Thứ sáu, 29/03/2024 12:22 (GMT+7)

Một số góp ý với báo cáo chính trị tai Đại hội lần thứ XIII của Đảng

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 16/06/2020 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo không chỉ đánh giá thành tích của nhiệm kỳ 5 năm của khóa XII mà còn cả 10 năm thực hiện cương lĩnh bổ sung 2011 và 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991 gắn với 35 năm đổi mới.

Được nghiên cứu văn kiện báo cáo trình Đại hội Đảng lần thữ XIII tôi thấy rất phấn khởi vì văn kiện đã trình bày một cách mạch lạc, tổng kết một cách đầy đủ các thành tích của Đảng trong nhiệm kỳ qua, chỉ rõ được các thế mạnh và các tồn tại.

Trước đây, các mục tiêu thường ghi “đưa nước ta phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa”. Còn lần này văn kiện ghi cụ thể hơn: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta phát triển thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Báo cáo không chỉ đánh giá thành tích của nhiệm kỳ 5 năm của khóa XII mà còn cả 10 năm thực hiện cương lĩnh bổ sung 2011 và 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991 gắn với 35 năm đổi mới. Văn kiện cũng đã tổng kết đầy đủ các thành tựu về xây dựng, củng cố và phát triển Đảng cũng như thành quả về chống tham nhũng. Với khát vọng: “Không gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng đã đoàn kết được toàn dân, phát động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đảng là linh hồn, là sức mạnh. Khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước. Nếu xây dựng Đảng mà không chỉnh đốn Nhà nước thì không thể được. Dư luận xã hội rất thắc mắc, vừa qua tại tỉnh Quảng Trị để khuyết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch 4 tháng liền. Hỏi ai chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề xã hội của tỉnh. Vai trò lãnh đạo của tỉnh ủy Quảng Trị ở đâu? Nếu tỉnh nào cũng để tình trạng này xảy ra thì làm sao Đảng mạnh được? Tôi đề nghị Đảng xem đây cũng là một thiếu sót lớn cần khắc phục và quán triệt trong toàn quốc.

Vấn đề nữa mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân rất quan tâm là vấn đề biển Đông. Trung Quốc lợi dụng trong lúc cả thế giới mải mê với chống dịch Covid-19 đã tranh thủ lẫn chiếm biển Đông, độc chiếm theo đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã có tham vọng từ lâu, lấn chiếm các đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc còn ngang nhiên truy đuổi đánh chìm các tàu của ngư dân Việt Nam. Như vụ ngày 10/6/2020: Trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy bất ngờ rượt đuổi, tấn công đâm vỡ tàu, khống chế lấy ngư lưới cụ, hải sản và đánh đập các thuyền viên. Trước khi bỏ đi, những người trên tàu sắt 4006 đã lấy của ngư dân 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu QNg 96416 TS. Thiệt hại tài sản của ngư dân khoảng 500 triệu đồng. Được biết, tàu cá QNg 96416 TS cùng 16 ngư dân xuất biết ra Hoàng Sa hành nghề từ ngày 6/6 đến ngày 10/6 thì bị nạn. Sau khi về đến bờ, các cơ quan chức năng đã tổ chức cách ly toàn bộ ngư dân đi trên tàu để phòng ngừa dịch Covid-19.

Theo trang BernaNews ngày 9/6 dựa trên thông tin từ phần mềm theo dõi tàu và ảnh vệ tinh nói rằng, một tàu Trung Quốc có vẻ đang đặt dây cáp ngầm dưới đáy biển ở khu vực giữa các tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phần mềm theo dõi hoạt động của tàu trên biển ghi nhận tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc ra Hoàng Sa hôm 28/5. Ảnh vệ tinh cho thấy có vẻ nó đang đặt cáp giữa các đảo Cây, đảo Bắc và đảo Phú Lâm. GS James Kraska, công tác tại ĐH Hải chiến Mỹ, nói với BernaNews rằng các tuyến cáp đó có thể phục vụ trao đổi thông tin quân sự mã hóa giữa các tiền đồn của Trung Quốc và sẽ kết nối với hệ thống cáp ngầm mà Trung Quốc đã đặt dọc bờ biển phía đông nước này. “Việc khác mà có thể họ đang làm là lập ra mạng lưới kiểu SOSUS, một hệ thống giám sát âm thanh dưới biển, để có thể nghe âm thanh tàu ngầm của đối thủ”, ông Kraska nói. SOSUS là hệ thống sonar mà Hải quân Mỹ dùng để theo dõi hoạt động dưới biển.

