Thứ tư, 24/04/2024 03:23 (GMT+7)

Rác đô thị: Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết

MTĐT -  Thứ hai, 20/07/2020 08:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kể từ khi bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) được hình thành (năm 1999) đến nay đã có tới 7 lần dân chặn xe rác, riêng trong năm 2019, đã có ít nhất 3 đợt. Vì vậy, người nội thành khổ sở vì rác dồn ứ.

Rác ùn ứ phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) trong những ngày người dân chặn không cho xe rác vào bãi Nam Sơn (Sóc Sơn). Ảnh: Bảo Ninh

Kể từ khi bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) được hình thành (năm 1999) đến nay đã có tới 7 lần dân chặn xe rác. Riêng trong năm 2019, đã có ít nhất 3 đợt. Và mỗi lần như vậy, người nội thành khổ sở vì hàng ngàn tấn rác dồn ứ, bốc mùi giữa phố.

Các bãi rác quá tải trong thời gian dài, lượng rác tồn đọng chưa xử lý có đến hàng trăm nghìn tấn rác thải. Không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, mưa xuống nước rỉ từ rác chảy tràn...

Câu chuyện ở khu xử lý rác thải Nam Sơn không phải là chuyện cá biệt. Các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế đang quá tải. Hai bãi rác chôn lấp ở thành phố Hạ Long đóng cửa vì ô nhiễm. Quảng Ngãi, Hà Tĩnh cũng căng thẳng về chuyện này. Côn Đảo từng tính đến phương án "đóng gói" rác thải rồi vận chuyển vào đất liền để xử lý. "Núi rác" hàng trăm tấn tại thác Cam Ly, Đà Lạt lại tiếp tục sạt lở, đổ ụp xuống thung lũng bên dưới, các dòng suối đổi màu đen kịt. 

Ở TP.HCM, người dân tại khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, Q.7 luôn bị ám ảnh bởi mùi rác bốc lên từ khu xử lý rác thải Đa Phước gần đó...

Theo thống kê của Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay tỉ lệ thu gom, xử lý rác đô thị khoảng 85%, rác nông thôn chỉ thu gom được khoảng 55%. Phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp (70%), người dân sống xung quanh hứng hậu quả từ mùi hôi và nước bẩn.

Chưa địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện để rác được tái chế, thành "tài nguyên". Chuyện đơn giản hơn là phân loại rác để tiết kiệm chi phí xử lý, nhưng nơi làm nơi không, rác ra khỏi nhà dân lại đổ chung lên một xe thu gom.

Chúng ta chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh, khích lệ được công nghệ tốt nhất tham gia xử lý rác. Việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải bài bản cần vốn đầu tư rất lớn, không phải tỉnh thành nào cũng đủ nguồn lực. Hiện TP.HCM và Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 - 1.500 tỉ đồng mỗi năm, nhiều địa phương khác chỉ vài chục tỉ đồng/năm.

Nước Đức dẫn đầu trong các quốc gia tái chế rác, theo sau là Áo, Hàn Quốc và Xứ Wales. Bốn quốc gia này đã tái chế thành công từ 52-56% rác thải mỗi năm. Trong khi chúng ta vẫn còn loay hoay với việc phân loại rác như thế nào và phần lớn rác chở đi chôn. Ngân sách vẫn phải gánh chi phí phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Chưa định hướng, lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp cũng như mô hình hoạt động xử lý rác hiệu quả để nhân rộng.

Giải quyết được những khó khăn nêu trên không phải ngày một ngày hai, nhưng càng làm sớm càng tốt. Với những "điểm nóng" căng thẳng liên quan đến rác thải đô thị thời gian qua, cần nhiều giải pháp cấp bách để có thể xử lý rác theo công nghệ mới. Cần xem việc này là việc cần làm ngay trước thực tế những căng thẳng vì rác đô thị sẽ còn diễn ra cả nước.

Theo Thảo Nghi/Báo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Rác đô thị: Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới