Thứ sáu, 19/04/2024 08:44 (GMT+7)

'Nếu để phát triển đất nước, bảo vệ môi trường sau sẽ phải trả giá'

MTĐT -  Thứ hai, 15/02/2021 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Phát triển phải tính toán đến vấn đề môi trường, cân bằng sinh thái tự nhiên. Giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, kinh tế với xã hội và môi trường.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN nhân dịp cuối năm, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, ngành tài nguyên và môi trường đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề hết sức bị động.

Hàng loạt sự cố môi trường xảy ra ở các dự án, nhiều địa bàn khác nhau, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường Formosa xảy ra hồi đầu nhiệm kỳ. Lĩnh vực đất đai luôn nóng, người dân khiếu kiện, khiếu nại đông; địa chất, khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, khai thác trái phép, thiếu hiệu quả, gây ra các vấn đề môi trường; rồi biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Các lĩnh vực quản lý của ngành luôn đứng trước các vấn đề hết sức bị động, bất ngờ và lúng túng. Trước thực trạng trên, cá nhân tôi và những cán bộ ngành tài nguyên môi trường hết sức lo lắng. Chúng tôi tập trung giải quyết các sự cố, các vấn đề mang tính chất sự vụ. Về vấn đề bảo vệ môi trường, chúng ta thấy rõ nếu để phát triển trước, bảo vệ môi trường sau thì sẽ phải trả giá rất đắt. Từ bài học Formosa, chúng ta nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thế giới để điều chỉnh chính sách, thiết lập các công cụ quản lý để sàng lọc các dự án, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Bộ TN&MT luôn xác định mọi phát triển phải tính toán đến vấn đề môi trường, cân bằng sinh thái tự nhiên. Giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, kinh tế với xã hội và môi trường. Môi trường vừa là mục tiêu vừa là điều kiện phát triển bền vững.

“Chúng ta cần thay đổi, từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên hóa thạch sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Cần xác định môi trường là một ngành, sẽ đáp ứng công ăn việc làm cho người dân tạo ra giá trị rất lớn cho xã hội,…Tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cùng với đó là dịch bệnh như Covid-19 cũng diễn biến khó lường có liên hệ rất lớn đến môi trường. Vì vậy chúng ta cần phát triển dựa trên nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi thái độ, nhận thức của con người với tự nhiên. Trái Đất đang báo động về mất cân bằng sinh thái dẫn tới thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng trong thời gian tới”, ông Hà thông tin.

Theo ông Hà, sau những vụ việc, Bộ TN&MT đã điều chỉnh cơ chế, chính để chủ động kiểm soát tốt các nguồn thải, đảm bảo phát triển bền vững. Cụ thể như, chủ trương quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cần phải thay đổi theo hướng lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính, phát triển phải hài hòa với vấn đề bảo vệ môi trường.

“Ở các lĩnh vực khác như đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, chúng tôi đã tập trung, cùng các địa phương sửa các văn bản tháo gỡ vướng mắc, góp phần đưa các nguồn lực phục vụ cho phát triển. Đảm bảo nguồn lực tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách tổng hợp, hiệu quả. Cuối nhiệm kỳ chúng ta đã cơ bản thay đổi về tư duy, quan điểm, phương pháp quản lý TN&MT. Xác định môi trường là lĩnh vực quan trọng, lấy môi trường là một trong ba trụ cột. Xác định mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, quan trắc, giám sát, điều tra cơ bản, cải cách thủ tục hành chính… Tiến bộ vững chắc của ngành là đã chuyển từ bị động, ứng phó sang chủ động nghiên cứu, đưa ra chính sách phù hợp hơn với cơ chế thị trường để TN&MT trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước”, ông Hà nhấn mạnh.

Ảnh minh họa (Nguồn:Internet).

Trong vòng 5 năm qua, trên 950.000 tỷ đồng đã đóng góp vào thu ngân sách. Riêng năm 2020, thu từ đất đai đã gấp 2 lần so với năm 2015. Việc thu từ đất hiện nay đã được tính toán dựa trên những vấn đề về hiệu quả sử dụng đất đai. Khoảng 230.000ha đất đã được chuyển sang để phục vụ phát triển kinh tế, gần 1 triệu ha đất trước đây chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng để phát triển rừng; hàng trăm nghìn ha đất trước đây ở các dự án chậm sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng đã được đưa vào phát triển nguồn lực hiệu quả.