Việt Nam xưa nay vẫn kiên trì là người bạn trung thành của Trung Quốc, xem Việt Nam và Trung Quốc như môi với răng. Nhưng tham vọng làm bá vương, Trung Quốc thường xuyên lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, uy hiếm sự bình yên của ngư dân Việt Nam. Ta không thể chấp nhận răng cắn môi mãi như thế. Đề nghị lãnh đảo Đảng, Nhà nước nghiêm khắc kháng nghị với lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Đề nghị lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động khiêu khích, lấn chiếm của các cấp dưới của Trung Quốc.

Để phát triển kinh tế, chúng ta cần sớm hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành, kết hợp gia tăng thu hút các nhà đầu tư sản xuất nguyên liệu nhất là  nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc, có kinh nghiệm, có trách nhiệm chứ không cần những đơn vị làm ăn thiếu đứng đắn, không nghiêm túc.

Thực tế nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài đã đến và thực hiện các gói thầu ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận vẫn còn nhiều nhà thầu nước ngoài không hoàn thành dự án, đội vốn, chậm tiến độ và để lại nhiều hệ lụy không nhỏ. Nổi cộm trong số đó phải kể đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ kéo dài khiến nhân dân và cử tri vô cùng bức xúc. Gần đây còn ngang nhiên yêu cầu được cấp thêm 50 triệu USD mới nghiệm thu. Để loại các nhà thầu nước ngoài kém năng lực, kém hiệu quả trước tiên ta cần thống kê xem ở Việt Nam đã có bao nhiêu nhà thầu nước ngoài tham gia các dự án, các nhà thầu đó đến từ quốc gia nào? Từ đó chúng ta mới chấm điểm những nhà thầu căn cứ vào những dự án họ đã thực hiện. Chẳng hạn, dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công trình tốt thì chấm 100 điểm; dự án chậm tiến độ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì căn cứ vào đó mà trừ điểm. Sau đó cộng lại sẽ cho ra điểm số cuối cùng. Nhìn vào điểm số, chúng ta sẽ biết được năng lực, uy tín của mỗi nhà thầu.

Bên cạnh đó cũng cần phải chấm điểm cả quốc gia có nhà thầu nữa. Tuy nhiên để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ phải cử ra một đơn vị độc lập, không liên quan đến công trình nào cả, thậm chí có thể mời cả những định chế quốc tế đến chấm điểm. Sau đó sẽ công bố công khai kết quả chấm điểm đó ở trong nước và cả quốc tế nữa.

Khi có dự án mới xây dựng các công trình lớn, rất lớn cần đấu thầu quốc tế, thì chủ đầu tư dự án sẽ dựa vào chỉ số này để lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu nào, quốc gia nào điểm thấp, dưới 50 điểm chẳng hạn sẽ nằm trong “danh sách đen” và sẽ bị loại ngay. Như vậy, cách làm của chúng ta rất công khai, công bằng và hiệu quả.

Cách làm đó không chỉ có giá trị cảnh tỉnh đối với một nhà thầu nước ngoài, mà còn có giá trị để thức tỉnh sự làm ăn nghiêm túc đối với một quốc gia nữa. Quốc gia nào chẳng muốn đầu tư ra nước ngoài. Nhưng nếu bị đưa vào “danh sách đen”, bản thân họ phải tự thay đổi. Không ai khác mà chính họ phải có ý kiến về những nhà thầu của họ để chấn chỉnh, để lấy lại niềm tin với chủ đầu tư và các quốc gia họ muốn đến.

Nếu chúng ta làm tốt, tôi tin chỉ một vài năm sau, nhà thầu quốc tế sẽ tự nhìn lại mình để làm tốt hơn, đến làm ăn ở Việt Nam sẽ nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn. Dần dần thế giới cũng thấy được môi trường đầu tư ở Việt Nam rất tốt, rất đàng hoàng, minh bạch.

Hiện nay, ở nước ta còn tồn tại vấn đề môi trường rất lớn. Thiên tai thường xuyên gây bão lụt, sụt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, tài sản của nhà nước. Các thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh luôn bị úng ngập do ảnh hưởng không tốt của quy hoạch, do lấn chiếm làm trở ngại đến hệ thống thoát nước. Ô nhiễm không khí thường xuyên xảy ra với mức độ xấu, kém so với khu vực. Các khu công nghiệp xây dựng ngày càng nhiều, nhưng nước thải, rác thải không được xử lý do không thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường. Đề nghị Đảng phải kiên quyết chỉ đạo phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường. Cần phải chỉ đạo các cơ quan nhà nước xây dựng các quy chuẩn quản lý nghiêm túc, phải xử phạt nghiêm khắc những ai có hành vi làm ô nhiễm môi trường.

Trên đây là một số ý kiến mà tôi thấy cần thiết, xin trình bày các đồng chí xem xét.

Kính chúc Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Bạn đang đọc bài viết Một số góp ý với báo cáo chính trị tai Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới