Thứ sáu, 19/04/2024 17:47 (GMT+7)

Ngoài styren, nước sạch sông Đà còn có thể chứa “chất độc” nào?

MTĐT -  Thứ năm, 17/10/2019 12:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dưới góc nhìn của chuyên gia, không chỉ hàm lượng styren vượt quy chuẩn mà trong dầu thải gây ô nhiễm ở đầu nguồn cấp nước có thể tồn tại nhiều hóa chất độc hại khác!

Như tin đã đưa, trong những ngày vừa qua, nguồn cấp nước cho Nhà máy nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có dấu hiệu ô nhiễm, nghi do hàng tấn dầu nhớt thải bị đổ trộm ở khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, dẫn đến hiện tượng nước sinh hoạt tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy, tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông xuất hiện mùi “khét”.

Còn nhiều "chất độc" ngoài styren?

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, dầu thải chảy tràn vào hệ thống cấp nước của Viwasupco không đơn giản là dầu thải bình thường. Và cũng không hẳn chỉ có chất styren có hàm lượng cao vượt ngưỡng cho phép như công bố.

“Đây không hẳn dầu thải bình thường. Khả năng là dung môi hữu cơ để rửa những linh kiện ví dụ trong động cơ chẳng hạn, để làm sạch thì nó lẫn dầu thải chứ không hẳn là dầu bình thường, vì dầu bình thường làm gì có nhiều styren đến thế. Nếu là dầu thải bình thường, người ta vẫn còn tái sử dụng được”, Thạc sỹ Vũ Văn Tú, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Tú thì, styren là một hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, rất ít tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt. Styren là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác hoặc làm dung môi trong pha chế sơn, hay rửa những vết dầu mỡ. Để xử lý chất thải này thì cần phải có lò đốt đặc biệt nhiệt độ cao và khống chế được quá trình tạo dioxin vì nó là những hợp chất hữu cơ chứa Clo khi đốt nếu như không khéo thì lại sinh ra dioxin.

Cũng trao đổi về vấn đề này với Dân trí, Tiến sĩ Lê Thái Hà, trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ có thành phần chính là các Hidrocacbon thơm như: Benzen, Toluen, Etyl Benzen, Xylen, Styren, mỗi chất đều có giá trị hướng dẫn riêng về sự ảnh hưởng khi chúng có mặt ở trong nước.

Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước.

Đặc biệt, trong dầu Diesel rất phong phú các chất Hidrocacbon thơm kể trên. Ngoài ra, đối với dầu thải, tùy theo các nguồn phát sinh, mà có thể chứa thêm những thành phần đặc thù khác, ví dụ: nguồn dầu thải từ quá trình vận hành máy móc thường chứa nhiều kim loại nặng (chủ yếu phát sinh từ sự ma sát của các chi tiết cơ khí kim loại).

Cũng vì bản chất là các Hidrocacbon thơm nên một khi bị lẫn vào nước, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra mùi đặc trưng của dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, kể cả khi nồng độ của các chất này vẫn còn thấp hơn ngưỡng có thể gây hại đến sức khỏe.

“Về vấn đề này, trong Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước.” – Tiến sĩ Lê Thái Hà nhấn mạnh.

Kết quả công bố có bất thường?

Ở góc độ của một nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc các cơ quan của Hà Nội đưa ra thông tin nguyên nhân nguồn nước sạch do Viwasupco cung cấp có mùi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân tại một số quận, huyện của TP. Hà Nội là do hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép là không chuẩn mực.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc công bố chỉ số hàm lượng styren cao vượt ngưỡng mà không thông tin những chỉ số khác của Viwasupco là "bất bình thường"?

“Trong khi có rất nhiều thông tin cần phải công bố, ví dụ như chỉ số asen, nồng độ quy định trong tự nhiên là 100 micrôgam/lit. Mà styren chỉ có 20 micogam/lit, thuộc nhóm C, chỉ số thuộc nhóm A lại không công bố. Asen rất độc mà hàm lượng của nó là 100 microgam/lit mà không ai phân tích và đề cập đến.

Asen rất dễ bị nhiễm trong nước. Có điều gì đó bất bình thường. Hay những chỉ số quan trọng như Coliform, E.coli thì lại không thấy đề cập đến, trong khi rất cần trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Độ đục, màu sắc, mùi vị lạ. Các chỉ số như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, amoniac..., hàm lượng đều cao hơn styren”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, nếu chỉ phân tích một lần thì kết quả chưa chắc đã chính xác mà cần phải phân tích nhiều lần và công bố một cách đầy đủ, khách quan các chỉ số. Việc “giấu nhẹm” thông tin về các chỉ số phân tích khác của Viwasupco, theo ông đó là điều “bất bình thường”?

“Sự việc lần này là 1 rủi ro rất lớn. Nguyên tắc là phải tuyệt đối an toàn cho nguồn nước đầu nguồn. Đó là trách nhiệm chính và nếu không làm được thì đóng cửa nhà máy. Việc công bố chỉ số styren chả có ý nghĩa gì”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Nếu quả thực những chỉ số phân tích về asen, coliform, E.coli, amoniac… đều ở mức cao hơn hẳn styren nhưng lại không được Viwasupco chỉ ra và công bố trong kết quả xét nghiệm thì việc “lấp liếm” thông tin này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu khách hàng đang sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp bởi đơn vị này.

Đồng quan điểm, tao đổi với Zing.vn, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng cho rằng, việc nước sinh hoạt của người dân bốc mùi cháy khét, chuyển màu là do nhiễm dầu thải, mà kết quả xét nghiệm lại chỉ có 1 chất vượt chuẩn là khó tin. Styrene cũng không được liệt vào các chất quá nguy hại cho sức khỏe con người.

"Tôi nghĩ việc đánh giá chất lượng nước phải được thực hiện làm 3 bước, phải lấy mẫu nước đầu nguồn, mẫu nước trong nhà máy và mẫu nước thành phẩm. Ngoài ra, phải có ít nhất 3 cơ quan quan trắc mới cho số liệu khách quan, hiện giờ tôi mới thấy có kết quả của Sở Y tế TP", ông Sơn cho hay.

Styrene không phải là điều mà cơ quan chức năng cần dành nhiều quan tâm lúc này. Thay vào đó, ông Sơn cho rằng người dân cần biết các chỉ số khác trong nước như nồng độ kim loại nặng, vi sinh vật, các hóa chất độc hại khác.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ngoài styren, nước sạch sông Đà còn có thể chứa “chất độc” nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...