Các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019-2020 mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2-2,5 lần năm 2016 nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.

Ngày 17/11/2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với tỉ lệ 91,91%, nói về vấn đề này, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ: “Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mới được Quốc hội thông qua với sự nhất trí cao của những đại biểu của nhân dân, trong luật đã khẳng định được vai trò người dân Việt Nam luôn luôn có quyền được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với những nước phát triển nhất trên thế giới. Con người đều có những quyền như vậy, mục tiêu cuối cùng của luật đảm bảo chất lượng môi trường và đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học,…để cho người dân sống trong môi trường trong lành, phát triển bền vững. Luật này giúp cho Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, tránh được việc các công nghệ lạc hậu chảy vào trong nước. Tính mạnh mẽ, đồng bộ, phân nhiệm rất rõ trong luật tạo thuận lợi trong quản lý, bảo vệ môi trường,…”.

Theo ông Hà, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là một đạo luật lớn, khó, nhiều cải cách đột phá và gần như thay thế toàn diện và cơ bản so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Luật lần này đã xác định song song với nhiệm vụ cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường thì phòng ngừa, kiểm soát là nhiệm vụ ưu tiên; không cho các dự án đầu tư mới làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm Môi trường.

Vấn đề môi trường được xem xét ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển với quy định về đánh giá môi trường chiến lược; từ khâu lập dự án đầu tư với quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường, rồi đến đánh giá chính thức, cấp giấy phép và trong suốt cả quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau này như vấn đề quan trắc, xử lý chất thải.

Luật hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho người dân. Luật hóa quyền của người dân đã được hiến định là đảm bảo quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành, người dân được tiếp cận thông tin về môi trường. Cộng đồng dân cư, người dân có thể tham gia giám sát, phản biện, góp ý về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Luật lần này đề cao vai trò, trách nhiệm của người dân như là một chủ thể quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Người dân được tham gia từ các hoạt động giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, đánh giá tác động, phòng ngừa, ứng phó sự cố cho đến các hoạt động cụ thể như phân loại rác tại nguồn đều có sự tham gia của người dân.

Chia sẻ về điểm mấu chốt trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là phân loại rác tại nguồn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Hiện nay tỉ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt còn cao dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt cao là do chúng ta không thực hiện phân loại rác tại nguồn. Luật đã quy định rác thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý tương ứng đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại.

Ngoài ra, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế tính giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lần này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại tại nguồn, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn và nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao; Phân loại rác thải giúp tạo nguồn cung quan trọng cho ngành công nghiệp tái chế và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy việc tính giá này có thể dựa trên bán bao bì đựng rác. Nghĩa là chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý đã được tính trong giá bán bao bì đựng rác do chính quyền địa phương quyết định.

Riêng rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ để phù hợp với điều kiện nông thôn nước ta.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để đảm bảo quy định mới về phân loại, thu gom rác, Luật đã giao cho các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định thời điểm thực hiện phân loại tại nguồn đối với chất thải rắn sinh hoạt, thời hạn thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Tại các điểm tập kết rác thải nếu phát hiện rác không phân loại thì đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự kiến cấp xử lý sẽ là chính quyền cấp xã; giám sát thực hiện việc phân loại tác sẽ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện.

“Ngoài ra, chúng ta đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, do vậy, từ khâu thiết kế, quy hoạch, ngay trong từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì đã phải tính toán đến việc chất thải của lĩnh vực, quy trình sản xuất này là đầu vào của lĩnh vực, quy trình sản xuất khác và cho đến cuối cùng là hướng đến không có chất thải. Nhà sản xuất cũng có trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì nhất định sau khi hết sử dụng theo tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc, hoặc phải có trách nhiệm xử lý chất thải đối với các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế hoặc khó thu gom, xử lý. Như vậy, trách nhiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ này không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, người dân mà nay đã có phần trách nhiệm của nhà sản xuất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Về quy định công khai đánh giá tác động môi trường, cấp phép trong luật mới, ông Hà cho rằng: “Luật lần này gắn trách nhiệm chủ thể là các doanh nghiệm, cơ quan nhà nước đóng vai trò đưa ra các chuẩn mực yêu cầu đối dự án. Nên từ khi bắt đầu có dự án đầu tư, từ khâu xin chủ trương, chuẩn bị cho đánh giá tiền khả thi cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp đồng thời phải làm các đánh giá tác động môi trường. Khi chủ đầu tư làm xong và cho rằng đã đúng với hướng dẫn của cơ quan chức năng sẽ trình lên cơ quan chức năng có thẩm quyền là Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc các địa phương. Bản thân doanh nghiệp phải công khai bản đó trên cổng thông tin điện tử của họ”.

Theo Bộ trường Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tiếp nhận văn bản sẽ tiến hành công khai để tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử của mình, và khi thẩm định xong sẽ công khai thành viên hội đồng, kết quả thẩm định của hội đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đối những vấn đề Bộ thấy cần thiết, để tham vấn các chuyên gia. Trình tự chi tiết cụ thể của việc này sẽ do Chính phủ quy định.

Đánh giá để cấp phép các dự án đầu tư sẽ dựa trên ba tiêu chí môi trường là chất thải phát sinh, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tác động đến môi trường tự nhiên, trong đó đặc biệt là khu dân cư, khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển.

Nếu dự án đã đánh giá tác động rồi thì việc cấp phép sẽ đơn giản hơn. Trước đây người ta tính có bảy loại giấy phép, ví dụ như giấy phép xả thải vào nguồn nước thì có luật tài nguyên nước quyết định, luật bảo vệ môi trường cũng quy định, luật thủy lợi cũng quy định thì hiện nay. Từ nay trở đi cơ quan đánh giá tác động môi trường đến cơ quan cấp phép là một, giấy phép sẽ gồm tất cả các nội dung.

“Luật đã tích hợp 7 giấy phép thành một giấy phép môi trường. Lần này, chúng ta đã thay đổi tư duy quản lý môi trường, tức là sẽ quản lý những gì cần quản, tập trung quản lý ở những lĩnh vực hoặc đối tượng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đồng thời tạo thông thoáng cho các đối tượng thân thiện môi trường, cho những công nghệ thân thiện, hiện đại và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Luật cũng lần đầu quy định, luật hóa nhiều nội dung, công cụ quản lý mới như kỹ thuật tốt nhất, kiểm toán môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, tín dụng xanh, mua sắm xanh”, bộ trưởng Hà cho biết thêm.

Để đưa Luật Bảo vệ Môi trường vào cuộc sống đạt được hiệu quả cao nhất, Quốc hội đã quyết định thời điểm Luật có hiệu lực là 1/1/2022 thay vì có hiệu lực 1/7/2021 so với dự kiến ban đầu.

“Như vậy chúng ta có khoảng một năm để Chính phủ, bộ, ngành và địa phương thực hiện chi tiết và cụ thể hóa những quy định mà Luật giao. Chúng tôi sẽ không ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết mà sẽ cố gắng quy định chi tiết tất cả các nội dung của Luật giao trong một vài văn bản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và để mỗi người dân, doanh nghiệp hiểu và không khó khăn trong áp dụng. Đồng thời, chúng tôi sẽ đánh giá lại khả năng, năng lực thực thi của tổ chức bộ máy và nhân sự hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Luật phân cấp nhiều hơn cho địa phương. Đây là việc cần thiết để kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng cường năng lực, nguồn lực nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới”, ông Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ quan tâm và ưu tiên để bố trí kinh phí cho thực hiện Luật, cần phải có các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả.

Nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa qua, ông Trần Hồng Hà cho rằng, những gì Bộ TN&MT đã thực hiện được trong thời gian qua mới chỉ là xây dựng những nền tảng ban đầu, mà không phải tất cả các lĩnh vực đều làm được. Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mặc dù có cố gắng nhưng rõ ràng biến đổi khí hậu cực đoan, khó đoán định đang đặt ra gánh nặng lên ngành tài nguyên môi trường. Đòi hỏi nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo.

