Thứ sáu, 29/03/2024 14:55 (GMT+7)

Sân chơi từ đồ tái chế giúp thủ đô Kathmandu giải phóng rác?

MTĐT -  Thứ sáu, 04/05/2018 11:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kathamandu là thủ đô của Nepal nổi tiếng với khói bụi và tràn ngập rác. Kathmandu đang tìm kiếm giải pháp về môi trường, một trong những cách giải quyết vấn nạn rác là tái chế thành đồ chơi trẻ em...

Tới Kathmandu những ngày này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nguồn năng lượng mặt trời từ các tấm pin trên mái nhà được sử dụng ở khá nhiều hộ gia đình. Dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo đã được chính phủ Nepal khởi xướng và kêu gọi quần chúng tham gia thắp sáng đường phố bằng điện mặt trời.

Nhưng nếu nhìn xuống phía dưới thành phố, mặt trời chiếu sáng rực rỡ dưới lòng đường, chiếu thẳng vào những đống rác nhựa, lốp xe, rác thải gia đình. Cơ man nào là rác trên đường phố, thậm chí rác còn xuất hiện ở các chùa chiền, đình đền…

Kathmandu đang chiến đấu với các loại chất thải. Sau trận động đất tàn phá thành phố cách đây 3 năm, mỗi ngày ở Kathmandu có khoảng 800 – 1.000 tấn chất thải, từ nhựa, giấy đến các phế liệu kim loại và thủy tinh.

Để ngăn chặn các cửa ngõ vào Everest trở thành con đường rác thải, thành phố đang thực hiện hàng loạt dự án. Một bộ phận chuyên trách về đô thị được giao nhiệm vụ giảm lượng rác thải bằng cách tìm nơi chôn lấp chúng. Nhiều tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp lớn nhỏ cũng đang chung tay tìm ra những giải pháp hạn chế vấn đề rác thải, bình thường hóa quá trình tái chế rác.

Một trong những nỗ lực đáng được chú ý khác đang diễn ra ở thung lũng Khathmandu khi tại trường trung học Shree Bhawani ở Kagati Gaon, các tình nguyện viên đang cắt, tạo hình, đánh bóng các kim loại phế liệu, các lốp cao su và nhiều vật liệu phế thải khác để tạo ra những chiếc xích đu, những cái bập bênh đặt trong các sân chơi cho trẻ em.

Kagati Gaon là vùng chứa nhiều rác thải nhất ở Kathmandu, vì vậy nơi đây được chọn để tái chế lại rác thải. Khái niệm “Upcycling” có nghĩa là nâng cao giá trị sản phẩm tái chế đang được định hướng và thực hiện ở đây. Upcycling là hình thức tái chế các vật liệu cũ thành các sản phẩm mới với giá trị sử dụng và thẩm mĩ cao.

Prashant Kumar, một tình nguyện viên đến từ Ấn Độ cho biết: “Ban đầu, kế hoạch này đã gây sửng sốt cho nhiều người. Khi chúng tôi nói rằng sẽ xây dựng một sân chơi cho trẻ từ các phế liệu, nhiều người đã cười ầm lên, họ hỏi chúng tôi sẽ làm gì với những thứ vứt đi đó. Ý tưởng dùng  phế liệu để tái sử dụng không hề phổ biến ở nơi này”.

Trước đây, trường học ở Khathmadu thường chẳng có sân chơi. Giờ thì, bọn trẻ đã có vài chiếc xích đu và bập bênh ngay trong trường mình. Tất cả đều được làm ra từ những vật liệu bị thải loại, bao gồm cao su, nhựa, kim loại.

Cùng với Prashant Kumar, một tình nguyện viên khác là Scot Ben Reid Howells đến từ Canada cùng nhau phối hợp dự án Vasudhaiva Ride. Từ đầu năm 2017, dự án này chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án cho cộng đồng, kết hợp trong hành trình đi bằng xe máy của hai người bạn này. Họ sẽ dừng lại tại nhiều điểm trên đường đi, giúp đỡ các địa phương trong lĩnh vực tái tạo phế liệu, xanh sạch môi trường. Tất cả hoàn toàn miễn phí.

Kumar cho biết: “Trước tiên, bạn phải xác định xem loại rác thải nào có thể sử dụng được, sau đó bạn nghĩ đến những cách thiết thực để sử dụng nó. Upcycling xuất phát từ những sáng tạo. Đó không chỉ là một kĩ năng, mà còn mang tính nghệ thuật”.

“Khu vực quanh Kagati Gaon tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, nghiện rượu. Vì thế, trẻ em càng phải được tương tác với thế giới bên ngoài. Việc xây dựng một sân chơi an toàn là cực kỳ cần thiết. Trước đó, trẻ chẳng có chỗ nào để chơi. Từ khi sân chơi tái chế xuất hiện, nó đã thu hút rất nhiều trẻ em xa từ vài dặm quanh đây đến chơi…” Kumar cho biết thêm.

Một số trẻ lớn hơn và các thanh thiếu niên được quan sát và chỉ dẫn những kĩ thuật tái chế, nâng cấp những phế liệu. Kumar hy vọng một ngày nào đó sẽ có hẳn một trường học dạy trẻ những kĩ năng này một cách chuyên nghiệp.

Trong khi đó, đại diện từ các phòng ban khác nhau thuộc thành phố Kathmandu đã chấp nhận ý tưởng của kế hoạch này, thúc đẩy chương trình trong các trường học và khu vực công cộng.

Một số công ty tư nhân đang tìm cách xử lý rác thải theo cách tương tự, dù cho phương thức mang tính thương mại hơn. Doko Recyclers, tên một công ty xử lý, thu nhặt chất thải từ mọi nguyên liệu có tính phí (từ trái cây đến các vật liệu xây dựng) đã tính toán rác thải ở Kathmandu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, trong đó 40% có thể tái chế được.

Ông Runit Saria, đồng sáng lập của Doko cho biết: “Chúng tôi ước tính có khoảng 13.000 đối tượng xử lý rác thải trên quy mô nhỏ, bao gồm những người buôn bán phế liệu, những người thu nhặt phế liệu từ thùng rác. Không ai trong chúng ta thuộc về thị trường này. Chúng tôi đã từng nghĩ rằng mình đang bước vào một lĩnh vực kinh doanh không phù hợp, nhưng sau đó chúng tôi vẫn quyết định làm. Chúng tôi tiến hành các cuộc mua bán, thu gom lớn và đã kí kết được với nhiều đối tượng kháck hàng lớn”.

Dịch vụ của Doko bao gồm các thùng chuyên dụng đựng đồ tái chế cùng với bảng điều khiển trực tuyến cho phép các khách hàng xem và nhận thức được có bao nhiêu các loại nhựa, chai thủy tinh, núi nilong mà họ đã bỏ đi hàng ngày thông qua từng hành động của mỗi người. Ông Raghavendra Mahto, đồng sáng lập Doko phát biểu: “Chất thải nhựa là vấn đề chung của toàn cầu. Chúng ta cần một hệ sinh thái trong lành, bớt ô nhiễm. Vì thế, tất cả chúng ta cần phải cố gắng nhiều”.

Rác thải, phế liệu ở Kathmandu chưa thể ngay lập tức giải quyết triệt để. Nhưng một khi có ý thức và sự đồng tình của cả người dân và chính quyền trong chiến dịch vì môi trường xanh, sạch, chắc chắn trong tương lai tình hình sẽ khả quan hơn.

Theo Sống Mới

Bạn đang đọc bài viết Sân chơi từ đồ tái chế giúp thủ đô Kathmandu giải phóng rác?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.