Thứ ba, 19/03/2024 17:49 (GMT+7)

Năm 2019, thế giới thải ra 53,6 triệu tấn rác điện tử

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 11:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2019, thế giới sản sinh ra 53,6 triệu tấn rác điện tử, mức cao kỷ lục, tăng 20% so với 5 năm trước.

Năm 2019, thế giới sản sinh ra 53,6 triệu tấn rác điện tử, mức cao kỷ lục, tăng 20% so với 5 năm trước. Thiếu cơ sở hạ tầng tái chế rác hợp lý và khả năng sửa chữa, rác thải điện tử chỉ có thể tăng lên và thực tế đang là loại rác nội địa tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Đây là dữ liệu rút ra từ Global E-Waste Monitor 2020, báo cáo của Liên Hợp Quốc, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Hiệp hội Rác thải rắn quốc tế. Báo cáo nằm trong nỗ lực định lượng rác thải điện tử của mỗi quốc gia và tình hình vứt bỏ, tái chế thiết bị điện tử.

53,6 triệu tấn rác thải điện tử tương đương trọng lượng của 350 tàu du lịch Queen Mary 2. Trong số này, chỉ có 17,4% được thu gom và tái chế. Vanessa Forti, tác giả chính của báo cáo, cho rằng điều đáng quan ngại hơn là không chỉ số lượng ngày một tăng mà công nghệ tái chế còn không theo kịp với số lượng rác thải điện tử. Theo bà, thông điệp quan trọng là cần cải thiện tái chế.

Năm 2019, thế giới sản sinh ra 53,6 triệu tấn rác điện tử.

Các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử của năm 2019.

Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên cũ. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2019. Thiết bị CNTT và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.

Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, vì rác có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh.

Châu Á thải ra nhiều rác thải điện tử nhất

Theo báo cáo, năm 2019, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất. Châu Âu có tỷ lệ chất thải điện tử trên đầu người cao nhất, gần gấp ba lần châu Á. Châu lục này cũng có tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải cao nhất.

Các chuyên gia mong đợi nhu cầu về sử dụng thiết bị điện tử phát triển nhanh ở những nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Những người không đủ khả năng mua các thiết bị mới trong quá khứ giờ đang bắt đầu nghiến ngấu sử dụng chúng. "Đây là một thách thức lớn đối với loài người bởi thực tế là có một tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vẫn còn một cơn khát về mặt hàng điện tử”, ông Kuehr cho biết.

Theo ông Scott Cassel, người sáng lập Viện quản lý sản phẩm phi lợi nhuận, đống chất thải điện tử ngày càng phức tạp và độc hại hơn. “Các công ty điện tử có thể làm rất tốt việc thiết kế sản phẩm phục vụ niềm vui và tăng hiệu quả công việc cho người dùng, nhưng sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng cũng có nghĩa là họ đang thiết kế cho sự lỗi thời. Vì vậy, sản phẩm mới nhất, tuyệt vời nhất ngày nay trở thành rác của ngày mai”, ông Cassel nói.

Bà Mijke Hertoghs, người đứng đầu bộ phận Môi trường và viễn thông khẩn cấp của ITU cho biết, tỷ lệ rất thấp của chất thải điện tử được tái chế là một dấu hiệu cho thấy mặc dù các chính sách và luật pháp này được áp dụng, nhưng nó không hiệu quả. Bà cho rằng có thể làm nhiều hơn để thực thi các chính sách đó.

Thiết bị điện tử đang được trao đổi như hàng hóa và rác thải điện tử là mang tính toàn cầu. Những nỗ lực để giữ cho rác thải điện tử không chồng chất đến mức nguy hiểm cũng sẽ cần phải mang tính toàn cầu, ông Cassel và bà Hertoghs cùng cho biết.

 Năm 2019, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất.

Thải ra hàng triệu tấn CO2 vào không khí

Trên toàn cầu, nhiều nơi thiếu cơ sở hạ tầng tái chế cần thiết để xử lý loại rác thải này, đặc biệt vì đây là công việc nặng nhọc và tốn kém. Tại châu Phi và châu Á, người nhặt rác thường tự tháo dỡ thiết bị điện tử song nó độc hại cho cả sức khỏe của họ lẫn môi trường. Họ cũng chỉ chọn xử lý các món đồ giá trị cao nhất, còn lại chìm trong núi rác. Với phần lớn rác thải điện tử, lợi ích kinh tế của đơn vị tái chế rất thấp, thực sự cần hỗ trợ từ chính phủ.

Tái chế phải tập trung vì rất khó phân loại rác thải điện tử tại nguồn. Thiết bị điện tử hiện đại thường có vòng đời ngắn, không dễ sửa chữa, góp phần khiến rác điện tử tăng đột biến. Dù vậy, chưa thể kết luận loại sản phẩm nào đóng góp phần nhiều trong rác thải điện tử vì chẳng hạn, tủ lạnh nặng hơn laptop, vì thế tủ lạnh sẽ chiếm phần cao hơn so với màn hình và máy tính.

Không tái chế rác điện tử hay không tái chế đúng cách đồng nghĩa linh kiện độc hại trong đồ điện tử không được xử lý đúng cách và thêm nhiều carbon bị xả ra không khí.

Báo cáo ước tính năm 2019, tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ không được tháo dỡ đúng cách sản sinh tổng cộng 98 triệu tấn CO2 vào không khí, chiếm 0,3% khí nhà kính trên toàn cầu. Lượng nhỏ rác thải điện tử được tái chế cũng góp phần ngăn chặn 15 triệu tấn CO2.

Bên cạnh đó, nếu không thể tái chế rác điện tử, chúng ta không thể tái sử dụng nguyên vật liệu đồng nghĩa với việc phải khai thác nguyên liệu thô mới. Với mỗi thiết bị điện tử không được tái chế, vật liệu như vàng, bạc, platinum không được khôi phục và gây tổn thất 57 tỷ USD cũng như tác hại lớn tới môi trường.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2019, thế giới thải ra 53,6 triệu tấn rác điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...