“Việt Nam đang ở một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như vậy thì một mặt phải giảm thiểu các nguyên nhân gây ra biến đổi nhưng mặt khác phải làm tốt công tác giám sát biến đổi khí hậu. Tài nguyên môi trường là lĩnh vực hoạt động liên quan sát sườn đến người dân, đặc biệt chúng ta đang chủ yếu dựa vào nó để phát triển kinh tế. Do đó, cần phải giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa đưa nguồn lực này vào phát triển và vấn đề bảo tồn, hài hòa giữa các nhu cầu”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhu cầu này không chỉ giải quyết cho từng lĩnh vực mà phải giải quyết cho nhiều thế hệ. Vì thế hệ sau cũng cần có không gian, cần có đất đai, cần có nguồn lực để phát triển. Nếu môi trường ô nhiễm thì thế hệ tương lai cũng không thể phát triển được. Điều này là bài toán rất khó, cần phải giải quyết bài bản từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ nhận thức, thay đổi trong tư duy. Phòng ngừa là chính, chứ việc xảy ra rồi đi sửa chữa thì giá phải trả rất đắt.

Ông Hà mong muốn, trong thời gian tới mỗi doanh nghiệp, từng người dân cần phải thay đổi thái độ của mình với tự nhiên bằng việc có cho mình những sáng kiến bảo vệ môi trường nhất là rừng nhất là khi hệ sinh thái tự nhiên đang mất cân bằng nghiêm trọng như hiện nay.

“Hưởng ứng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian tới tôi rất mong muốn người dân hưởng ứng coi đó không chỉ là khẩu hiệu, hay phong trào trước mắt. Hãy tạo thành phong trào trồng cây xanh lâu dài, giúp nâng cao hệ sinh thái, cố gắng để lại tài sản quý giá về môi trường cho con cháu chúng ta sau này”, ông Hà nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá đất đai là một trong những tài nguyên hết sức quan trọng, mọi người dân đều rất quan tâm. Bằng các nghị định của Chính phủ, bộ đã rà soát, tháo gỡ để đưa nguồn lực, giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế nhưng điều này mới làm được một phần.

“Vẫn còn đó các vấn đề khiếu kiện đất đai, thất thoát đất đai, lợi dụng chính sách đất đai chưa chặt chẽ để tham ô, tham nhũng. Vẫn còn các xung đột trong quá trình phát triển, còn nhiều rào cản thủ tục trong tiếp cận đất đai. Chúng ta xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Vấn đề lý luận ở đây là làm sao giải quyết triệt để sở hữu công cộng về đất đai, các quyền của người dân, rồi việc đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chúng ta cần giá trị gia tăng của các dự án đầu tư về sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên đất đai hơn là thu từ đất đai, vì nguồn lực đất đai là hữu hạn, không thể thu mãi được”, ông Hà chia sẻ.

Cũng theo ông Hà, vấn đề định giá đất theo thị trường, tích tụ đất đai, chuyển cơ cấu lực lượng sản xuất với dịch chuyển cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất dịch vụ và công nghiệp, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất với các doanh nghiệp trong các dự án đầu tư... là bài toán phải giải quyết, nếu xử lý không tốt sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội. Bài toán về chính sách đất đai phải phục vụ nhu cầu phát triển nhưng phải hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là điều không dễ làm.

“Chúng tôi xác định sẽ dẫn dắt bằng sự thấu hiểu, lắng nghe người dân. Trên cơ sở đó trình trung ương thông qua nghị quyết hợp lòng dân, từ đó thể chế hóa bằng Luật Đất đai. Tôi mong muốn sớm nhất trong năm 2022 hoặc trong nhiệm kỳ tới sẽ xây dựng xong luật này…”, ông Trần Hồng Hà khẳng định./.

                                            Theo Tác giả: Văn Ngân - Trình bày: Quang Huy/VOV.VN

Bạn đang đọc bài viết 'Nếu để phát triển đất nước, bảo vệ môi trường sau sẽ phải trả giá'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.