Thứ năm, 28/03/2024 16:49 (GMT+7)

Rửa đường giảm ô nhiễm: Quy trình thực hiện phải khoa học và hợp lý

Lam Vy -  Thứ năm, 19/12/2019 23:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Bụi phát sinh từ các phương tiện giao thông hoạt động, không khí khô, độ ẩm trong không khí thấp nên việc rửa đường cũng là một giải pháp để tránh được bụi phát tán..."

Chiều ngày 18/12, trong cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, lãnh đạo nhiều quận đã đề nghị thành phố cho xe phun nước, rửa đường tại những tuyến phố có lượng giao thông lớn nhằm giảm ô nhiễm không khí.

Trước những kiến nghị trên, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rửa đường ngay trong tuần này, đồng thời đề nghị Urenco (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cải tiến đầu phun nước ở các xe rửa đường đảm bảo khoa học, hiệu quả.

Từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.

Rửa đường sẽ giảm thiểu được ô nhiễm môi trường

Khi có thông tin về việc Hà Nội sẽ khởi động lại hạng mục rửa đường trong thời gian tới, đã có rất nhiều thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề này. Có người dân thì cho rằng đó là cách tốt nhất trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế, muốn chấm dứt được ô nhiễm ở Hà Nội thì cần phải có những giải pháp lâu dài, xử lý triệt để những nguồn gây ô nhiễm chứ không đơn giản chỉ là rửa đường thì sẽ bớt ô nhiễm.

Sống trong những ngày Hà Nội ô nhiễm trong mức báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe, chị Minh Anh ( Cầu Giấy) rất ủng hộ với phương án rửa đường mà Hà Nội sắp tới sẽ thực hiện. Chị Lan chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ việc rửa đường trở lại. Đây là cách tốt nhất để giảm bụi. Với việc một thành phố đang thay đổi từng ngày như Hà Nội thì việc rửa đường là cực hợp lý, ít nhiều cũng sẽ giảm bớt được tình trạng ô nhiễm như hiện nay”.

Đồng tình với phương án rửa đường, ông Trần Văn Quang (sống tại phường Mai Dịch) bày tỏ quan điểm của mình: “Rửa đường là giải pháp cần thiết và tức thời. Vấn đề việc đó phải thực hiện như thế nào. Tôi rất mong công việc đó được thực hiện cẩn thận, rửa đường phải kết hợp với gom rác sau rửa thì mới  mang lại hiệu quả. Nếu không làm được như vậy thì cũng không thay đổi được tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay”.

 Không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội trong những ngày qua.

Nhưng cũng có không ít luồng ý kiến trái chiều và cho rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, thậm chí không giải quyết được triệt để vấn nạn ô nhiễm của thủ đô.

Xe rửa đường này thực chất chỉ làm ướt đường, chứ đất cát vẫn ở trên bề mặt. Nếu muốn rửa sạch đất cát trên bề mặt thì cần phải có lượng nước lớn mới trôi được đất cát xuống cống. Vấn đề là khi lượng cát đó trôi xuống cống, ngày mưa thì dẫn đến ngập lụt. Không thể giảm ô nhiễm không khí”, ông Lê Minh ( Cầu Giấy) chia sẻ.

Để rộng đường dư luận về việc tái khởi động lại hạng mục rửa đường tại Hà Nội để giảm thiểu ô nhiễm, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Trần Văn Miều - Trưởng ban Truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để có những góc nhìn khách quan.

Ông Miều cho biết: Bụi phát sinh từ nhiều nguồn như các phương tiện giao thông hoạt động, không khí khô, độ ẩm trong không khí thấp nên bụi càng phát tán nhiều hơn nên việc rửa đường cũng là một giải pháp để tránh được bụi phát tán.

Nhưng cần phải thực hiện việc hút bụi và quét rác trước khi rửa đường thì mới đem lại hiệu quả cao, còn  nếu cứ đi rửa trước rồi lại quét rác và hút bụi lại thì sẽ không giải quyết được vấn đề.Các công ty môi trường cần phải đưa ra một quy trình thực hiện một cách khoa học và hợp lý”.  

Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Khi bàn tới những giải pháp cần làm để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đang đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của con người, TS. Trần Văn Miều chia sẻ thêm về những giải pháp mà ông nghĩ cần phải thực hiện trong thời gian tới.  “Vừa thực hiện song song giữa việc rửa đường trên các tuyến đường có nhiều công trình đang xây dựng và mật độ giao thông tham gia giao thông nhiều thì đồng thời phải thực hiện quán triệt, xử lý các phương tiện chở vật liệu xây dựng không được che chắn theo đúng quy chuẩn. Những phương tiện có trọng tải lớn cần phải rửa từ các cửa ngõ ra vào thành phố thì mới bớt đi bụi.

Cần phải hướng tới việc giảm thiểu xe máy đi vào nội thành, nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đã thực hiện rất tốt việc giảm xe máy, thay vào đó là các phương tiện công cộng và trồng nhiều cây xanh trong nội thành. Điều quan trọng là phải thực hiện đồng bộ, tổng hơp nhiều giải pháp liên quan tới vấn đề môi trường thì mới giải quyết triệt để được”, TS. Miều cho hay.

 TS. Trần Văn Miều-  Trưởng ban Truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Với không khí ô nhiễm và thời tiết hanh khô như Hà Nội trong những ngày qua, vậy tần suất rửa đường như thế nào sẽ hợp lý và rửa đường vào khung giờ nào sẽ đem lại hiệu quả cao nhất để giảm bớt ô nhiễm và không ảnh hưởng tới người dân?

Trả lời cho những thắc mắc trên, TS Miều cho rằng, tần suất rửa đường cần phụ thuộc vào kinh phí của Hà Nội. Nếu kinh phí Hà Nội nhiều thì tốt nhất là 1 lần/ngày và đối với những ngày nắng, hanh khô thì 2 lần/ ngày. Thậm chí đối với tuyến đường có mật độ các phương tiện tham gia giao thông đông hoặc các tuyến đường có nhiều công trình xây dựng thì phải rửa đường với tần suất 3 lần/ngày. Còn khung giờ phụ thuộc vào thời tiết và mật độ giao thông, tốt nhất là rửa vào lúc 5h sáng, đây là thời điểm phù hợp nhất trong ngày.  

Chúng ta đang sống trong Thủ đô văn minh, Thành phố vì hòa bình nên  là cần tìm ra những công nghệ tốt, tiên tiến đem lại hiệu quả cao trong xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. Trong khi kinh phí đầu tư vào lĩnh vực môi trường là khá lớn, nguồn ngân sách lại hạn hẹp và vấn đề đặt ra là Thành phố cần có chính sách, khuyến khích, kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, kêu gọi được vốn xã hội đầu tư vào việc công ích.

Bạn đang đọc bài viết Rửa đường giảm ô nhiễm: Quy trình thực hiện phải khoa học và hợp lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới