năm qua, Hà Nội đã có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị. Sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, là thay đổi về không gian kiến trúc. Không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn. Diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng bề thế hơn, khang trang hơn, hiện đại hơn.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã, đang được xây dựng đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hằng năm, đến nay đạt khoảng 9,38% (năm 2015 đạt 8,65%). Giao thông công cộng ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới giao thông đô thị đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống các đường vành đai, các tuyến hướng tâm và các trục chính đô thị. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung và các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài…; các khu đô thị mới hiện đại, văn minh như The Manor, Mỹ Đình, Gamuda, Ciputra, RoyalCity, TimeCity… đã đem đến bộ mặt đô thị Hà Nội đổi mới, hiện đại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hướng tới phát triển đô thị bền vững

Để giải quyết các vấn đề quản lý xã hội, tạo lập môi trường sống tốt cho người dân, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”. Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chum đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội cũng xác định nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là phải chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là để thực hiện cam kết của Hà Nội xây dựng thành phố trở thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” trên nền tảng phát triển bền vững.

Thành phố xanh

Khái niệm “thành phố xanh - đô thị xanh” định hình ở Mỹ và Châu Âu khoảng những năm 80 của thế kỷ trước và được coi là một loại hình đô thị, một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến ngôi nhà chung trái đất. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng loại hình đô thị này như Mỹ với Alexandra, Virginia; Trung Quốc với Thanh Đảo, Bắc Hải; Thụy Điển với Stockholm… Đô thị xanh không chỉ có không gian xanh, công trình xanh, công nghiệp xanh, giao thông xanh mà còn bao hàm cả việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử - văn hóa và quan trọng nhất là có một cộng đồng dân cư sống thân thiện với thiên nhiên, môi trường trong vai trò chủ nhân của thành phố.

Thành phố xanh là sự lựa chọn phù hợp với Hà Nội - đô thị vốn là thành phố trong sông với chiều dài lịch sử “nghìn năm văn hiến”. Từ điểm nhìn lịch sử có thể thấy, thành phố xanh không xa lạ với người Việt Nam, với Hà Nội.

Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn - vị vua khai sáng Kinh đô Thăng Long đã dựa vào hình thể tự nhiên của mảnh đất “bốn phương hội tụ” với sông Hồng, sông Tô Lịch, Kim Ngưu mà dựng thành trong sông, thành đắp bằng đất, lấy sông làm hào lũy, vừa để phòng vệ, vừa ngăn lũ lụt. Tư duy sống hài hòa cùng thiên nhiên của nhà Lý còn để lại nhiều dấu ấn với đất kinh kỳ. Tương truyền, các đời vua Lý đã ra luật định bộc triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ cửa đông hoàng thàng ra đến bến Đông Bộ Đầu, con đường này người ta gọi là Hòe Nhai. Sang thời Trần, phía tây kinh thành là nơi tập trung nhiều dinh, phủ của hoàng thân, quốc thích, họ trồng những rặng liễu thướt tha ven con đường đi về phía tây và cái tên Liễu Giai cũng xuất hiện từ đấy. Nơi đô hội lớp lớp người tứ xứ đổ về lập thân, lập nghiệp, những cây đa, bến nước, sân đình biểu tường của không gian văn hóa làng cũng theo chân phường nghề về phố tạo nên những làng trong phố.Giới nghiên cứu cho rang, Thăng Long - Hà Nội là ngôi làng lớn của nhiều làng nhỏ vì vậy. Lối sống hài hòa cùng thiên nhiên từ đây mà thành sau này, người Pháp mang văn minh, nếp sống văn minh, lối sống phương tây hòa văn minh, lối sống phương Đông nói chung, văn hóa, truyền thống sinh hoạt, cư trú Việt Nam nói riêng tạo ra những không gian xanh cho đến hôm nay vẫn hết sức ấn tượng với những người Hà Nội.

Hà Nội xanh và sự lựa chọn của tương lai.

Trong tiến trình phát triển đô thị hơn nghìn năm qua, Hà Nội luôn hướng tới một sự hài hòa, trước hết là hài hòa cùng thiên nhiên. Không chỉ phát triển đô thị theo chiều đúng, Hà Nội hôm nay và ngày mai trải rộng trong một không gian xanh cùng núi Tản, sông Hồng. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy rất rõ điều đó. Có thể nói, định hướng này không chỉ phù hợp với đặc điểm, lịch sử, địa lý riêng của Thăng Long - Hà Nội, mà còn đáp ứng được xu thế phát triển.

Hướng tới một thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Hà Nội đã triển khai hàng loạt dự án, để nâng cao chất lượng môi trường như thử nghiệm nạo vét và xử lý nước sông hồ, đầu tư xử lý nước thải làng nghề, nước sinh hoạt … và rất đáng ghi nhận là chương trình mục tiêu trồng một triệu cây xanh gia đoạn 2016 - 2020. Không chỉ, “về đích” sớm hai năm so với kế hoạch, chương trình còn để lại dấu ấn về cách tiếp cận mới - dựa trên công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị cũng như tính mỹ thuật của cây xanh trong không gian đô thị. Việc nghiên cứu hướng gió, việc trồng cây, tỉa cành… đã mang lại kết qủa hết sức tích cực mà mỗi người Hà Nội đều có thể cảm nhận trên muôn nẻo phố phường.

Khu Hồ Gươm đã trở thành một vườn thực vật với nhiều loại cây, nhiều tầng tán, mỗi mùa mang một nét đẹp riêng. Đại lộ Võ Nguyên Giáp đã thật sự là một không gian trình diễn cây xanh đô thị, nơi hội tụ của hàng nghìn cây chà là, long não, hoa ban… Trong lòng thành phố,cây xanh trải rộng vỉa hè, “đứng chân” trên dải phân cách giữa hai làn đường làm cho những Láng Hạ, Xã Đàn, Đại Cồ Việt,..trở nên thi vị. Ở những đô thị cũ và mới xuất hiện nhiều hơn, với việc gìn giữ cây di sản và những con đường xanh, con đường hoa nối xóm, thôn với những cánh đồng.

Hà Nội đang xanh từng ngày, bên những hàng cây sấu, xà cừ, hoa sữa, sao đen, phượng.. bàng lá nhỏ…, rất nhiều thảm hoa, cây cảnh giàu tính mỹ thuật. Điều này cũng tạo nên tính hấp dẫn mới của cây xanh Hà Nội.

Cùng với những tư duy xanh, nhều người Hà Nội đang tìm về lối sống hài hòa cùng với thiên nhiên đã ngấm vào tâm thức ngàn đời. Có lẽ cũng vì vậy mà những đô thị xanh xuất hiện này càng nhiều. Với những sự kết hợp giữa cây xanh, hồ nước với kiến trúc hiện đại những Vinhomes Riverside, Gamuda, Gardens, hay Ecopark (không trên địa bàn thành phố nhưng là nơi cư trú của nhiều người Hà Nội) đã thổi một làn gió mới, vào đời sống đô thị. Cùng với đó là những công trình xanh như chung cư Seasons Avenue ở Hà Đông hay những ngôi nhà xanh bên hồ Tây huyền thoại… Tất cả đã làm nên một diện mạo mới, một hướng phát triển mới cho đo thị Hà Nội định hình một thành phố xanh đúng nghĩa.

Hà Nội sẽ tạo ra thành phố xanh theo cách của riêng mình. Đó là một đại đô thị sinh thái có sự hài hòa giữa màu xanh cây lá với không gian mặt nước theo quy hoạch có tầm nhìn lâu dài, đó là những không gian xanh đô thị hiện đại chiều sâu văn hóa cũng như lối sống gần thiên nhiên. Và đó còn là nền công nghiệp xanh, giao thông xanh… Sự lựa chọn đúng đắn đó cho tương lai, trên cơ sở quy hoạch, định hướng công tác quản lý thực hiện quy hoạch của chính quyền thành phố, rất cần đến những đóng góp, gánh vác của cả cộng đồng.

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, năm 2019 Thủ đô Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Hòa chung niềm vui đó, các tầng lớp nhân dân bày tỏ niềm tự hào, tin tưởng và khát vọng về sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô theo hướng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ông Mai Thế Chinh, 53 tuổi Đảng, Chi bộ Lý Nam Đế 3, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm cho biết: Thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Hà Nội là thành phố tiên phong trong xây dựng Thành phố thông minh, với lộ trình cụ thể. Thời gian qua, Hà Nội có những bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ, sử dụng chung trên một hệ thống và gắn với mô hình chính quyền đô thị. Hy vọng trong tương lai không xa, thành phố Hà Nội tự tin đứng trong mạng lưới Thành phố thông minh của khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Quý Thưởng, 72 tuổi Đảng, Chi bộ phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phương: Những năm qua, đặc biệt là năm 2019, Hà Nội không chỉ quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng mà còn chú trong jxaay dựng, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sản phẩm du lịch được chú trọng cả về chất và lượng; từng bước được xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Các tiêu chí về lượng khách du lịch đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch năm. Ngoài ra, Hà Nội liên tiếp lọt vào tốp bình chọn những giải thưởng du lịch quốc tế… Thành quả này đến từ sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cũng chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội theo hướng bền vững.

Một mùa xuân mới đã về trên quê hương Việt Nam. Trong những thanh âm rộn ràng của đất trời, lòng người hân hoan hòa cùng niềm vui chung của đất nước. Năm 2019 đã đi qua với nhiều dấu son rực rỡ nối tiếp những thành công trong hành trình hơn 30 năm đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng và mang đến những tâm thế để đất nước bước vào năm 2020 với nhiều vận hội mới, niềm tin và nguồn lực mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.”

Trên thế giới hiện nay, dù hợp tác, liên kết, phát triển vẫn là xu thế lớn, cục diện theo hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng định hình rõ nét nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hành xử đơn phương, chính trị cường quyền… cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Vì vậy, sự chủ động tham gia của Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế một mặt đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống chính trị, kinh tế toàn cầu nhưng mặt khác cũng đã nâng cao tầm vóc, vị thế đất nước và nhận được sự ủng hộ, tin cậy từ bạn bè khắp thế giới.

Niềm tin đó một lần nữa được khẳng định khi Việt Nam trúng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Sự tín nhiệm lớn lao của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới là minh cứng thuyết phục cho tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam kiên trì, nhất quán theo đuổi. Trong nhiệm kỳ thứ hai tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008 - 2009, bên cạnh chương trình nghị sự chung, Việt Nam dự kiến sẽ chia sẻ các kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, giải quyết hậu quả chiến tranh, hòa giải dân tộc, giải quyết bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ, trẻ em.

Đường lối đối ngoại hòa hiểu, vì lợi ích chung của Việt Nam được thế giới đánh giá cao đã trở thành nguyên tắc chủ đạo trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ vào năm qua khi tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Đề cao tinh thần giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không tại tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp thứ hai thế giới, lập trường của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok (Thái Lan), các diễn đàn đa phương, lãnh đạo nhiều quốc gia và đông đảo bạn bè quốc tế. Vì vậy, cho dù tình hình khu vực và thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bằng sự kiên quyết nhưng đầy thiện chí và mang tính xây dựng, các hoạt động đối ngoại trong năm 2019 đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Văn hóa, cốt cách của người Hà Nội luôn được coi là di sản quý. Đó là nét thanh lịch của xứ Kinh kỳ nơi bốn phương tụ hội, sự quả cảm của mảnh đất trải qua nhiều bom đạn đau thương, sự hài hòa của thành phố cổ kính mà năng động… Nó có sự lắng lại của chiều sâu văn hóa ngàn năm, nhưng cũng bắt nhịp cùng thời cuộc. Ẩn trong những không gian hiện đại được tạo bởi những tòa nhà chọc trời, hệ thống giao thông phát triển…, là hồn cốt truyền thống từng ngày tạo nên thành phố hiện đại, văn minh mà giàu bản sắc.

Làm sáng tỏ nét đẹp văn hóa người Hà Nội xưa và nay là những gì Thủ đô chú trọng suốt nhiều năm qua, nhằm tiếp tục lưu giữ, trao quyền, củng cố và bồi đắp nguồn lực nội sinh cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Cuộc vận động bồi đắp văn hóa, giữ gìn “thương hiệu” người Hà Nội gắn với Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã và đang được triển khai sâu rộng trên toàn thành phố. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm vì một Thủ đô thanh lịch, văn minh…

Trong sự vun đắp không ngừng ấy, còn biết bao điều khác đang giúp Hà Nội ngày càng hấp dẫn hơn. Từ đô thị tới làng quê, đâu đâu cũng nở rộ những phong trào, sáng kiến vì một nơi đáng sống: những con đường hoa, những bức bích họa, những hoạt động thiện nguyện…

Thủ đô hôm nay đã ở trên một tầm cao mới, không chỉ về diện tích mà cả về chiều sâu văn hóa, lịch sử cùng các giá trị nhân văn bền vững. Trên đường vượt qua những ngổn ngang, bề bộn, mỗi người Hà Nội biết tự hào và có trách nhiệm góp sức xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh cho cái hay, cái mới, sẽ góp phần củng cố, bồi đắp các giá trị tốt đẹp cho Hà Nội. Trong đó, phát triển mang ý nghĩa nhân văn, trên cơ sở sáng tạo từ những nét thanh lịch truyền thống chính là sự phát triển đúng nghĩa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội hôm nay và mai sau./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Khát vọng về một Hà Nội văn minh hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.