Thứ sáu, 29/03/2024 01:36 (GMT+7)

Siết chặt nhập nguồn phế thải nhựa vô tội vạ

MTĐT -  Thứ tư, 03/04/2019 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhựa tràn lan, sử dụng vô tội vạ. Phế thải nhựa lại đang tồn hàng ngàn container ở cảng. Nhiều ý kiến cho rằng cần siết quản lý sử dụng nhựa và nhập phế thải nhựa.

Cơ quan chức năng kiểm tra 20 container hàng của một doanh nghiệp ở Q.2, TP.HCM và phát hiện toàn bộ là rác thải công nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc siết nhập phế thải nhựa về VN làm nguyên liệu có thể làm tăng chi phí, đẩy giá thành nhựa lên. Nhưng nhiều ý kiến đồng tình.

Thúc đẩy thu gom, tái chế

Chiều 2-4, ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), thông tin chi tiết bộ này đề xuất trong dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, quy định từ 1-1-2025 chỉ cho nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa có giá trị cao, không cho nhập phế liệu về sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy nữa.

Dự thảo nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp chỉ được nhập 70% phế liệu nguyên liệu, 30% phải thu gom, tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước.

Tuy nhiên, ngay trong nghị quyết 09, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT và các sở TN-MT chỉ cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết thời điểm ngày 31-12-2024.

Trước mắt, để kiểm soát chặt việc nhập khẩu phế liệu, ông Thức cho biết Bộ TN-MT đã phối hợp rà soát, sửa đổi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành danh mục các loại phế liệu được nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất, trong đó đã giảm đi 13 loại phế liệu được nhập, loại bỏ hẳn những phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Không thích tái chế nhựa trong nước?

Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp nhựa thích nhập khẩu thay vì thu gom, tái chế phế thải nhựa trong nước.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2017, đại diện Hiệp hội Nhựa VN (VPA) cho hay ngành nhựa đã nhập khẩu nhựa tái chế trung bình 91.400 tấn/năm, đứng vị trí thứ 4 trong 10 nước ASEAN.

Ông L.V. - giám đốc Công ty nhựa T.L (Q.9) - cho biết giá thành thành phẩm nguyên liệu nhựa tái chế sau khi được nhập khẩu để tái chế luôn có chi phí thấp hơn hạt nhựa nguyên sinh cùng loại. Mức cách biệt này từ 25-30%, thậm chí là 40%.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, do phế liệu nhựa trong nước không được phân loại ngay từ hộ gia đình nên lẫn nhiều tạp chất hữu cơ.

Các doanh nghiệp tái chế không cạnh tranh mua phế liệu nhựa trong nước được với làng nghề vì các hộ gia đình tái chế ngay tại nhà không tốn kém nhiều chi phí như doanh nghiệp, chi phí lao động thấp.

Nhiều doanh nghiệp cũng không muốn mua nhựa từ làng nghề vì cho rằng kém chất lượng. Vì vậy, họ vẫn có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu nhựa đã phân loại riêng, không bị pha trộn.

Cũng theo VPA, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp trong ngành nhựa đầu tư nhà máy để sản xuất ra sản phẩm trung gian từ phế liệu nhựa nhập khẩu (tức hạt nhựa hoặc sản phẩm nhựa tái chế thương phẩm), mức đầu tư trung bình 100-200 tỉ đồng/nhà máy/doanh nghiệp.

Với thời hạn đến hết năm 2024 sẽ ngưng cho nhập khẩu loại nguyên liệu này, đại diện VPA cho rằng "là khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trước đó thông tư ban hành của Bộ TN-MT theo hướng là cấm nhập hẳn".

Tuy nhiên, đại diện VPA cũng lo ngại việc không chủ động về nguồn nguyên liệu, nay lại không có điều kiện để sử dụng nguồn nguyên liệu nhựa tái sinh, lâu dài ngành nhựa VN mất lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa có thương hiệu sẽ dần thuộc về các tập đoàn đa quốc gia.

Không hạn chế, rác nhựa còn tràn lan

GS.TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN) cho rằng việc đưa vào lộ trình từ ngày 1-1-2025 chỉ cho phép nhập phế liệu làm sản phẩm có giá trị thương mại cao và doanh nghiệp chỉ được nhập 70% phế liệu nguyên liệu, còn 30% phải tiến hành thu gom, tái chế phế liệu trong nước là hoàn toàn phù hợp.

"Nếu không có giải pháp trên, rất có thể nước ta sẽ trở thành nơi chứa đủ loại phế liệu của các nước khác" - bà Chi khẳng định.

Theo ông Âu Anh Tuấn - quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan, VN đã siết lại, hiện chỉ cho nhập phế liệu khi hàng có trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ cho phép, yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải có giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực, còn đủ hạn ngạch, ký quỹ... trước thời điểm dỡ hàng xuống cảng.

Nếu không đủ điều kiện nêu trên thì không cho dỡ hàng, hàng vẫn nằm trên tàu và buộc hãng tàu phải chở đi luôn. Trước đây, việc kiểm tra các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu thực hiện ở khâu làm thủ tục thông quan hàng hóa. Hàng đã dỡ xuống cảng, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện thì hàng vẫn nằm ở cảng.

VPA cũng từng đề xuất ban hành quy định về giám sát việc tham gia hoạt động tái chế phế liệu nhựa hoặc chỉ khuyến khích và ưu tiên cấp phép cho những doanh nghiệp/dự án sử dụng công nghệ tiêu chuẩn tiên tiến. Có vậy, việc chuyển giao công nghệ (license) và bí quyết công nghệ mới thật sự được chia sẻ và phát triển trong lĩnh vực ngành nhựa VN.

Nhập tới 5,59 triệu tấn nguyên liệu nhựa/năm

Năm 2018, VN nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu khoảng 5,59 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 9,1 tỉ USD, tăng 11,9% về lượng và 20% về trị giá so với năm 2017.

VPA dự kiến nhu cầu hạt nhựa được tính toán với tốc độ tăng trưởng lũy kế hằng năm đạt 10%, đến năm 2023 ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Trong số đó, VN có thể sản xuất được 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26%, số còn lại 7,4 triệu tấn phải nhập khẩu.

Như vậy, "cơn khát" nguyên liệu cho sản xuất của ngành nhựa trong nước vẫn không hạ nhiệt.

* Ông Âu Anh Tuấn (quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan):

Không tạo tiền lệ xấu

Theo báo cáo mới nhất của các cục hải quan địa phương, số phế liệu tồn đọng tại các cảng là gần 10.000 container, nằm chủ yếu ở cảng Hải Phòng và Cát Lái. Luật hải quan quy định rõ: hàng tồn đọng quá 90 ngày không có người nhận gây ô nhiễm môi trường buộc phải tái xuất.

Trách nhiệm tái xuất phế liệu, rác thải thuộc về hãng tàu nếu lô hàng vô chủ, nhưng không có chế tài nếu không tái xuất thì sẽ bị xử lý như thế nào. Thực tế, số container mà hãng tàu tái xuất chất thải, phế liệu rất ít. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý số phế thải tồn đọng tại các cảng, Chính phủ vừa thành lập tổ xử lý và giao Bộ Tài chính làm tổ trưởng.

Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu trình Chính phủ sửa các nghị định nhằm nâng chế tài các hãng tàu không tái xuất rác ra khỏi VN, có thể phạt tiền, thậm chí không cho phép vận chuyển hàng hóa vào VN.

Việc xử lý, tiêu hủy rác thải không dễ và rất tốn kém. Chúng ta không thể bỏ tiền ngân sách để tiêu hủy rác cho nước khác và gây ô nhiễm môi trường cho mình. Làm như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu là hãng tàu cứ vận chuyển chất thải, rác vào VN rồi để đó cho VN tiêu hủy.

Theo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Siết chặt nhập nguồn phế thải nhựa vô tội vạ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.