Thứ sáu, 29/03/2024 21:04 (GMT+7)

Phải nâng cao trách nhiệm ứng phó với thiên tai

MTĐT -  Thứ bảy, 17/10/2020 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

BĐKH đã biểu hiện rõ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hạn hán liên tiếp hoành hành tại cả 3 miền.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thật vậy, BĐKH đã biểu hiện rõ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hạn hán liên tiếp hoành hành tại cả 3 miền. Lũ lụt, bão xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn về người và của. Cũng trong vòng 50 năm qua, ảnh hưởng của ENSO đến điệu kiện thời tiết nước ta khá nặng nề.

Theo Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn năm 2019, trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, xóa sổ nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động đến mọi hoạt động dân sinh, kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước. Trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trên 10.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân.
Bài học đau thương đó như một lời cảnh báo, rằng cơn giận của “ông trời” sẽ lấy đi tất cả nếu con người còn phá hủy tự nhiên.


Miền Trung ngập trong lũ
Ngày 12.10, địa bàn miền Trung tiếp tục hứng chịu nhiều thiệt hại vì mưa lũ; nhiều nạn nhân đã thiệt mạng.
Mưa lớn suốt đêm 11.10 và ngày 12.10 đã tiếp tục gây thiệt hại lớn tại Quảng Trị. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cảnh báo lũ đặc biệt lớn. Đến chiều tối qua 12.10, mực nước các sông lớn trên địa bàn: Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu đều vượt mức báo động 3. Trong đó, lưu vực sông Thạch Hãn và Ô Lâu nước lên rất nhanh; lũ lên trở lại, gây ngập hàng chục ngàn nhà dân.


Sạt lở kinh hoàng
Tại vùng rốn lũ huyện Hải Lăng, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong, cho biết lũ đã dâng ngập nhiều khu vực trong xã, nhấn chìm cả cầu Câu Nhi và cô lập hoàn toàn địa bàn Hải Phong. Ngoài ra, hầu hết các xã thuộc 2 huyện vùng trũng Triệu Phong, Hải Lăng cũng bị nước lũ “tấn công”.
Vùng núi Quảng Trị cũng bị ngập lụt, do mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ từ chiều 11.10. Đã xuất hiện những điểm sạt lở kinh hoàng ở tuyến QL9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua các huyện: Đakrông, Hướng Hóa. Trên QL9, điểm sạt lớn nhất ở Km 50+200 đoạn qua H.Đakrông, nền đường bị nứt toác, giao thông hoàn toàn tê liệt. Theo Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Cục Quản lý đường bộ II), điểm sạt lở này xảy ra lúc 23 giờ 30 đêm 11.10. Chi cục huy động nhân lực, máy móc đến hiện trường để thu dọn, khơi thông. Đến chiều qua, ô tô du lịch và xe khách dưới 16 chỗ đã được phép lưu thông (kèm cảnh báo nguy hiểm), các loại xe có tải trọng lớn hơn vẫn chưa được phép. Ông Lâm Chí Hiếu, Chi cục phó Chi cục Quản lý đường bộ II.5, nói công tác sửa chữa lâu dài “phải chờ hết mưa lũ mới có thể triển khai”.
Khoảng 7 giờ sáng 12.10, vụ sạt lở kèm nước sông dâng cao gây tắc đường tại đoạn tuyến Km 250+700 - Km250+920 đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Ngành chức năng đã ngăn các phương tiện lưu thông ở 2 khu vực gồm phía bắc cầu treo Đakrông và ngã ba La Lay.
Tại Quảng Bình, nhiều địa bàn bị lũ chia cắt, cô lập, như: các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa), Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn (xã Trường Sơn) và nhiều thôn ở các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Võ Ninh (cùng H.Quảng Ninh), Cự Nẫm (H.Bố Trạch).
Theo dự báo trong những ngày tới, khu vực Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to trong khi hiện mực nước một số hồ chứa đã đạt dung tích thiết kế. Cụ thể, tại H.Tuyên Hóa, chỉ có 2 hồ đạt 80%, còn lại đạt 100% dung tích thiết kế. Các hồ chứa tại TP.Đồng Hới và H.Lệ Thủy đạt 100% dung tích thiết kế; riêng hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, H.Lệ Thủy) và hồ Khe Gạo (H.Bố Trạch) có nguy cơ mất an toàn công trình, địa phương đã triển khai các phương án xử lý.


Huế chạm mốc lũ lịch sử năm 1999
Mức lũ trên sông Bồ qua hai huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà (TT-Huế) bất ngờ tái lập mốc lịch sử năm 1999, khiến hàng vạn ngôi nhà chìm trong bể nước. Tại huyện Phong Điền đã có 14/16 xã, thị trấn ngập trong nước, với số lượng hơn 4.000 nhà ngập; có nơi nước dâng cao đến hơn 2 mét, nhiều hộ dân bị nước lũ bao vây, cô lập, nguy cơ thiếu đói vì không tiếp cận được bên ngoài. Bên cạnh triển khai di dời dân đến nơi an toàn, chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang địa phương tại Phong Điền như công an, quân đội cũng kịp thời có mặt để hỗ trợ lương thực, thuốc men cho dân bị lũ “vây” mắc kẹt.
Còn tại “rốn lũ” Hương Trà, hạ nguồn sông Bồ, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết, lũ trên sông Bồ vẫn ở mức rất cao, vẫn hết sức nguy hiểm, công tác di dời dân vì thế đã được triển khai rất khẩn trương. Trong ngày 10/10, toàn thị xã Hương Trà đã di dời 1.450 hộ, với 4.350 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện chưa ghi nhận có thiệt hại về người, nhưng nhiều nhà cửa của dân vẫn bị ngập trong nước.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế, đến sáng 10/10, toàn tỉnh TT-Huế đã có 24.520 ngôi nhà bị ngập (với mức ngập từ 0,3 đến gần 2 mét). Trong đó, nhiều nhất là thị xã Hương Trà với 9.455 nhà, Quảng Điền ngập 6.550 nhà, Phong Điền 4.348... Đáng chú ý, cả 3 địa phương này đều nằm dưới thủy điện Hương Điền, hạ du sông Bồ, nơi mức lũ được xác lập chạm mốc lịch sử năm 1999. Ngoài ra, TP Huế cũng là địa bàn có nhiều nhà cửa bị ngập, với 2.560 nhà; nhiều đường phố kiệt, hẻm cũng bị ngập sâu, giao thông chia cắt.
Đến chiều tối 10/10, lũ vẫn tràn về nhanh và ở mức cao tại TP Huế, sau khi hai hồ chứa Tả Trạch và Bình Điền trên thượng nguồn sông Hương xả lũ với lưu lượng rất cao, từ 900-1.500m3/giây (hồ Tả Trạch) và 500-1.500m3/giây (hồ Bình Điền).
Trước tình hình này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai lực lượng di dời dân, ứng cứu, cứu trợ kịp thời, không để ai bị đói, ốm đau không được cấp cứu, chuyển viện do mưa lũ; nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân.
Những ánh mắt mong ngóng thấp thỏm của rất nhiều người thân các nạn nhân mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cứ ám ảnh tâm can những người chứng kiến.


Lời cầu nguyện thay bánh và hoa ngày sinh nhật
Tối 14.10, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bằng đường bộ đã tạm rút quân về trung tâm để bảo toàn lực lượng. Trước đó, sau khi huy động đông đảo phương tiện, lực lượng để thông tuyến do bị sạt lở tắc đường, 12 giờ 30 ngày 14.10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 - nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 21 cán bộ gặp nạn, trong đó 8 người chạy thoát nạn, 13 người còn mất tích.
Nhìn từng đoàn xe y tế, quân đội, công an... dần lui về trung tâm cuối ngày mà chưa có những thông tin về con em mình đang mất tích, nhiều người thân, nhất là những người dân quê ở Hà Tĩnh đã nghẹn ngào. Hàng chục người dân xứ Nghệ đã có mặt từ sáng 14.10 tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền để theo dõi, ngóng tin con em mình, những công nhân thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3 mất liên lạc nhiều ngày.
Ông Lê Văn Hoan, 62 tuổi, ở xã Hộ Độ, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, kể con trai ông là anh Lê Văn Sáng có 2 người con, 11 tuổi và 4 tuổi. Vợ anh Sáng làm nông, sau khi nghe hung tin đã ngã bệnh. Hai đứa con thì ngơ ngác đợi bố về. “Nó mới vào Huế chưa được 1 tuần. Trời mưa lũ lớn, tôi điện thoại bố con nói chuyện hỏi tình hình, rồi tôi khuyên cháu nó về kẻo mưa lũ. Nó vâng dạ xong biểu con mang cái máy lên công trường cho công ty rồi sẽ về. Thế mà nó không về, đến giờ cũng chẳng có thông tin liên lạc chi...”, ông Hoan bùi ngùi.
Trong số 13 cán bộ được cho là mất tích trong vụ sạt lở đất thuộc đoàn công tác cứu nạn cứu hộ vào TĐ Rào Trăng 3 để giải cứu công nhân mắc kẹt do sạt lở đất, có một phóng viên công tác tại cơ quan thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là P.V.H, phóng viên duy nhất đi theo đoàn cứu nạn cứu hộ.


Đà Nẵng: 4 tàu cá chìm, mất tích trên biển
Ngày 10/10, các lực lượng chức năng tại TP Đà Nẵng vẫn nỗ lực tìm kiếm tàu ĐNa 90988 - TS do ông Đinh Văn Thành (trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm thuyền trưởng. Trước đó, ngày 9/10, tàu này chạy từ bến cá Thọ Quang qua Âu thuyền cảng cá Thọ Quang để neo đậu. Khi đến Mũi Đèn (bán đảo Sơn Trà) thì bị mất liên lạc. Thời điểm này, trên tàu có 2 thuyền viên gồm ông Thành và một lao động. Ngoài tàu cá, ĐNa 90988 - TS, tại Đà Nẵng còn có 3 tàu bị chìm trên biển trong ngày 9/10 gồm tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Cơ quan chức năng đã cứu được 6 thuyền viên trên 3 tàu và đưa vào bờ an toàn.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng, UBND TP Đà Nẵng ngày 10/10 tiếp tục ra công điện yêu cầu các địa phương sở ngành khẩn trương tiển khai các biện pháp phòng chống với mưa lũ. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn, lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng chống COVID-19. Việc sơ tán phải hoàn thành trước 15h ngày 10/10.


Quảng Nam: Di dời dân đến nơi an toàn
Ngày 10/10, tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to, nước trên các sông dâng cao trong khi đó các thủy điện vận hành điều tiết hồ chứa xả lũ. Theo đó, lúc 14h, thủy điện A Vương, ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ 818 m3/giây, nên đã vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 424 m3/giây. Thủy điện Sông Bung 4 vận hành xả lũ 1.231 m3/giây. Thủy điện Đak Mi 4 vận hành xả qua tràn 25 m3/giây; và thủy điện Sông Tranh 2 nước về lòng hồ 497 m3/giây, xả qua tràn gần 6 m3/giây.
Tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc, nước lũ vây các khu dân cư. Các xã Đại Đồng, Đại Hưng, Đại Lãnh, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhiều nơi ngập sâu, có nơi đã ngập sâu từ 0,5-1m. Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lớn trong ngày 9/10 kết hợp nước lên nhanh đã làm cho khoảng 700 căn nhà trên địa bàn xã bị ngập. Những vùng thấp trũng ngập sâu từ 1 đến 1,5m. Trong khi đó sáng cùng ngày, một phần cống khoảng 20 mét của đập Cát Bầu ở xã Duy Phú bị vỡ gây ảnh hưởng tới hoa màu và nhiều nhà dân. Lực lượng chức năng đã sơ tán những hộ dân này đến nơi an toàn.
Trước tình hình diễn biến mưa lũ kéo dài, phức tạp, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10. Ông Thanh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh và tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngoài ra, bố trí lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có lũ.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh làm việc với các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để xem xét, quyết định hạ mực nước hiện nay về bằng hoặc thấp hơn mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho đợt mưa lũ sắp đến. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.


Cảnh báo thảm họa từ hồ, đập
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy, đến chiều 11/10, mưa lũ đã làm 17 người chết. Hiện vẫn còn 13 người mất tích.
Mưa lũ cũng làm trên 200 xã, phường ở Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m. Hiện có hơn 90 điểm trên các tuyến quốc lộ ở Quảng bình. Thừa Thiên - Huế bị sạt lở. Quốc lộ 1A trên địa phận Thừa Thiên - Huế có 5 điểm ngập sâu 0,2 - 0,6m, có điểm ngập kéo dài. Đường sát Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập.
Từ hàng loạt sự cố, chìm tàu vận tải vừa qua, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cảnh báo các địa phương, ngành giao thông cần rút kinh nghiệm, siết chặt công tác quản lý tàu vận tải, tàu vãng lại.
Trước tình hình mưa lũ còn phức tạp, tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở miền Trung ngày 11/10, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường các địa phương miền Trung tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là sự cộng hưởng ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 6, không để người dân vào cảnh đói, rét, “màn trời chiếu đất”.
Ông Cường lưu ý về liên quan trong việc cứu trợ, cứu nạn, xử lý các sự cố do mưa lũ gây ra đặc biệt là các sự cố về tàu vận tải trên biển. Về vấn đề vận hành xả lũ hồ chứa ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, theo ông Cường, cả ngành công thương lẫn nông nghiệp cần phối hợp nhuần nhuyễn chỗ này với ở địa phương, thảm hoạ hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề hồ chứa.
Cùng đó, các hồ thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà chuẩn bị có thể xả lũ, vì hiện đất đá ở núi rừng phía Bắc “no” nước. Do vậy, cần đưa chế độ vận hành 4 hồ này ở mức đặc biệt.

Nhiều nơi ở miền Trung chìm trong lũ lụt, mực nước dấng cao khiến người dân và chính quyền địa phương đang gồng mình chống chọi thiên tai.

Sáng 8/9 thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu Vietship 01 ở Quảng Trị đã được các lực lượng Quân đội cứu hộ vào đất liền an toàn, trừ một người được xác định mất tích. Trước đó, trong khi thực hiện nạo vét ở khu vực cảng Cửa Việt, tàu Vietship 01 bị sóng to kết hợp gió mạnh đánh ra khu vực cửa biển, bị mắc cạn và bị chìm một phần ở khu vực cách bờ biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong khoảng 500m.


Sạt lở ở khu vực có công nhân thủy điện

Tối 12.10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận được hiện trường nhóm công nhân thủy điện gặp nạn cầu cứu ở khu vực thượng nguồn sông Bồ (thuộc địa bàn huyện Phong Điền), do đường đi gặp ngầm tràn lũ rất mạnh và sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Thọ, chiều 12.10, một số công nhân làm việc tại thủy điện Rào Trăng (chưa rõ là thủy điện Rào Trăng 3 hay thủy điện Rào Trăng 4) đã gọi điện đến lãnh đạo tỉnh cầu cứu, cho biết họ đang gặp nạn, mắc kẹt tại nhà điều hành của công trình vì đất sạt lở. Nhận thông tin, ông Thọ đã trực tiếp cùng lực lượng cứu hộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm cách đến hiện trường để ứng cứu, nhưng chưa thể tiếp cận được.
Tại khu vực công nhân đang kêu cứu có 2 nhà máy thủy điện gồm Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, cùng nằm ở thượng nguồn sông Bồ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Buộc thủy điện cắt lũ
Theo ông Phan Thành Hùng, Chánh văn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế, những ngày qua, cùng với lượng mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh, hồ thủy lợi Tả Trạch và 2 hồ thủy điện lớn (Hương Điền, Bình Điền) của Thừa Thiên-Huế đã “điều tiết” nước về hạ du với những mức độ khác nhau.
Đến chiều qua 12.10, lưu lượng đến và đi của hồ này đã giảm, “đi” 366 m3/giây, “đến” 630 m3/giây. Còn đối với hồ thủy điện Bình Điền, hôm 11.10 lưu lượng nước “đến bao nhiêu đi bấy nhiêu” (1.809/1.809 m3/giây), hôm qua có giảm bớt (710/693 m3/giây).
Mặc dù vậy, vùng hạ du Thừa Thiên-Huế vẫn đang ngập lớn. Chiều qua, mực nước trên các sông tại Thừa Thiên-Huế xuống chậm. Đáng chú ý, trong khi 2 hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền không còn khả năng “cắt lũ” cho hạ du, thì hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương có thời điểm trở thành “niềm hy vọng”, và đã thể hiện được vai trò cắt lũ trong những ngày đầu.
Nhưng khi mưa lớn sau đó và bão số 6, áp thấp nhiệt đới “uy hiếp”, hồ Tả Trạch cũng phải xả lũ dồn dập. Vì vậy, theo ông Phan Thanh Hùng, việc điều tiết nước từ các hồ về hạ nguồn với lưu lượng lớn đã gây áp lực cho hạ nguồn và khiến nước lũ dâng.
Sáng qua 12.10, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam tiếp tục xả tràn để vận hành đưa nước về dưới mực nước đón lũ mới. Ở thời điểm 5 giờ, thủy điện A Vương đang xả tràn, chạy máy với lưu lượng 484,91 m3/giây, thủy điện Đăk Mi 4 là 333,12 m3/giây, thủy điện Sông Bung 4 là 1.317,70 m3/giây. Đến 14 giờ, mực nước về hồ thủy điện A Vương 548 m3/giây nhưng chỉ xả qua tràn 33 m3/giây; tương tự với thủy điện Sông Bung 4 (458/211 m3/giây), thủy điện Đăk Mi 4 (246/176 m3/giây), riêng thủy điện Sông Tranh 2 mực nước về hồ 418 m3/giây nhưng chỉ xả qua tràn 5 m3/giây...
Từ ngày 11.10, thời điểm bão số 6 đang đổ bộ, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn yêu cầu Công ty thủy điện Sông Tranh vận hành điều tiết hồ thủy điện. Yêu cầu đặt ra là phải “vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du”, không gây dòng chảy đột biến, bất thường... Theo đại diện Công ty thủy điện Sông Tranh, sau khi địa phương yêu cầu, đơn vị đã cắt giảm lũ ngay tối cùng ngày. Thủy điện A Vương cũng đã tham gia cắt lũ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, với dung tích khoảng 63 triệu m3.
Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho biết tỉnh Quảng Nam dựa vào tình huống đặc biệt khi có khả năng có cơn lũ lớn sau khi bão số 6 tan, và địa phương sử dụng điều khoản này trong quy định liên hồ để dự phòng. Theo ông, những ngày trước đó, có thời điểm lưu lượng nước về hồ lên đến 1.600 m3/giây trong khi hồ chỉ xả ở mức 300 - 400 m3/giây và đã góp phần cắt lũ.
Ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty CP thủy điện Đăk Mi, cũng khẳng định vì điều hành liên hồ nên mọi việc đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Đây mới là đợt lũ đầu tiên trong năm, nếu đợt lũ thứ hai mà tiếp nhận thông tin có mưa bão thì phải xả lũ về hạ du trước.

Rào Trăng một ngày tang tóc

Đến 22 giờ tối qua 15.10, thi thể nạn nhân cuối cùng trong nhóm 13 cán bộ tham gia cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được đưa về đến Bệnh viện Quân y 268 (Thừa Thiên-Huế). Mọi hy vọng giờ chỉ còn đổ dồn vào hiện trường thứ 2, nơi nhóm công nhân thủy điện vẫn đang mất tích.

Tối qua 15.10, rất đông người dân cố đô Huế nghẹn ngào, buồn bã nhìn cảnh những chuyến xe chuyên dụng mở đường đưa thi thể các thành viên đoàn công tác gặp nạn tại tiểu khu 67 (H.Phong Điền) về Bệnh viện Quân y 268 (P.Thuận Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). Khi những tia hy vọng cuối cùng lịm tắt, nhiều người dân địa phương lặng lẽ đứng chờ ở góc đường Đào Duy Từ - Cửa Trài (TP.Huế), ngay trước cổng dẫn vào Bệnh viện Quân y 268, để “đón” nạn nhân.

Chạy đua với thời gian
Ngay từ sáng sớm 15.10, tiến độ tìm kiếm nạn nhân tại khu vực tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 được đẩy nhanh.
Đầu giờ sáng, Bộ Quốc phòng đã họp trực tuyến với Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn do thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì. Tại hiện trường, từ 6 giờ công tác tìm kiếm được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trung tướng Nguyễn Trọng Bình (Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu), trung tướng Nguyễn Doãn Anh (Tư lệnh Quân khu 4), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ... Có đến 26 cơ quan, đơn vị tham gia; số lượng nhân sự lên đến 479 người. Các lực lượng hạ quyết tâm “tiếp cận và đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất”, kể cả tìm kiếm xuyên đêm, để tránh đợt mưa bão dự kiến đổ bộ vào miền Trung từ ngày hôm nay (16.10)...
Ở nhánh đường thủy, lực lượng cứu hộ không bỏ sót bất cứ dấu hiệu liên quan nào tại khu vực nhà điều hành, lán trại. Nhiều ca nô, ghe thuyền cấp tập tìm kiếm dưới lòng hồ, suối. Nhánh đường thủy do lực lượng công an, lực lượng cứu hộ PCCC với khoảng 50 dân quân và người dân của xã Hương Bình được huy động. Các đò máy cũng mở cuộc dò tìm... Tất cả đều không có manh mối.
Mãi đến 10 giờ 47 phút, thi thể đầu tiên được phát hiện. Cả buổi chiều, những chuyến xe cứu thương liên tục ra vào khu vực rừng núi Phong Xuân. Đến 19 giờ 20, thi thể thứ 13 được tìm thấy...
Trong 13 cán bộ đoàn cứu nạn gặp nạn có ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Sáng 10.10, PV Thanh Niên còn gọi điện cho ông để kết nối chương trình cứu trợ khẩn cấp của báo tới người dân vùng lũ xã Phong Thu. Ông Bình đã giao ông Đoàn Văn Lai (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Phong Điền) lập danh sách các hộ nghèo khó khăn bị ngập lũ nặng. Khi xảy ra sự cố sạt lở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ông cùng đoàn cán bộ quân đội lên đường đi cứu nạn, và rồi... Nỗi đau ập đến với gia đình ông Bình có lẽ lớn hơn, khi vị cán bộ 42 tuổi mới vừa nhậm chức Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đúng 1 tháng 12 ngày.
Nghe tin ông Bình hy sinh, chiều qua (15.10) rất nhiều cán bộ của Huyện ủy và UBND H.Phong Điền đã đến trước cổng Bệnh viện Quân y 268, chờ các chuyến xe chuyên dụng đưa thi thể từ trên rừng xuống, để tiễn biệt. Nhưng nỗi đau thật khó vơi bớt khi nhiều cán bộ quân đội khác, trong đó có cả thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, cũng đã vĩnh viễn ra đi...


Mở đường tới Rào Trăng 3
Từ sáng 15.10, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đã gặp và trao đổi công việc khẩn cấp cùng Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân. Các phương án cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 được đặt ra. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trong khi tuyến đường bộ cứu hộ cứu nạn do lực lượng quân đội chủ công khơi thông tuyến do sạt lở nghiêm trọng để tìm kiếm những người mất tích (trong đó có 13 cán bộ ở Trạm kiểm lâm 67), thì những ngày qua lực lượng công an cũng vượt qua hiểm nguy, nỗ lực tiếp cận hiện trường bằng đường thủy. Thêm 25 người được đưa ra bên ngoài, trong đó có 5 công nhân bị thương.
Thủy điện Rào Trăng 3 là “mặt trận” thứ 2 đang thu hút lực lượng cứu nạn, nơi đang có 16 công nhân thủy điện vẫn đang mất tích (không kể 1 thi thể đã được phát hiện). Nơi đây cách hiện trường 13 cán bộ cứu nạn thiệt mạng khoảng 12 km. Trưa qua, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, khi khảo sát ở đường 71 dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3, cũng là nơi có Trạm kiểm lâm 67 bị đất đá sạt lở vùi lấp, nhận thấy địa hình rất hiểm trở, nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở và sẽ khó khăn hơn nếu mưa lớn tiếp tục trút xuống Rào Trăng. Mối lo càng gia tăng cho số mạng các công nhân gặp nạn, khi công trường bị tàn phá nghiêm trọng sau lũ, lại mất thông tin liên lạc. Mưa lớn tiếp tục đe dọa sự an toàn của lực lượng cứu hộ...
Hôm qua, các mũi cứu nạn đã tìm mọi cách khắc phục hệ thống giao thông vào thủy điện Rào Trăng 3. Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước đó, các đơn vị vận chuyển tiếp tế khoảng nửa tấn thực phẩm cho thủy điện A Lin B2, Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Các đơn vị tiếp tục vận chuyển lương thực bằng đường không, đường thủy vào các khu vực bị cô lập.
Danh sách 13 cán bộ đoàn công tác hy sinh
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
2. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng.
3. Trung tá Bùi Phi Công, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4.
4. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4.
5. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng Phòng xe máy - Cục Kỹ thuật Quân khu 4.
6. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
7. Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
8. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
9. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
10. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
11. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
12. Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
13. Phan Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Cứ mỗi lần có xe cứu thương chạy từ hiện trường vụ sạt lở tại tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) chở thi thể các nạn nhân ra, người dân đang hóng tin lại nước mắt lưng tròng. Họ cầu mong trời không mưa, để lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 - nơi còn hơn chục công nhân mất tích...

Khẩn trương tìm kiếm công nhân mất tích
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Công điện nêu rõ, đến ngày 15.10, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của đoàn công tác hy sinh tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và 1 thi thể công nhân của thủy điện Rào Trăng 3.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình và thân nhân các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hy sinh và công nhân bị tử nạn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức, thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên và thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và hậu phương gia đình, thân nhân của các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh và các công nhân bị tử nạn, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chuẩn bị các phương án tổ chức Lễ tang đảm bảo trang trọng, chu đáo.
Các bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trường tìm kiếm các công nhân còn đang mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, khẩn trương đưa những người đang bị mắc kẹt do địa hình bị chia cắt ra khỏi nơi nguy hiểm, kịp thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, cứu chữa những người bị thương và thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

1. Nghiêm cấm phá rừng: Rừng có thể lưu chứa nguồn nước, cản trở nước xói mòn đất. Theo tính toán, rừng so với diện tích không rừng, mỗi mẫu (1 mẫu bằng 667,7m2) có thể chứa 20m3 nước. Lượng nước 10 vạn mẫu rừng chứa tương đương với lượng nước của một hồ nước cỡ vừa hoặc nhỏ, tức là 20 triệu m3. Rừng còn là “điều độ viên” về nước. Mùa mưa, rừng có thể phân tán nước lũ, làm đỉnh lũ xuất hiện chậm. Mùa khô rừng giữ cho lưu lượng nước sông vẫn bình thường.
2. Phải chấm dứt các dự án tư nhân hóa thủy điện, là nguyên nhân dẫn đến thủy điện phát triển ồ ạt. “Hình thức đầu tư BOT cho công trình thủy điện quốc tế đã cấm, nhưng Việt Nam thì không”, GS. Vũ Trọng Hồng có ý kiến.
Tại hội nghị trực tuyến, chỉ đạo đến tận cấp xã, phường với hàng chục nghìn người tham dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Có tỉnh xây hồ trên đỉnh đồi, khi mưa lớn bị vỡ gây thiệt hại lớn về người và tài sản… Cái này là do chủ quan con người, nhận thức, trách nhiệm còn rất thấp,thậm chí có nơi còn bừa bãi trong việc quy hoạch phát triển những công trình như thế, ảnh hưởng đến mạng sống, tài sản của người dân”.
3. Trong PCTT chủ trương “phòng ngừa là chính”, Thủ tướng nói. Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, tránh bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra, từ bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở, hạn hán… Cùng đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp về đê điều, hồ đập, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
4. Trước tình hình mới, đòi hỏi công tác môi trường phải chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động kiểm soát phòng ngừa, ngành TNMT cần dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, đưa thông tin về trượt lở đất, lũ quét vào bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời trên ti vi. Nâng cao năng lực, khoa học trong dự báo bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn tốt hơn các sản phẩm dự báo, mô hình dự báo chuyển của Việt Nam khi bão vào Biển Đông phải làm sao đẩy mạnh truyền thông, truyền hình về bão, và các thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt phải chú ý đế cả các địa phương xưa nay ít bão lụt để cho nhân dân bớt chủ quan.
5. Người dân cần chủ động điều chỉnh hoạt động đời sống sản xuất để giảm tổn thất với những biểu hiện của BĐKH, có nhiều điều người dân có thể tự làm được để bảo vệ chính mình. Thí dụ ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân có thể quan sát mực nước lũ vào tháng 10, dương lịch để sau tết có hạn mặn hay không để điều chỉnh loại hình canh tác, thời gian xuống giống tích cực trữ nước cho sinh họat. Kiên quyết ngăn chặn phá rừng chống sạt lở, lũ quét, lũ ống. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng có nhiều biện pháp để giúp người dân đối phó với vấn đề BĐKH. Những lựa chọn phát triển đó chính là phải lồng ghép vấn đề BĐKH đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, chiến lược bền vững, sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo giúp họ giảm thêm được tác hại do BĐKH, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập để thoát nghèo.
Tuy nhiên, để phòng chống tốt nhất và khắc phục thiên tai và khắc phục thiên tai nhanh nhất, hiệu quả nhát phải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ.
6. Phải rà soát, quy hoạch, quy hoạch lại dân cư bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Chủ động kiên quyết di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ bão lũ gây sạt lở cao, có khả năng lũ quét xảy ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Thanh niên và Tiền Phong các số từ ngày 10/10/2020 đến ngày 16/10/2020.
2. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Phá rừng là tự đào huyệt để chon mình”, Báo điện tử Môi trường và Đô thị.
3. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Thiên tai ngày càng khốc liệt nên không thể chủ quan, lơ là”, TC Môi trường và Đô thị điện tử

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phải nâng cao trách nhiệm ứng phó với thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới